Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Vượt qua trở ngại thiếu hụt nhân công, xuất khẩu nhiều nhóm hàng vẫn tăng cao
Thế Hải - 03/12/2021 09:50
 
Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực đã tạo bất ngờ lớn khi đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng, như máy móc, thiết bị phụ tùng tăng 39,8%; sắt thép tăng 129,8%; chất dẻo tăng 34,2%...
Sắt thép là một trong những nhóm hàng xuất khẩu đạt mức tăng cao trong 11 tháng qua, với 10,8 tỷ USD, tăng 129,8%.
Sắt thép là một trong những nhóm hàng xuất khẩu tăng cao trong 11 tháng qua, đạt 10,8 tỷ USD, tăng 129,8% so với cùng kỳ.

"Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta đạt mức tăng trưởng ấn tượng, dù vẫn đang phải duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh tiếp diễn và không ít doanh nghiệp chưa khôi phục 100% công suất do thiếu hụt nhân công", Báo cáo hoạt động công nghiệp và thương mại 11 tháng của Bộ Công thương cho biết.

Tiếp đà phục hồi từ tháng 10, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tiếp tục có sự tăng trưởng do nhu cầu tăng trong dịp cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước tính đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước (tháng 10 tăng 6,8% so với tháng 9) và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,5%).

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 257,95 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 18,8% so với cùng kỳ.

Ấn tượng nhất là sự tăng trưởng vượt trội của các mặt hàng trong nhóm ngành chế biến chế tạo, trong đó: sắt thép đạt kim ngạch xuất khẩu 10,8 tỷ USD, tăng 129,8% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng 33,6 tỷ USD, tăng 39,8%; gỗ và sản phẩm gỗ 13,25 tỷ USD, tăng 20%; hàng dệt và may mặc ước đạt 28,89 tỷ USD, tăng 7,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 45,05 tỷ USD, tăng 11,9%; điện thoại các loại và linh kiện  51,97 tỷ USD, tăng 11,6%; Phương tiện vận tải và phụ tùng ước đạt 9,38 tỷ USD, tăng 14,3%; Hóa chất 2,2 tỷ USD, tăng 39,5%; sản phẩm hóa chất 1,75 tỷ USD, tăng 32,5%; sản phẩm chất dẻo 4,4 tỷ USD, tăng 34,2%...

Một nhóm hàng khác là nhiên liệu, khoáng sản cũng theo đà tăng cao, đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2020 chủ yếu là do sự gia tăng trong xuất khẩu than đá và xăng dầu các loại.

Trong đó, xuất khẩu than đá tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu (tăng 150,4% về lượng và 147,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020); Xuất khẩu xăng dầu các loại mặc dù chỉ tăng 3,7% về lượng nhưng do giá xuất khẩu tăng cao nên trị giá xuất khẩu tăng tới 48,3% so với cùng kỳ năm trước.

"Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi ta đang khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế", Bộ Công thương nhận định.

Với lượng đơn đặt hàng lớn đã được ký kết, doanh nghiệp nhiều ngành hàng dồn lực sản xuất để giao cho khách, dự kiến xuất khẩu hàng hóa tháng cuối cùng của năm 2021 sẽ tiếp tục tăng so với mức 29,9 tỷ USD của tháng 11/2021. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cả năm dự báo có thể cán mốc 330-131 tỷ USD.

Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến đạt 535 tỷ USD vào năm 2030
Việt Nam là một thị trường quan trọng đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ đạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư