Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
WEF ASEAN và Việt Nam: Hành trình đi cùng những ý tưởng thời đại (bài 2)
Khánh An - 12/09/2018 08:06
 
Trong hành trình đi vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0), Việt Nam không chỉ đi theo, mà có thể đi cùng với thế giới, để bàn về tương lai của nền kinh tế thế giới, tương lai của những cơ hội làm ăn, mô hình kinh doanh chưa từng có trong lịch sử loài người.

Bài 2: Cuộc đối thoại lịch sử

Hơn 1.000 chính khách, doanh nhân đến WEF ASEAN 2018 đang muốn định hình con đường phía trước, sẽ bàn tới những cơ hội cũng như thử thách lớn nhất của khu vực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những gì đang diễn ra tại Hà Nội sẽ là một phần quan trọng của lịch sử phát triển 4.0.

Sự xuất hiện của giới khởi nghiệp

Mái tóc trắng đặc trưng của lứa tuổi 60, sự nghiệp kinh doanh riêng đày đặn, từ năm 1997 với doanh nghiệp đầu tiên là American Dye Source, Inc. (Canada) và mới nhất là Công ty TNHH Rynan Smart Fertiliizers thành lập năm 2016 tại tỉnh Trà Vinh đã khiến ông Nguyễn Thanh Mỹ, sáng lập và CEO Rynan Smart Fertiliizers trở nên khác biệt trong nhóm start-up được lựa chọn tham dự WEF ASEAN 2018.

Trong chương trình Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018), sáng 11/9/2018, tại Hà Nội, đã chính thức khai mạc Diễn đàn Tăng trưởng châu Á 2018 với chủ đề
Trong chương trình Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018), sáng 11/9/2018, tại Hà Nội, đã chính thức khai mạc Diễn đàn Tăng trưởng châu Á 2018 với chủ đề "Đổi mới để tạo ra thay đổi: Khám phá và truyền cảm hứng". Trong ảnh: Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Nhưng, đó là tất cả sự khác biệt. Phần còn lại, năng lượng sáng tạo, nhu cầu khởi nghiệp và những mong muốn tham gia vào sự thay đổi tốt hơn mỗi ngày cho người dân và nền kinh tế  bằng công nghệ của tương lai..., thì ông không khác mấy với 2 start-up Việt còn lại trong danh sách này là Lê Tấn Thanh Tịnh, sáng lập và CEO BrandBeats Music Marketing và CEO Linh Phạm của LOGIVAN Technologies Pte - những người thuộc thế hệ 9x. 

“Tôi không có bất cứ lý do gì để tuyên bố về hưu. Cơ hội kinh doanh và sức hấp dẫn của công nghệ đang vô cùng lớn, sẽ là tương lai của kinh tế thế giới. Tôi không muốn bị bỏ lại phía sau, dù thách thức để hiện thực hóa các cơ hội này không dễ”, ông Mỹ chia sẻ.

Sự xuất hiện của ông Mỹ, Thanh Tịnh, Linh Phạm và danh sách 80 start-up lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh cùng với 90 bộ trưởng chính phủ và 600 lãnh đạo doanh nghiệp lớn của toàn cầu có thể là điểm đặc biệt hơn cả trong các cuộc đối thoại của kỳ WEF ASEAN này.

Nhìn vào lịch sử của WEF, sự có mặt của những doanh nghiệp hàng đầu thế giới với vai trò dẫn dắt, định hướng xu hướng phát triển tầm toàn cầu là mô hình truyền thống, đã được định hình từ những ngày đầu hoạt động. Nhưng thế giới đang biến đổi mạnh mẽ, với sự có mặt của Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... Ranh giới giữa doanh nghiệp quy mô lớn và nhỏ, toàn cầu và địa phương, lâu đời và khởi nghiệp... đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Ông Justin Wood, Giám đốc WEF khu vực châu Á đã nhắc tới giới start-up trong những câu chuyện thời đại.

“Chúng tôi tin rằng, họ sẽ làm phong phú thêm các cuộc thảo luận quan trọng về những đối mới trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Không những vậy, giới khởi nghiệp sẽ tham gia vào sự hình thành và phát triển của công nghệ mới, các mô hình kinh doanh chưa từng có...”, ông Justin Wood nói.

Nhưng chắc chắn, vai trò của start-up không chỉ như vậy. Ông Justin Wood đã nhìn thấy sức mạnh mới của các công ty khởi nghiệp đến từ những lĩnh vực khác nhau, từ dịch vụ tài chính, hậu cần và thương mại điện tử, đến nông nghiệp, truyền thông và chăm sóc sức khỏe. Tại WEF ASEAN 2018, giới khởi nghiệp tham gia đầy đủ vào cả chương trình chính thức, nhưng cũng sẽ có hoạt động dành riêng để thảo luận về các vấn đề quan trọng mà các doanh nhân phải đối mặt, từ việc tìm kiếm nguồn lực tài chính để đạt được quy mô khu vực, đến chia sẻ các vấn đề về chính sách phát triển... 

Họ đã kết nối để tạo thành cộng đồng và mở thêm cơ hội phát triển mới. Kết quả của hành trình này hẳn sẽ tác động mạnh mẽ tới giới hoạch định chính sách cũng như giới đầu tư lớn toàn cầu.

Tinh thần kinh doanh đang cầm lái

Không bỗng nhiên, WEF ASEAN 2018 có sự hội tụ đa dạng như vậy. 

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT - người cũng tầm tuổi ông Nguyễn Thanh Mỹ, nhưng lại là một trong những thành viên Việt Nam lâu năm nhất của WEF, đã nhìn thấy sự có mặt của không chỉ các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp thế giới và khu vực, mà còn tới những người có thể lần đầu tới Việt Nam.

“Tôi tin họ sẽ có ấn tượng tốt về thực tế câu chuyện 4.0, cả ở khu vực và ở Việt Nam. Họ có thể đang nghĩ đến chuyện đầu tư các nhà máy 4.0, những sản phẩm hiện đại nhất thế giới, sử dụng nguồn lao động 4.0 của Việt Nam, vì Việt Nam giờ đây đang bàn chính những câu chuyện mà họ đang quan tâm và có nhu cầu”, ông Bình nói.

WEF là thị trường mà FPT tìm kiếm cơ hội làm ăn với những tập đoàn lớn nhất trên thế giới, để có được những công việc hoàn toàn mới như hợp tác xây dựng dữ liệu hàng không mở Skywise với Airbus...  Đây cũng là địa chỉ FPT giới thiệu những dịch vụ, giải pháp dựa trên công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 do FPT đầu tư nghiên cứu phát triển và đã tìm được nhiều khách hàng.

Phải thừa nhận, chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần kinh doanh và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” mà Việt Nam và các nước ASEAN đồng thuận lựa chọn đã phản ánh về bản chất những biến đổi đang diễn ra trên toàn cầu, trong khu vực và nhu cầu phải định hình con đường phía trước. 

Ngay trước thềm WEF ASEAN diễn ra tại Hà Nội, những câu hỏi về ASEAN sau 50 năm sẽ ra sao, cần phát huy điểm mạnh nào để khu vực này giữ được sự năng động và ổn định đã được đặt ra. Thậm chí, trong phiên đầu tiên ở Diễn đàn mở, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là ASEAN có đủ sức đối mặt với cuộc cách mạng 4.0 hay không.

Kinh tế thế giới đang biến đổi sâu sắc. Sự phát triển theo cấp số nhân của công nghệ bên cạnh sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, tâm lý coi trọng hợp tác song phương hơn đa phương đang làm cục diện thế giới, trong đó có ASEAN thay đổi. Con đường để hướng tới Cộng đồng ASEAN “tự cường và sáng tạo” vào năm 2020 đang đối mặt với nhiều thách thức. 

Không thể xem nhẹ tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF
Chúng ta không thể xem nhẹ tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vì chúng làm nên sự thay đổi không chỉ mô hình kinh doanh, mà còn cả phát triển kinh tế.
Lúc tôi viết cuốn sách Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào năm 2016, blockchain, AI mới còn non trẻ, nhưng bây giờ đang phát triển mạnh mẽ. Chúng ta không thể bỏ lỡ chuyến tàu này, nếu không sẽ bỏ lỡ sự thịnh vượng.
WEF muốn thu hút sự quan tâm của mọi người về vấn đề này, nhất là Chính phủ, tạo ra tinh thần doanh nhân, để doanh nghiệp trở thành khu vực có năng lực cạnh tranh trong tương lai.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định rất rõ vấn đề này trong vai trò lãnh đạo nước chủ nhà WEF ASEAN 2018 và cũng sẽ tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Ông nhìn thấy cả cơ hội đang mở ra khi các nỗ lực chung tay giải quyết các thách thức của các nước trong khu vực. Trên hết, ông xác định rõ doanh nghiệp phải là trung tâm của tất cả giải pháp này.

Trong bài viết ngay trước thềm WEF ASEAN 2018, ông đã nhắc đến yêu cầu tìm kiếm và tạo động lực mới gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm hơn thông qua đẩy mạnh cải cách, khơi dậy tiềm năng đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp, của người dân, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các điều kiện cần thiết thích ứng với môi trường công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng.

Ông cũng nhắc đến đòi hỏi đẩy mạnh liên kết, kết nối nội khối ASEAN và giữa ASEAN với khu vực, thế giới thông qua tăng cường kết nối số, thương mại số, công nghệ tài chính, kết nối chuỗi cung ứng, hạ tầng có chất lượng, đồng bộ...

Đặc biệt, việc củng cố, phát huy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, nâng cao năng lực tự cường, thích ứng trước những biến động nhanh chóng của thế giới và khu vực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao hiệu quả hợp tác, hội nhập mang lại lợi ích thiết thực hơn cho người dân, doanh nghiệp là điều không thể bỏ qua.

Cũng có nghĩa là, lãnh đạo các nền kinh tế ASEAN đang đứng trước những đòi hỏi hành động hợp xu hướng của 4.0, nhưng cũng bảo đảm sự ổn định trong khu vực đang được coi là trung tâm phát triển năng động bậc nhất toàn cầu.  

Hành động của Việt Nam

Phải nhắc lại điều mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói khá nhiều lần với giới kinh doanh Việt Nam về cách mạng 4.0. Đó là, cộng đồng doanh nghiệp với tư cách là nhóm hành động tiên phong, có ý nghĩa quyết định mức độ thành công trong việc thực hiện cuộc cách mạng này.

“Các doanh nghiệp Việt Nam phải có khát vọng và hiện thực hóa khát vọng vươn ra ngoài biên giới quốc gia, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn chiếm lĩnh các thị trường khó tính của thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh với giới kinh doanh Việt Nam.

Nhưng phần trao đổi dành cho các lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương quyết liệt hơn. khi thời đại số được dự báo tác động mạnh mẽ lên mọi hoạt động của Chính phủ và toàn xã hội, đòi hỏi những thay đổi về bản chất, tư duy. Đây chính là cơ hội lịch sử song đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước.

“Để không bỏ lỡ cơ hội này, trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tinh thần kinh doanh đang được coi là người cầm lái con tàu phát triển của nền kinh tế thế giới, khu vực và Việt Nam, nhưng để đi đến mục tiêu 4.0 phục vụ người dân và không để ai bị bỏ lại như thông điệp của WEF ASEAN, họ cần con đường thực sự thông thoáng, thuận tiện, kích thức sự phát triển, kết nối và sáng tạo.

Chính phủ Việt Nam cũng đang hành động vì con đường thông thoáng phía trước...

(Còn tiếp)

WEF ASEAN và Việt Nam: Hành trình đi cùng những ý tưởng thời đại (bài 1)
Trong hành trình đi vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0), Việt Nam không chỉ đi theo, mà có thể đi cùng với thế giới, để bàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư