Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Xác định rõ hình hài thiết chế đặc khu
Mạnh Bôn - 07/04/2018 08:33
 
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (đặc khu), dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm sau khi được Ban Soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, được hầu hết đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao vì đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá.

Thiết chế đặc khu có HĐND và UBND, nhưng có những cải cách cơ bản

Tổ chức chính quyền đặc khu là một trong những nội dung phức tạp nhất, được Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Ban Soạn thảo và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) thảo luận nhiều nhất, cuối cùng cũng đã tìm ra phương án tối ưu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra giữa tuần này.

Phú Quốc có tiềm năng lớn cho phát triển dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Ảnh: Đức Thanh
Phú Quốc có tiềm năng lớn cho phát triển dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Ảnh: Đức Thanh

Theo Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, chính quyền ở đặc khu được xác định là tổ chức cấp chính quyền địa phương có HĐND và UBND, nhưng có những cải cách cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cách thức hoạt động, nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, thành lập HĐND, UBND ở đặc khu là hợp lý vì Luật trao cho chủ tịch ủy ban đặc khu tới 70 quyền hạn, trong đó có những quyền đặc biệt mà không một lãnh đạo cấp chính quyền địa phương nào có được, nên cần có cơ quan kiểm soát, giám sát.

Đại biểu Tô Văn Tám cũng cho rằng, thiết chế HĐND nhằm giám sát, kiểm soát quyền lực, tránh sự lạm quyền, đi đôi với phân cấp, phân quyền mạnh cho chủ tịch ủy ban đặc khu là phù hợp. Tuy nhiên, trước thực tế cơ quan dân cử cấp huyện hoạt động hiệu quả rất thấp, vai trò giám sát cơ quan hành pháp rất mơ hồ, ông Tám đề nghị, cần phải ấn định số đại biểu HĐND đặc khu hoạt động chuyên trách. “Chúng ta quy định HĐND đặc khu không quá 15 người, nhưng chỉ quy định đa số là đại biểu hoạt động chuyên trách thì chưa phù hợp, vì UBND và chủ tịch ủy ban đặc khu được trao rất nhiều quyền hạn, nếu không đủ số người hoạt động chuyên trách nhằm thực hiện giám sát thì rất khó phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật, sai phạm trong quá trình quản lý, điều hành của của chủ tịch ủy ban đặc khu”, ông Tám phát biểu.

“Không thành lập HĐND đặc khu thì sợ lạm dụng quyền lực, vì không có cơ quan dân cử thực hiện chức năng giám sát. Còn thành lập HĐND thì rõ ràng là giảm tính đặc biệt về tổ chức hành chính của đặc khu”, đại biểu Bùi Văn Phương băn khoăn.

“Nhiều vụ án trước khi tòa tuyên án, bị cáo nói lời sau cùng đều lấy làm tiếc là trong quá trình quản lý, điều hành, nếu họ được kiểm tra, thanh tra, giám sát, chỉ ra cái sai để điều chỉnh, thì họ đã không phải ra trước vành móng ngựa. Đáng nói là, những vụ án vi phạm pháp luật xảy ra đều có các cơ quan giám sát, không chỉ là HĐND, mà còn có Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cơ quan cấp trên, cả cơ quan ngành dọc lẫn UBND cấp trên. Như vậy, vấn đề là hiệu quả, hiệu lực giám sát; hoạt động giám sát phải công khai, minh bạch, kịp thời không chỉ của cơ quan dân cử, mà còn của các cơ quan khác, đặc biệt là cơ quan cấp trên và UBND cấp tỉnh đối với đặc khu, chứ không phải cứ thành lập HĐND thì hoạt động giám sát được tăng cường”, ông Phương phát biểu.

Ông Phương cho rằng, một mặt trao tối đa quyền lực cho chủ tịch ủy ban đặc khu, mặt khác, hoạt động giám sát phải làm sao giống như giám sát đầu tư công (từ việc lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch đến triển khai dự án, giám sát cả nợ đọng, lãng phí, thất thoát trong đầu tư công trong toàn bộ quá trình đầu tư), thì đặc khu kinh tế mới phát huy hiệu quả, mới trở thành một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Có cần thành lập Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển?

Một trong những quy định được bổ sung trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mới nhất là đề xuất thành lập Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển.

Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển thực ra là cấp trung gian giữa Trung ương và đặc khu, nhưng quyền hành chẳng khác gì cấp trên của UBND, chủ tịch
ủy ban đặc khu.

Theo ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì đây là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập nhằm thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại từng đặc khu để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của chính quyền địa phương ở đặc khu, đặc biệt là trong việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cấp trên phân quyền cho chủ tịch ủy ban đặc khu.

“Cơ chế kiểm soát này được thực hiện thông qua việc tư vấn cho UBND, chủ tịch ủy ban đặc khu trước khi quyết định những vấn đề quan trọng; cảnh báo chính quyền địa phương ở đặc khu về những rủi ro, hạn chế, bất cập trong hoạt động; giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đánh giá hoạt động của UBND, chủ tịch ủy ban đặc khu; kiến nghị với Thủ tướng về những vấn đề có liên quan đến phát triển của đặc khu. Việc bổ sung cơ chế này cũng là tiếp thu kinh nghiệm của các nước, nhằm thử nghiệm phương thức kiểm soát quyền lực mới, đặc thù, tương xứng với thẩm quyền vượt trội của chính quyền địa phương ở đặc khu”, ông Định cho biết.

Tuy nhiên, đề xuất về việc thành lập Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển tại đặc khu chưa nhận được sự tán đồng của nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Ông Tô Văn Tám thẳng thừng bác bỏ việc thành lập Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển. “Một trong những nhiệm vụ của Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển là giám sát hoạt động của UBND và chủ tịch ủy ban đặc khu, trong khi đó, bên cạnh sự giám sát của UBND, HĐND cấp tỉnh, đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, Luật còn cho phép đặc khu được thiết chế HĐND để thực hiện giám sát rồi thì không cần thiết phải thêm một cơ quan giám sát nữa”, ông Tám lập luận.

Bà Đỗ Thị Lan cũng đồng tình với lập luận trên. Theo quy định, UBND đặc khu, chủ tịch ủy ban đặc khu có trách nhiệm xin ý kiến của Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển rất nhiều vấn đề trước khi quyết định. Trường hợp có ý kiến khác nhau giữa UBND, chủ tịch ủy ban đặc khu và Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển, thì UBND và chủ tịch ủy ban đặc khu phải có tờ trình nêu rõ lý do bằng văn bản. “Quy định này làm mất thời gian, cơ hội của nhà đầu tư, vì một khi Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển đã có ý kiến khác thì chủ tịch ủy ban đặc khu ít khi dám quyết định”, bà Lan phát biểu.

Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển, theo thiết chế tối đa không quá 11 người, gồm đại diện cơ quan nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư chiến lược, đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại đặc khu và thành viên khác hoạt động không chuyên. Theo ông Hoàng Đức Thắng hoạt động của ban này khó có hiệu quả. “Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển thực ra là cấp trung gian giữa Trung ương và đặc khu, nhưng quyền hành chẳng khác gì cấp trên của UBND, chủ tịch ủy ban đặc khu, vì cái gì cũng phải xin ý kiến của tổ chức này. Như vậy, Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển thực ra không làm nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ, mà là cái “vòng kim cô” kìm hãm sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chủ tịch ủy ban đặc khu”, ông Thắng bình luận.

Theo ông Thắng không cần phải thành lập Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển, vì cái vòng kim cô này sẽ “ngốn” rất nhiều thời gian trước khi UBND, chủ tịch ủy ban đặc khu đưa ra quyết định, đặc biệt trong trường hợp bản thân các thành viên Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển cũng không đồng tình với nhau về vấn đề nào đó.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Lê Thanh Vân cho rằng, nếu cần thiết thành lập Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển thì phải thiết chế tổ chức này chỉ mang tính chất tham mưu, tư vấn, và giao chủ tịch ủy ban đặc khu thành lập nếu thấy cần thiết, còn không thì thôi.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Văn Trung cho biết, khảo sát mô hình đặc khu kinh tế trên thế giới cho thấy nhiều đặc khu cũng có ban cố vấn, mỗi ban có đặc thù hoạt động, chức năng, nhiệm vụ rất khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ chủ tịch ủy ban đặc khu thấy cần thiết thì thành lập, không thì giải tán và chính quyền đặc khu bỏ tiền ra thuê ban cố vấn làm việc cho mình.

“Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chưa cho phép chủ tịch ủy ban đặc khu lấy ngân sách địa phương thành lập Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển, nên phải tạm thời thiết kế Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập tại từng đặc khu. Tuy nhiên, Ban Soạn thảo sẽ nghiên cứu lại nội dung này là liệu có nên thành lập Ban Tư vấn - Hỗ trợ phát triển không, nếu thành lập thì hoạt động thế nào, chức năng, nhiệm vụ ra sao, ai có thẩm quyền thành lập, giải tán”, ông Trung cho biết.

Chính phủ chính thức thảo luận Luật về Đặc khu kinh tế: Nền tảng cho sự đột phá
Việc Chính phủ lần đầu tiên chính thức thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào giữa tuần này có thể nói là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư