Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Vùng vẫy tìm cách thoát nợ
Anh Vũ - 21/06/2013 07:11
 
Nhiều doanh nghiệp đang cố vùng vẫy thoát khỏi “cửa tử” của gánh nặng nợ nần bằng nhiều cách thức.
TIN LIÊN QUAN

Từ năm 2012 đến nay, đã xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn lâm vào tình trạng đổ vỡ. Dễ thấy nhất là trong các ngành thủy sản, cà phê, vốn là những nhóm ngành chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao của Việt Nam.

Ông Hà Văn Thắng, Tổng giám đốc CTCP 26 - 3 (Hòa Bình)
là CEO tham gia chương trình tuần này

Mới đây, một trong Top 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam lại lâm vào cảnh bị siết nợ.

Theo đó, nhiều ngân hàng, gồm MB, VIB, Techcombank, VietinBank, Agribank, Maritime Bank và OCB đã đến kho hàng của Công ty TNHH Trường Ngân (Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) để siết nợ.

Chuyện nợ nần, phá sản trong ngành cà phê đã âm ỉ từ năm 2011, với sự “ra đi” của hàng loạt công ty và đại lý thu mua cà phê nguyên liệu ở Tây Nguyên.

Trước đó, Công ty cổ phần Cà phê An Giang (AGC), Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa (THV) đã rơi vào thảm kịch, khi lỗ liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu, cổ phiếu bị hủy niêm yết.

Dù đã áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp, nhưng THV vẫn không cứu vãn được tình hình do sai lầm về chiến lược đầu tư dàn trải để lại. Quý I/2013, THV còn tồn kho hơn 679,3 tỷ đồng. Trong đó, cà phê thành phẩm và hàng hóa chiếm hơn 500 tỷ đồng; doanh thu cũng giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng nợ nần ở THV vẫn chưa được cải thiện. Theo báo cáo tài chính quý I/2013, nợ ngắn hạn của THV vẫn tăng lên, trong khi nợ vay dài hạn lại không thay đổi. THV cũng chưa huy động được những nguồn vốn rẻ từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

Trong lĩnh vực thủy hải sản, năm 2012, hàng loạt đại gia, như Công ty cổ phần Thủy sản Bình An, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Mã, Công ty cổ phần Thủy sản Đông Nam... đều bị “ngã ngựa”, khi lâm vào cảnh mất cân đối giữa tổng tài sản với các khoản nợ phải trả.

Không dừng lại ở đó, việc doanh nghiệp nợ lương, nợ đối tác những khoản tiền khổng lồ, khiến bị rơi vào những vụ kiện tụng phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy.

Bí bách và túng quẫn, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn giải pháp tháo chạy để trốn nợ. Vừa qua, tại TP.HCM, các cơ quan chức năng phát hiện có gần 1.300 doanh nghiệp bỏ trốn và không nộp thuế. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác chấp nhận ra tòa và bị phát mãi tài sản, vì không trả được nợ. Nhưng ngược lại, cũng có những doanh nghiệp đang huy động hết sức lực còn lại của mình để bám trụ và thoát qua khủng hoảng.

Điển hình là trường hợp của Tập đoàn Mai Linh. Nhằm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, Mai Linh đã và đang cùng lúc áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để lật ngược tình thế. Ngoài việc đàm phán với các nhà đầu tư để giãn nợ, gia hạn hợp đồng, giảm lãi suất, Mai Linh còn xin sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để giãn thuế, đồng thời bán bớt tài sản để thu hồi tiền mặt.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn, với lãi suất hợp lý để cơ cấu lại nợ vay và tiếp tục đầu tư phương tiện mới cho hoạt động taxi. Cùng với sự nỗ lực hết mình, Mai Linh còn kêu gọi sự chia sẻ, hỗ trợ của đối tác, khách hàng, người lao động để giúp mình vượt qua cơn sóng gió này.

Và Mai Linh một lần nữa lại mang đến cho các doanh nghiệp khác bài học xử lý khủng hoảng nợ trên thương trường.

Đối với những doanh nghiệp sản xuất nói chung, có một số biện pháp thoát nợ. Chẳng hạn như tạm ngừng sản xuất các sản phẩm được dự báo trong thời gian tới sẽ giảm sút nhu cầu; cắt giảm nhân sự “ổn định” có thâm niên và thay thế bằng các nhân viên mới để có những ý tưởng mới và năng lực lõi mới; cắt giảm những sản phẩm trong cùng công ty đang cạnh tranh với nhau để tập trung đánh vào những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với đối thủ.

Nếu áp dụng chiêu thức này, có thể thời gian đầu, doanh nghiệp sẽ phải chịu thua lỗ thêm. Nhưng các nguồn lực được giải phóng khi thực hiện chiến lược mới sẽ tạo ra các điều kiện thuận lợi để chiếm lĩnh thị trường mới.

Và rõ ràng, không có giải pháp tối ưu cho các CEO trong môi trường kinh doanh thiên biến vạn hóa. Song Chương trình Chìa khóa thành công - CEO phiên bản 2012, phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam cũng sẽ gợi mở cho các CEO một số nước cờ có liên quan đến vấn đề nợ nần.

Chương trình tuần này sẽ được phát sóng vào 10 h sáng Chủ nhật (23/6) và phát lại vào 8 h sáng thứ 2 (24/6).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư