Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Vùng kinh tế động lực là “chìa khóa” cho tăng trưởng
Hà Nguyễn - 26/08/2022 08:03
 
Các vùng kinh tế động lực, các hành lang kinh tế sẽ là điểm nhấn quan trọng trong Quy hoạch Tổng thể quốc gia. Đây chính là chìa khóa quan trọng để Việt Nam có thể tăng tốc, phát triển.
Đà Nẵng trở nên nổi tiếng với thương hiệu “thành phố của những cây cầu”. Ảnh: H.V.T

Sắp xếp lại không gian phát triển, ưu tiên vùng động lực

Quy hoạch Tổng thể quốc gia vẫn đang tiếp tục đưa ra lấy ý kiến công luận, để có thể trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng Mười tới. Một công việc rất khó, bởi đây là lần đầu tiên, quy hoạch quốc gia được lập theo phương pháp tích hợp, nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lại đặt rất nhiều kỳ vọng vào quy hoạch này.

“Đây là cơ hội để chúng ta chủ động kiến tạo, quyết định tương lai của đất nước. Xây dựng Quy hoạch Tổng thể quốc gia sẽ mang tới cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định là đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Không phủ nhận việc phát triển vùng đã có bước chuyển biến, hình thành được nhiều vùng kinh tế lớn có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước, song ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng thẳng thắn rằng, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém trong tổ chức không gian phát triển giai đoạn 2011-2020.

Vì thế, xây dựng Quy hoạch Tổng thể quốc gia lần này, theo ông Trần Hồng Quang, là nhằm kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

“Trong bối cảnh nguồn lực phát triển có hạn, thì trong một giai đoạn nhất định, cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số vùng lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các vùng lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh, định hướng tổ chức không gian phát triển quốc gia tới đây sẽ tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực.

Đồng tình với những phác thảo ban đầu về không gian phát triển quốc gia trong Dự thảo Quy hoạch Tổng thể quốc gia mà Việt Nam đang xây dựng, các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), trong một cuộc hội thảo gần đây nhận định, bằng định hướng phân bổ nguồn lực vào các vùng động lực để nâng cao hiệu quả, giảm chồng chéo, lãng phí, tạo nguồn tăng trưởng mới, đồng thời tạo tác động lan tỏa, Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển đến năm 2045.

“Vùng kinh tế động lực chính là chìa khóa để Việt Nam trở thành quốc gia có thu cập cao. Ở nhiều quốc gia, các cụm hoạt động kinh tế cũng trở thành động lực tăng trưởng. Chẳng hạn, ở Mỹ có Thung lũng Silicon, ở Pháp có Vùng thủ đô Paris...”, ông Danny Leipziger, Trưởng nhóm Tư vấn của WB nói.

Định hình các vùng động lực và hành lang kinh tế

Các hoạch định ban đầu về các hành lang kinh tế và vùng động lực kinh tế đã được đưa ra trong Dự thảo Quy hoạch Tổng thể quốc gia. Theo đó, với các hành lang kinh tế Bắc - Nam, sẽ có hành lang kinh tế phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Quốc lộ 1A đến Cà Mau (tham gia Hành lang xuyên Á Nam Ninh - Singapore). Đây chính là hành lang có vị trí đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời cũng là hành lang kinh tế liên vùng, kết nối hầu hết các cực tăng trưởng trên phạm vi quốc gia.

“Hỗ trợ Hành lang kinh tế Bắc - Nam phía Đông là dải ven biển gắn với đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau”, ông Trần Hồng Quang nói và cho biết, trước mắt, sẽ tập trung phát triển các đoạn hành lang từ các đô thị lớn như Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thanh Hóa - Hà Tĩnh, Huế - Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Nha Trang, TP.HCM - Cần Thơ.

Trong khi đó, Hành lang kinh tế Bắc - Nam phía Tây sẽ gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Tuy nhiên, đây là hành lang kinh tế được xác định cho tầm nhìn dài hạn, sau năm 2030.

Với các hành lang kinh tế Đông - Tây, sẽ có những hành lang ưu tiên tham gia các hành lang kinh tế quốc tế trong khu vực, trong đó có hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng. Các hành lang khác cũng sẽ được ưu tiên phát triển là Cầu Treo - Vũng Áng, Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn...

Trong khi đó, với các vùng động lực, ngoài tam giác động lực phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tứ giác động lực phía Nam TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, thì khu vực ven biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang… cũng được xác định là các vùng kinh tế động lực.

Như vậy, có thể thấy, trong định hình không gian phát triển quốc gia, các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên có một vị trí quan trọng. Dự thảo Quy hoạch Tổng thể quốc gia xác định rõ, trên cơ sở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, sẽ lựa chọn địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất, có cảng biển, sân bay quốc tế, khu kinh tế ven biển, có tiềm năng phát triển mạnh công nghiệp, du lịch, dịch vụ để hình thành vùng động lực.

Trung tuần tháng 4/2022, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện quy hoạch Vùng đang được xây dựng, song quan điểm cũng đã rất rõ ràng, rằng sẽ tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ; nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, sản xuất, lắp ráp ô tô; tăng cường liên kết vùng, tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế...

Ủng hộ kế hoạch phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, điều quan trọng là phải làm sao khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực tổng hợp của từng vùng và cả quốc gia, đồng thời tổ chức phát triển kinh tế theo không gian vùng và liên kết vùng một cách hiệu quả.

Để vùng động lực thành... động lực

Việc xây dựng các hành lang kinh tế, hay phát triển các vùng động lực, trên thực tế không phải bây giờ mới được đề cập. Tuy nhiên, như ông Trần Hồng Quang đã nói, đã có những tồn tại, hạn chế khiến việc phát triển các hành lang kinh tế, các vùng động lực chưa được như kỳ vọng trong thời gian qua.

“Hiện chúng ta có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chiếm 27,5% diện tích, 53,1% dân số, nhưng vì chưa có cơ chế ưu đãi vượt trội, chưa tạo được liên kết vùng, nên thậm chí, nhiều địa phương (14/24 - PV) thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới mức trung bình cả nước”, ông Trần Hồng Quang nói.

Chính vì vậy, để các vùng động lực thực sự trở thành động lực, cần phải có cơ chế.

“Vùng động lực chỉ có tác dụng nếu được hỗ trợ bằng những thể chế và cơ chế thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương. Sáng kiến phối hợp 4 tỉnh miền Bắc do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì là mô hình thú vị về nỗ lực phối hợp giữa các địa phương”, ông Danny Leipziger bày tỏ quan điểm.

Theo ông Danny Leipziger, cải thiện khả năng kết nối của tất cả các địa phương đến vùng động lực khác nhau cũng là cách để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, tạo điều kiện để các hoạt động đầu tư, kinh doanh tạo ra các lan tỏa tích cực.

“Chúng ta cũng phải cho các địa phương thấy là vùng động lực sẽ mang tính động, chứ không phải là tĩnh. Có nghĩa là, nếu địa phương nào đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí thì có thể dễ dàng tham gia vùng động lực”, ông Danny Leipziger nói.

Cũng theo ông Danny Leipziger, để hành lang giao thông trở thành hành lang kinh tế thì phải thiết lập được sự thuận lợi về giao thông, kết nối, đồng thời có cơ chế để thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước phát triển các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Ở một góc độ khác, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khi trao đổi về vấn đề quy hoạch tổng thể quốc gia, cũng nhấn mạnh, phải chọn được những ngành, lĩnh vực có khả năng chủ động, độc lập, có vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu để phát triển trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của quốc gia, của vùng, không phụ thuộc vào địa giới hành chính của một địa phương nào.

“Quy hoạch là phải có độ linh hoạt nhất định, tạo không gian chính sách thuận lợi cho địa phương điều hành thực hiện”, ông Kiên nói.

Tạo dựng các cụm liên kết ngành kinh tế biển phát triển hiệu quả, có sức cạnh tranh, hội nhập cao

“…Khu vực Bắc Trung bộ: Du lịch ven biển phát triển các trung tâm, khu du lịch biển có sức hấp dẫn cao khách quốc tế. Liên kết phát triển các trung tâm du lịch biển Nam Thanh Hoá - Bắc Nghệ An, Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; phát triển Quảng Bình là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản thiên nhiên thế giới (Phong Nha - Kẻ Bàng) có tầm quốc tế cao trong khu vực.

Khu vực Trung Trung bộ: Du lịch ven biển và du lịch đảo kết hợp du lịch di sản, di tích văn hóa, lịch sử. Liên kết, phát triển vùng du lịch ven biển Nam Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản văn hóa thế giới có tầm quốc tế cao ở châu Á - Thái Bình Dương. Phát triển các trung tâm du lịch đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam); hình thành khu du lịch quốc tế hóa cao ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) phát triển là trung tâm du lịch đảo có tầm quốc tế.

Khu vực Nam Trung bộ: Du lịch biển đảo phát triển các khu du lịch, đô thị du lịch biển có mức độ quốc tế hóa cao, liên kết các cơ sở du lịch biển với các cơ sở du lịch di sản, di tích văn hóa ven biển với trung tâm dịch vụ du lịch ở TP. Nha Trang, TP. Quy Nhơn. Hình thành các khu trung tâm thương mại miễn thuế cho khách du lịch, khu đô thị du lịch biển quốc tế ở Khánh Hòa - Nam Phú Yên phát triển là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, thám hiểm biển có tầm quốc tế cao ở châu Á - Thái Bình Dương. Phát triển các cơ sở dịch vụ du lịch huyện đảo Trường Sa là trung tâm du lịch đảo xa bờ…”.

(Trích Quyết định số 892/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030, Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký ngày 26/7/2022)
Chuyên gia WB: Quy hoạch tổng thể quốc gia nên là tài liệu "sống", bám sát thực tiễn
Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam, nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư