Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 10 năm 2024,
Xác định rõ “tổng tham mưu” trong điều hành kinh tế vĩ mô
Nam Kinh - 10/08/2013 07:42
 
Điều hành kinh tế vĩ mô phải nhịp nhàng, hiệu quả, thống nhất, thường xuyên, liên tục và có hệ thống giữa các bộ ngành. >>> Thủ tướng yêu cầu tái cơ cấu kinh tế quyết liệt hơn

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ ngành xây dựng, ban hành, kế hoạch phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô”, là nhiệm vụ được đặt ra tại Đề án Cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ các tổ chức quốc tế

Theo quan điểm của Đề án, việc cải cách cơ chế phải đảm bảo phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, thống nhất, thường xuyên, liên tục và có hệ thống giữa các bộ ngành trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và đánh giá các cơ chế, chính sách, giải pháp, biện pháp quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại, giá cả.

Phân định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ ngành liên quan trong công tác phối hợp để thực hiện mục tiêu bảo đảm quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước; từng bước tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, thuận lợi, có khả năng dự báo trước trong trung và dài hạn.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải phối hợp trong xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện, đánh giá và điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại, giá cả; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững.

Phối hợp trong việc đảm bảo đồng bộ các yếu tố thị trường và phát triển đồng bộ thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học - công nghệ.

Các bộ ngành phải phối hợp trong việc xây dựng phương án, giải pháp đối với các biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước ảnh hưởng đến môi trường kinh tế vĩ mô, nhất là những biến động bất thường về kinh tế, chính trị, xã hội thế giới và khu vực…

Đề án Cải cách cơ chế phối hợp yêu cầu các bộ ngành phải đổi mới tư duy trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô theo hướng chú trọng tạo lập môi trường vĩ mô ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; có tầm nhìn dài hạn, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, bảo đảm huy động và phân bổ hợp lý các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, phối hợp đồng bộ trong toàn bộ quá trình từ xây dựng, ban hành đến thực thi và kiểm tra, đánh giá các cơ chế, chính sách quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô…

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu, tổng hợp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô; chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ ngành xây dựng, ban hành, kế hoạch phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô với lộ trình phù hợp, trong đó xác định rõ phạm vi, lĩnh vực, nội dung, nhiệm vụ cần triển khai thực hiện của từng bộ ngành đồng thời hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ phối hợp.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao trách nhiệm tổng hợp, đánh giá tình hình triển khai thực hiện cơ chế phối hợp của các bộ ngành và đề xuất, kiến nghị, định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngay trong năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành trong các lĩnh vực tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại, giá cả.

TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, một trong những rào cản lớn nhất trong việc phát huy hiệu quả đầu tư hiện nay xuất phát từ tư duy quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, thể hiện rõ nhất là việc xét duyệt dự án đầu tư vẫn mang nặng tính chất “xin - cho” đã dẫn tới tình trạng có nhiều dự án vừa không đem lại hiệu quả vừa phá vỡ quy mô kinh tế.

Quản lý kinh tế vĩ mô hiện nay, theo ông Chung, tư duy nhiệm kỳ vẫn còn rõ nét, thể hiện ở việc các cấp, cả Trung ương và địa phương gắn trách nhiệm chính trị với kết quả kinh tế, hiệu quả đầu tư; các đơn vị hành chính cùng cấp đề xuất chủ trương, dự án đầu tư dẫn tới lãng phí nguồn lực.

“Tư duy kinh tế hiện nay vẫn chú trọng vào lượng đầu tư dẫn tới tính hiệu quả của dự án đầu tư không được coi trọng đủ mức. Nguyên nhân này tác động rất sâu đậm tới toàn bộ lĩnh vực đầu tư của Việt Nam những năm qua, đặc biệt là đối với đầu tư công”, ông Chung nói và cho rằng, Đề án Cải cách cơ chế phối hợp yêu cầu các bộ ngành phải đổi mới tư duy quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô và giao trách nhiệm cho một cơ quan làm “tổng tham mưu” trong việc phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô là một bước đột phá để nâng cao hiệu quả đầu tư, là một bước đi quan trọng trong tái cơ cấu đầu tư công.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư