Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
WB kỳ vọng Việt Nam đẩy mạnh cải cách
Thanh Tùng - 03/12/2014 09:22
 
() Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam khai mạc ngày 5/12 tại Hà Nội sẽ tập trung vào các vấn đề cải cách thể chế và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trao đổi về các khuyến nghị cải cách kinh tế đối với Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

WB đánh giá thế nào về tốc độ cải cách kinh tế và thể chế tại Việt Nam, thưa bà?

Năm nay, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu cắt giảm thời gian nộp thuế xuống mức trung bình của ASEAN vào cuối năm 2015. Một số biện pháp cụ thể đã được áp dụng nhằm cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế, nộp bảo hiểm và đăng ký kinh doanh.

  WB kỳ vọng Việt Nam đẩy mạnh cải cách  
  Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam  

Luật Phá sản (sửa đổi), thông qua vào tháng 7/2014, cũng là một bước tiến nhằm cải thiện khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp. Luật này đã kết hợp các thông lệ quốc tế tốt, bao gồm việc sử dụng các chuyên viên thanh lý tài sản phá sản chuyên nghiệp.

Tuần trước, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Luật Đầu tư có cơ chế linh hoạt hơn đối với khu vực tư nhân khi đầu tư vào nền kinh tế, thông qua việc làm rõ 6 lĩnh vực cấm đầu tư. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp đơn giản hóa việc đăng ký kinh doanh, thông qua việc cho phép doanh nghiệp đăng ký nhiều lĩnh vực hơn. Cả hai luật này cũng cải thiện quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, giảm bớt gánh nặng về hành chính và cấp phép, đồng thời mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho khối doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, cải cách doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa đạt được mục tiêu của Chính phủ. Trong 9 tháng đầu năm, mới có 71 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa. Việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước từ các ngành phi chủ chốt có nhiều rủi ro đã được khởi động, nhưng vẫn khá ì ạch.

Để đẩy nhanh quá trình này, cần công khai thông tin, cải cách quản trị doanh nghiệp và minh bạch trong quá trình thoái vốn. Đồng thời, trách nhiệm giải trình của các doanh nghiệp nhà nước phải được giám sát. Luật Quản lý và Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất và kinh doanh vừa được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với đầu tư công tại các doanh nghiệp nhà nước.

Tiến độ cải cách ngành ngân hàng cũng cần được đẩy nhanh. Đặc biệt, cần có chiến lược phối hợp rõ ràng về xử lý nợ xấu, như tạo khuôn khổ pháp lý cho xử lý nợ và các tài sản.

WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và nợ công như thế nào?

WB cho rằng, cải cách doanh nghiệp nhà nước vô cùng quan trọng đối với thành công trong tương lai của Việt Nam và chúng tôi cam kết hỗ trợ nỗ lực cải cách này. WB đã tập trung vào cải thiện tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, thông qua việc hỗ trợ biên soạn và thực hiện một số luật và quy định liên quan.

WB hợp tác chặt chẽ với Chính phủ về quản lý tài chính công, bao gồm quản lý nợ công. Chúng tôi đã giúp triển khai một hệ thống quản lý thông tin đối với nợ công, qua đó đã cải thiện việc lưu trữ và báo cáo số liệu nợ công. Chúng tôi cũng đang tư vấn các chính sách quản lý nợ công theo kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam.

Kiến nghị của WB tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2014 và Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VPDF) là gì, thưa bà?

Chủ đề của VDPF lần này là cải cách thể chế thị trường và phát triển khu vực tư nhân. Hai nhóm công tác đối tác phát triển - Chính phủ đã được thành lập để thảo luận các vấn đề và đưa ra các đề xuất tại VDPF. Nội dung chính của các khuyến nghị của Nhóm Công tác cải cách thể chế thị trường là giúp Việt Nam tiến nhanh tới nền kinh tế thị trường thông qua thay đổi các chính sách và thể chế dựa trên các nguyên tắc thị trường.

Khuyến nghị của Nhóm Công tác phát triển khu vực tư nhân tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển thông qua 5 lĩnh vực chính: tăng cường cơ hội phát triển; cải thiện năng suất và quy mô; xây dựng năng lực và nguồn lực con người; cải thiện việc tiếp cận tài chính; tăng cường tác động của đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Chi tiết của các khuyến nghị này sẽ được làm rõ tại VDPF.

WB kỳ vọng gì từ chính sách của Chính phủ Việt Nam, cũng như các khuyến nghị của mình?

Kỳ vọng lớn nhất của chúng tôi là Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách. Ngoài việc thực hiện hiệu quả các văn bản pháp luật mới về minh bạch và trách nhiệm giải trình, Chính phủ cần ưu tiên những cải cách giúp doanh nghiệp tư nhân có sân chơi công bằng với các doanh nghiệp nhà nước. Điều này có nghĩa là phải loại bỏ tất cả rào cản đối với các doanh nghiệp tư nhân về tín dụng, đất đai và mua sắm công.

Về đầu tư công, chúng tôi khuyến khích Chính phủ áp dụng các biện pháp giảm thâm hụt tài khóa trong trung hạn, bằng cách cắt giảm chi và tăng thu. Gần đây, nợ công đã tăng nhanh, ảnh hưởng đến chi ngân sách, dù được đánh giá là vẫn bền vững.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư