Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Xả lũ thủy điện miền Trung: Tin báo chậm hơn lũ về
Hoàng Nam - 01/12/2013 22:00
 
Tại cuộc làm việc giữa Bộ Công thương với các bộ, ngành và 8 địa phương miền Trung – Tây Nguyên nơi có số lượng thủy điện dầy đặc nhất nước, câu chuyện điều tiết, vận hành các hồ thủy điện đã được thẳng thắn đặt lên bàn nhằm tìm ra giải pháp sống chung mỗi khi mùa mưa bão đến. ĐBQH rưng rưng nói về hậu quả thủy điện xả lũ

Nước xả ra thấp hơn nước về hồ

Cho biết “mùa vụ 2013-2014 tại Quảng Nam sẽ thấy các trả giá lớn”, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, lũ là không tránh khỏi nên cần bình tĩnh xử lý, bởi hy vọng các dự án thủy điện ở khu vực này cắt lũ là chuyện “không thể làm được”.

Tại khu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, với các hồ chứa A Vương, Đak Mi 4 và Sông Tranh 2 (Quảng Nam), kết quả nghiên cứu quy hoạch và các phương án huy động dung tích khác nhau cho thấy, việc cắt giảm lũ chính cho hạ lưu sông Vu Gia- Thu Bồn bằng hệ thống hồ chứa có hiệu quả không cao do lũ lớn.

Đập thuỷ điện Sông Tranh 2
Đập thuỷ điện Sông Tranh 2

Đối với vùng hạ lưu sông Tam Kỳ (Quảng Nam), do chỉ có hồ chứa thủy lợi Phú Ninh tham gia cắt lũ cho hạ du với dung tích phòng lũ 116,8 triệu m3, với thành phố Tam Kỳ, trường hợp có lũ chính vụ 5% khi có hồ Phú Minh cắt lũ 116,8 triệu m3 thì nhiều vùng hạ du vẫn ngập từ 1,4-3,91 m, riêng TP. Tam Kỳ ngập từ 1,9-3,05 m.

Tại vùng hạ lưu sông Trà Bồng -Trà Khúc - Sông Vệ (Quảng Ngãi) nơi chỉ có nhà máy thủy điện Đắk Đrink và hồ thủy lợi Nước Trong, dung tích phòng lũ huy động từ các hồ này chỉ đạt từ 139-247 triệu m3, tác dụng cắt giảm lũ cho hạ du rất thấp và vẫn khiến vùng hạ du ngập sâu.

Còn tại Bình Định, nơi không có dự án thủy điện nào thì các hồ thủy lợi trên địa bàn như Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh cũng không được đặt nặng việc cắt giảm lũ cho hạ du.

GS.TS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á, trong lần trao đổi với báo chí mới đây cũng thẳng thắn cho rằng, các công trình thủy điện ở miền Trung không có nhiệm vụ chống lũ cho hạ du mà chỉ làm thế nào bảo vệ an toàn hồ chứa trong khi vận hành và hiệu quả phát điện cao nhất, tức là đảm bảo dung tích luôn ở mực nước dâng bình thường (luôn đầy).

“Lũ tăng do các nguyên nhân như biến đổi khí hậu, mặt đệm tức là lớp phủ bị tàn phá. Mặt khác, khi không có quy trình vận hành liên hồ chứa hoặc quy trình vận hành độc lập, hợp lý thì xả nước sẽ gây lũ chồng lũ. Nếu có quy trình vận hành liên hồ thì sẽ hạn chế thấp nhất. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào độ chính xác của dự báo lũ, dự báo tốt thì mới khống chế được, không để xảy ra lũ chồng lũ”, ông Tuấn nói.

Số liệu thống kê, quan trắc được từ 16 hồ thủy điện, thủy lợi lớn tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế vào tới Bình Định trong đợt lũ tháng 11/2013 vừa qua cũng cho thấy, trừ 3 hồ là Bình Điền (Thừa Thiên Huế), Sông Côn (Bình Định) và Za Hung (Quảng Nam) là không hề cắt giảm lưu lượng đỉnh lũ xả xuống hạ du bởi lưu lượng nước xả lớn nhất bằng lưu lượng nước về hồ, còn lại các hồ thủy điện khác đều xả nước xuống hạ du với lưu lượng thấp hơn lưu lượng nước về hồ.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung Ương cũng cho hay, tại hai tâm mưa lớn nhất là Quảng Ngãi và Bình Định đều cho thấy lượng mưa sau khi bão số 15 đổ bộ vào lớn hơn rất nhiều so với các đỉnh mưa năm 2009 tại Quảng Ngãi và năm 1987 tại Bình Định.

“Mưa tại Quảng Ngãi lần này chỉ trong 2 ngày và lớn hơn khi diễn ra cơn lũ lịch sử năm 2009. Đặc biệt hơn là mưa ở hạ du ít nhưng mưa ở thượng nguồn lại lớn nên người dân cho rằng mưa bé hơn mà lũ lại to hơn là không chính xác. Tại Bình Định cũng vậy, lượng mưa của cơn lũ năm 2013 vượt cao hơn so với năm 1987 là thời điểm có mưa lũ lớn nhất ở đây”, ông Tăng nói.

Thậm chí có những nơi như khu vực hồ Vực Mấu (Nghệ An), theo ông Tăng dù có báo trước cả tuần và xả cạn đáy hồ thì lũ vẫn diễn ra như thực tế sau cơn bão số 10, bởi hơn 40 năm kể từ khi xây dựng chưa bao giờ mưa lớn như vậy.

Báo tin xả nước không nhanh bằng nước về

Đáng nói là dù đã được cảnh báo sớm về mưa lũ từ 1 ngày đến 1,5 ngày và các Ban phòng chống bão lũ ở địa phương đều xác nhận các cảnh báo này, nhưng ông Tăng cũng cho rằng vấn đề thông tin mưa lũ đến người dân tại các địa phương là câu chuyện phải bàn. Nhất là trong thực tế miền Trung, sông ngắn, hẹp, dốc mà mưa lũ lớn thường xuyên xảy ra, có khi mưa chưa đầy 2h lũ đã lên rồi.

Trả lời cho câu hỏi này, rất nhiều địa phương cũng cho hay một thực tế, khi mưa bão thì bị cắt điện nên cảnh báo mưa bão qua ti vi, loa đài truyền thanh dù “bội thực ở thành phố” nhưng gần như tê liệt tại những vùng mưa lũ. Thậm chí cán bộ khi nhận được tin nhắn xả nước hồ thủy điện theo đúng quy trình nhưng không có phương tiện gì ngoài chèo thuyền hay chạy bộ đến báo cho bà con. Vì vậy, chạy không kịp với nước về hạ lưu. Bởi vậy, dù quy trình đủ cả nhưng tới khi diễn ra trên thực tế mới thấy còn những bất hợp lý và cần phải nhanh chóng khắc phục để không rơi vào thế bị động.

Chính bởi vậy, nâng cao năng lực dự báo mưa lũ; bổ sung các trạm đo mưa với mật độ dày hơn để có các thông số chính xác hay trang bị các phương tiện truyền thống như trống, chiêng cùng phối hợp mật thiết của chính người dân địa phương trong truyền tin báo xả nước hồ thủy điện cũng được đặt ra một cách cấp bách với các chính quyền cấp cơ sở tại khu vực này.

Cũng không thể nhắc tới một thực tế như đại diện tỉnh Quảng Ngãi cho hay, bài toán của miền Trung là cần nước cho mùa khô, bởi vậy cần bắt bệnh cho đúng để tính toán hợp lý, tránh tình trạng mùa mưa bắt xả nước, mùa khô lại lo hạn nặng tại khu vực này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư