Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Vướng mắc trong phòng cháy, chữa cháy đang được gỡ thế nào?
Nguyễn Lê - 30/09/2023 10:12
 
Có doanh nghiệp đầu tư 500 triệu đồng mà bỏ chi phí cho phòng cháy chữa cháy mất 3 tỷ đồng thì đầu tư sản xuất làm sao được.
.
Ảnh minh họa.

“Cộng đồng doanh nghiệp nói với tôi là mỗi khi có một vụ cháy nghiêm trọng xảy ra, các doanh nghiệp lại hồi hộp vì rất có thể khi đó sẽ có những phản ứng nâng cao các tiêu chuẩn lên”.

Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn chia sẻ như thế tại phiên thẩm tra các nội dung về kinh tế, xã hội trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa qua.

Ông Tuấn nói, hiện tại, Chính phủ đã có chương trình rà soát những chồng chéo, bất cập của các văn bản pháp luật, các vướng mắc, nhưng từ góc nhìn thực tiễn, chất lượng các văn bản pháp luật có nhiều vấn đề.

Đặc biệt, hiện nay, các văn bản cấp bộ như thông tư và các quy chuẩn kỹ thuật tạo ra rào cản rất lớn, nhiều quy chuẩn đặt ra tiêu chuẩn quá cao, ông Tuấn nhấn mạnh và lấy ví dụ như quy chuẩn 06 của Bộ Xây dựng về phòng cháy chữa cháy.

“Phòng cháy chữa cháy là vấn đề tương đối nóng trong năm 2023, nếu đặt ra tiêu chuẩn quá cao thì rất nhiều dự án sản xuất cả trong nước và nước ngoài bị đình trệ. Cộng đồng doanh nghiệp nói với tôi là mỗi khi có một vụ cháy nghiêm trọng xảy ra, các doanh nghiệp lại hồi hộp vì rất có thể khi đó sẽ có những phản ứng nâng cao các tiêu chuẩn lên. Tìm điểm dung hòa và có lẽ tăng cường thực thi là giải pháp rất quan trọng, còn nếu tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn thì sẽ tạo ra những thiệt hại rất lớn”, Phó tổng Thư ký VCCI nêu quan điểm.

Cũng đề cập về phòng cháy chữa cháy, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Kinh tế, ông Đinh Ngọc Minh nêu, có doanh nghiệp đầu tư 500 triệu đồng mà đầu tư cho phòng cháy chữa cháy mất 3 tỷ đồng thì đầu tư sản xuất làm sao được.

Với thực tế thời gian qua Hà Nội xảy ra cháy nhiều, từ quán karaoke đến chung cư mini, ông  Minh cho rằng, tiêu chuẩn không trúng, nơi thì hở nơi lại chặt quá.

“Ví dụ, doanh nghiệp sản xuất chế biến nông lâm sản cần hệ thống nước là được rồi, sao cũng phải sắt, thép, vật liệu chống cháy gì đấy. Quy định sao cho phù hợp. Cái này Chính phủ cũng nên đưa vào báo cáo để Quốc hội, người dân biết ứng xử, giải pháp của Chính phủ thế nào”, ông Minh nói.

Việc xử lý các vướng mắc về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy cũng là nội dung được Bộ Xây dựng nêu trong báo cáo phục vụ phiên thẩm tra nói trên.

Bộ này nêu rõ, Bộ Xây dựng được giao phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động đầu tư xây dựng theo từng đối tượng, loại hình, cơ sở hiện hữu. Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Nghị quyết và có Tờ trình số 30/TTr-BXD ngày 28/6/2023 gửi Chính phủ để xem xét ban hành.

Về nghiên cứu sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ và các cơ quan có liên quan thực hiện Sửa đổi lần 1 QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình ( Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD). Hiện nay, dự thảo Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD đã hoàn thành, đang được thẩm định tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, dự kiến ban hành vào cuối tháng 9/2023.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, người ký báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, nội dung dự thảo Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD đã được biên soạn trên cơ sở tổng hợp các vấn đề ngoài thực tiễn, nhóm biên soạn đã tiếp thu, phân tích và bổ sung làm rõ một số nội dung.

Một là bổ sung, làm rõ các yêu cầu cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng loại công trình như: bệnh viện, trường mầm non, nhà có chiều cao phòng cháy chữa cháy dưới 15 m, công trình khách sạn, văn phòng có chiều cao phòng cháy chữa cháy đến 25 m (trên nguyên tắc bổ sung hạn chế số người và các điều kiện an toàn khác).

Hai, bổ sung, làm rõ các phương án nhằm thuận tiện hơn trong việc lựa chọn vật liệu hoàn thiện, trang trí, vật liệu ốp lát, phủ sàn; lưu lượng, thời gian chữa cháy đáp ứng các yêu cầu an toàn cháy đối với các công trình quy mô nhỏ... 

Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về nhà ở riêng lẻ, trong đó có các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy đối với Nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh để đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ ban hành ngay khi Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực.

Như vậy, về cơ bản các quy định, hướng dẫn tại các dự thảo Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD và TCVN về Nhà ở riêng lẻ, đã đảm bảo cơ sở áp dụng các nguyên tắc an toàn trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy cho các công trình hiện hữu khi thực hiện cải tạo, sửa chữa, Bộ Xây dựng nhìn nhận.

Khẩn trương xây dựng Đề án tổng thể về nâng cao năng lực, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng Đề án tổng thể về nâng cao năng lực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư