Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Warburg Pincus, Sembcorp… gọi vốn FDI vào Bình Dương
Hồng Sơn - 08/06/2019 09:54
 
Không chỉ sớm vượt kế hoạch thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh Bình Dương, với sự hợp tác của các thương hiệu toàn cầu như Warburg Pincus, Sembcorp… đang trở thành một hấp lực đối với các nhà đầu tư.
.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, Bình Dương đã thu hút được gần 1,1 tỷ USD, tăng hơn 58% so với cùng kỳ và đạt gần 80% kế hoạch năm.

Thu hút gần 1,1 tỷ USD trong 5 tháng

Thông tin về tình hình thu hút vốn FDI, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2019, tỉnh đã thu hút được gần 1,1 tỷ USD, tăng hơn 58% so với cùng kỳ và đạt gần 80% kế hoạch năm. Trong đó, có 89 dự án được cấp phép đầu tư mới với số vốn đăng ký 587 triệu USD; 44 dự án điều chỉnh vốn, với số vốn tăng thêm 303,5 triệu USD; 74 dự án góp vốn, với số vốn 187 triệu USD…

Phân tích cụ thể hơn về dòng vốn FDI vào Bình Dương từ đầu năm đến nay, ông Phú Hữu Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, dù chưa có dự án tỷ đô, song cũng có những dự án quy mô vốn đầu khá lớn đã được cấp phép. Các dự án lĩnh vực sản xuất mới được cấp phép phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường…

Chẳng hạn, Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW (liên doanh của Tổng công ty Becamex IDC và Tập đoàn Warburg Pincus, Hoa Kỳ) được cấp phép 2 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 105,8 triệu USD, có mục tiêu hoạt động là phát triển bất động sản công nghiệp tại Khu công nghiệp Thới Hòa.

Dự án của Công ty TNHH KyungBang Việt Nam (Hàn Quốc) tăng vốn đầu tư thêm 84 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 179,2 triệu USD. Dự án này chuyên sản xuất sợi cung cấp cho ngành dệt may.

Hay dự án của Công ty TNHH Timberland (Đài Loan) vốn tăng thêm 50 triệu USD, vốn đăng ký sau điều chỉnh là 80 triệu USD. Dự án này chuyên sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, rơm, rạ…

Hấp lực đầu tư mới

Tháng 8/2016, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình số 23 về huy động và phát huy nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, tỉnh Bình Dương có kế hoạch thu hút 7 tỷ USD vốn FDI trong giai đoạn này.

Thông tin mới nhất về kết quả thực hiện Chương trình 23 cho biết, tính đến tháng 5/2019, Bình Dương đã thu hút được hơn 8 tỷ USD vốn FDI, vượt hơn 1 tỷ USD của kế hoạch đề ra cho cả giai đoạn 2016 - 2020. Lũy kế đến nay, Bình Dương thu hút trên 3.600 dự án từ 64 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký khoảng 33,38 tỷ USD, trở thành địa phương đứng thứ 3 cả nước về thu hút FDI.

Đa số dự án FDI được bố trí vào các khu, cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư như VSIP 1, VSIP 2, Bàu Bàng, Tân Bình, Nam Tân Uyên... Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo của Bình Dương đạt trên 6,8 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Thực tế thu hút FDI ở Bình Dương cho thấy, việc mời gọi thành công các nhà đầu tư lớn đến hợp tác, triển khai các dự án phát triển bất động sản công nghiệp là giải pháp quan trọng, góp phần khai thông dòng vốn.

Chẳng hạn, từ cách đây hơn 20 năm, khi làn sóng đầu tư nước ngoài bắt đầu chảy mạnh vào Việt Nam, thì Bình Dương đã hợp tác với Tập đoàn Sembcorp (Singapore) để đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tiên với những tiêu chuẩn cao về hạ tầng giao thông, điện nước, xử lý môi trường… đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư hàng đầu.

Đến nay, các khu công nghiệp VSIP đã thu hút được 760 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến triển khai dự án. Không chỉ tại Bình Dương, mô hình VSIP đã được phát triển ra 6 tỉnh, thành phố trong cả nước, thu hút 11,3 tỷ USD vốn FDI. Doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp VSIP tập trung chủ yếu vào các ngành có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường như cơ khí chính xác, điện - điện tử, hàng tiêu dùng

Ông Huỳnh Quang Hải, Phó chủ tịch HĐQT của VSIP cho biết, gần đây, thương hiệu hàng đầu về bất động sản công nghiệp này đã bắt tay với nhiều đối tác lớn trong lĩnh vực tư vấn đầu tư. Họ là các nhà tư vấn chiến lược, các định chế tài chính quốc tế lớn và đó sẽ là cầu nối để đưa các tập đoàn đa quốc gia, thương hiệu hàng đầu thế giới đến Việt Nam.

Đại diện của VSIP cho biết thêm, các bên đã cam kết về việc lựa chọn nhà sản xuất phù hợp với tiêu chí thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp VSIP tại Việt Nam. Tới đây, ngoài các doanh nghiệp của châu Á, sẽ có thêm nhà đầu tư lớn của Hoa Kỳ, châu Âu… đến các khu công nghiệp VSIP để thuê đất, xây nhà máy sản xuất.

Thời điểm tốt để doanh nghiệp phát triển bất động sản công nghiệp cho thuê

Ông Tong Chee Kiong, Giám đốc điều hành của Công ty BW cho rằng, hiện nay là thời điểm tốt để phát triển mạnh mẽ lĩnh vực bất động sản công nghiệp ở Bình Dương.

Công ty BW sẽ tập trung vào việc hỗ trợ sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung để trở thành một nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp cho thuê. Mục tiêu mà nhà đầu tư này hướng đến là trở thành nhà cung cấp kho logistics và nhà xưởng cho thuê lớn nhất ở Việt Nam.

TP.HCM "bắt tay" Bình Dương tạo cảnh quan dọc tuyến sông Sài Gòn
Đây là một trong những nội dung trọng điểm liên quan đến chương trình quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường cảnh quan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư