Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
World Bank: Tốc độ tái cơ cấu DNNN đang chậm lại
Thanh Huyền - 21/07/2015 12:56
 
Theo báo cáo “Điểm lại” mới được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố, trong 6 tháng đầu năm 2015, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng dù tiến độ cải cách cơ cấu chưa đồng đều.

World Bank nhận định, trong nửa đầu năm 2015, kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục với mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 6,28% - mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất của Việt Nam trong vòng 5 năm qua.

Theo báo cáo, trong bối cảnh lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dần nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đồng thời điều chỉnh tỷ giá để đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong khi đó, cân đối ngân sách của Việt Nam vẫn là mối quan ngại. Nợ công tăng nhanh trong những năm gần đây, và chi phí trả nợ có thể là gánh nặng ngày càng tăng cho ngân sách.

Trong khi đó, đà xuất khẩu suy giảm và nhập khẩu tăng nhanh đã đẩy tài khoản vãng lai vào tình trạng thâm hụt trong quý I/2015.

Tiến độ cải cách cơ cấu chưa tương xứng với kỳ vọng, đặc biệt là trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và một phần trong cải cách ngân hàng.

Tốc độ tái cơ cấu DNNN dường như đang chậm lại. Đến hết quý I mới cổ phần hóa được 29 DNNN so với mục tiêu 289 doanh nghiệp đề ra trong cả năm 2015. Việc thực hiện nghiêm túc các quy định pháp lý và pháp quy về quản lý và quản trị DNNN ban hành năm ngoái, và tăng tỷ lệ sở hữu của khu vực tư nhân với DNNN cổ phẩn hóa cần tiếp tục được coi là một ưu tiên chính.

Theo ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, “Cải cải ngân hàng đã có nhiều tiến triển, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán và sát nhập. Nhiều vụ sát nhập và mua lại các ngân hàng nhỏ được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại có quy mô lớn. Tuy nhiên, việc thiếu một khung pháp lý đầy đủ và phù hợp cho việc xử lý nợ xấu, VAMC có vốn nhỏ và năng lực hạn chế đang tiếp tục là trở ngại cho việc xử lý nợ xấu.”

Báo cáo Điểm lại có một chuyên mục về thị trường lao động tại Việt Nam, trong đó mô tả chi tiết về sự dịch chuyển lớn trong bức tranh về việc làm trong vòng 25 năm qua.

Trước đây, cơ cấu việc làm tại Việt Nam chủ yếu là nông nghiệp gia đình, việc làm trong các hợp tác xã và DNNN nhưng đến nay thì đã có sự dịch chuyển việc làm sang các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ, việc làm trong các doanh nghiệp gia đình ngoài nông nghiệp, doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài. Báo cáo cũng nhận định rằng các quy định và thể chế về lao động có khả năng là một nhân tố quan trọng trong tăng trưởng tiền lương/tiền công ở khu vực tư nhân.

Báo cáo Điểm lại đưa ra những gợi ý về việc tiếp tục chuyển đổi thị trường lao động của Việt Nam, trong đó có các biện pháp chủ động nhằm tăng cường hệ thống quan hệ lao động công nghiệp, cân bằng giữa việc đảm bảo sự linh hoạt trong thị trường lao động với việc duy trì bền vững tăng trưởng về năng suất, và quản lý những rủi ro về mặt xã hội trong một nền kinh tế có định hướng thị trường rõ nét hơn.

Cụ thể hơn, báo cáo cho rằng Việt Nam còn thiếu các thể chế thích hợp để đàm phán và giải quyết tranh chấp liên quan tới lao động. Báo cáo cũng đưa ra một số gợi ý chính sách để giải quyết những điểm yếu này nhằm khuyến khích phát triển một thị trưởng lao động hiệu quả hơn.

Báo cáo Điểm lại là báo cáo đánh giá toàn diện hoạt động kinh tế của quốc gia do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thực hiện và được xuất bản 2 lần/một năm.

Vay 315 triệu USD để tái cơ cấu nông nghiệp và đổi mới giáo dục
Ngày 30/6, Ban giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt hai khoản tín dụng trị giá 315 triệu USD nhằm hỗ trợ kế hoạch tái cơ cấu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư