Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Xây dựng hệ giá trị văn hóa và ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hải Phòng
Thanh Sơn - 28/09/2023 14:24
 
Sáng nay (28/9), Sở Văn hoá Thể thao Hải Phòng phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng hệ giá trị văn hoá và ngành công nghiệp văn hoá TP. Hải Phòng”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố cho biết: “Hải Phòng là thành phố có rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc mang đậm truyền thống chung của dân tộc Việt Nam. Những thành quả của công cuộc đổi mới của đất nước, của Thành phố đã mang lại cho Hải Phòng một diện mạo mới, một sức sống mới của một Thành phố đang trên đà phát triển nhanh, bền vững. Đây chính là thời điểm, là cơ hội để các giá trị văn hoá, nguồn tài nguyên quý báu, sức mạnh mềm riêng biệt của Hải Phòng được khơi dậy, nhân rộng và phát huy cao độ”.

Ông Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hải Phòng phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hải Phòng phát biểu khai mạc Hội thảo

Nhằm xây dựng và phát triển và tăng cường phát huy giá trị văn hóa, con người, coi đây là nền tảng phát triển bền vững của TP. Hải Phòng, trong những năm vừa qua qua, Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn coi trọng vai trò của văn hóa, đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố. Thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế, giải pháp và các đề án cụ thể nhằm đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa.

Tại hội thảo, bà Đào Khánh Hà, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng khẳng định: “TP. Hải Phòng trong thời gian qua đã triển khai quyết liệt thực hiện Nghị quyết XVIII của Đảng, các Nghị quyết của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố với những nhiệm vụ hết sức quan trọng, liên quan đến giá trị văn hóa của Thành phố. Cùng với 24 tham luận, hội thảo sẽ được lắng nghe thêm những kinh nghiệm, kiến thức đặc biệt nhà khoa học Trung ương chia sẻ với Hải Phòng để Hải Phòng có thể tháo gỡ những khó khăn, giúp cho Thành phố nghiên cứu, có các giải pháp, phương hướng phát huy các giá trị văn hóa, phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố. Từ đó, mang lại những kết quả tích cực nhằm hướng tới xây dựng hệ giá trị văn hoá và phát triển ngành công nghiệp văn hoá tại TP. Hải Phòng”.

Bà Đào Khánh Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng
Bà Đào Khánh Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng

Trình bày một số nét tổng quan về văn hóa Hải Phòng, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết: “Hải Phòng là Thành phố có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa với những đặc trưng chung trong sự thống nhất của văn hóa Việt Nam. Văn hóa Hải Phòng mang đặc trưng chung trong sự thống nhất của văn hóa Việt Nam  nhưng sự khác biệt về cấu trúc địa hình, khí hậu, dân cư đã tạo ra cho văn hoá Hải Phòng có những nét đặc trưng riêng  của vùng đất nơi miền cửa biển thông qua các loại hình văn hóa khác nhau như văn học nghệ thuật, sân khấu, âm nhạc, các di tích, lễ hội... Ẩm thực Hải Phòng cũng là nét không thể thiếu trong bức tranh tổng quan về văn hóa bởi nó mang phong cách, hương vị riêng, đậm đà khó quên bởi những bí quyết ẩm thực riêng của người Hải Phòng. Ẩm thực Hải Phòng đã được quảng bá sang Châu Âu và nhiều nước trên thế giới và đã tạo được ấn tượng sâu sắc”.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng trình bày một số nét tổng quan về văn hóa Hải Phòng
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng trình bày một số nét tổng quan về văn hóa Hải Phòng

Hội thảo nhận được 24 báo cáo tham luận của các tác giả đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các sở, ngành, viện trường trên địa bàn Thành phố.

Các tham luận tập trung vào các vấn đề là việc phát huy hệ giá trị văn hóa Hải Phòng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thành phố hiện nay; Định vị các lĩnh vực công nghiệp văn hóa và cơ chế cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hải Phòng; Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch Hải Phòng; đánh giá một số lĩnh vực về công nghiệp văn hóa của thành phố: Phát thanh và Truyền hình, múa rối, bảo tàng...

Khai thác giá trị kinh tế văn hóa của Thành phố đã đề ra những nhóm nhiệm vụ và giải pháp để văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước và Thành phố. Đó là các nhóm giải pháp về nhận thức, về quản lý, về đầu tư, về xã hội hóa, về tiếp thị các sản phẩm văn hóa.

Song song với các nhóm giải pháp trên là các nhiệm vụ cần thực hiện. Đó là, tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng hạ tầng văn hóa du lịch, đảm bảo điều kiện để tổ chức các sự kiện văn hóa trong nước và quốc tế tạo cơ hội quảng bá, xúc tiến du lịch Thành phố; Điều chỉnh phát triển sản phẩm du lịch theo hướng tập trung dòng sản phẩm tạo lợi thế cạnh tranh và giá trị khác biệt; Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch văn hóa; Tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, thể dục thể thao, hội chợ, hội nghị, hội thảo; Tổ chức các đoàn Famtrip, Presstrip để tăng cường việc liên kết, nối tour đưa khách về tham quan du lịch Hải Phòng.

Đảo Dáu, Đồ Sơn. Ảnh: Đàm Thanh
Đảo Dáu, Đồ Sơn. Ảnh: Đàm Thanh

Bên cạnh đó, Thành phố cần phải đảm bảo quỹ đất phát triển sự nghiệp văn hoá từ nay đến năm 2030; Tập trung thực hiện các nhiệm vụ như xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cơ bản về công nghiệp văn hóa Việt Nam; đào tạo nguồn nhân lực; quảng bá thương hiệu địa phương; xây dựng kế hoạch truyền thông; đề án xây dựng thương hiệu quốc gia; nghiên cứu, khảo sát học tập kinh nghiệm tại các nước, các lĩnh vực để phát triển công nghiệp văn hóa.

“Khi nhận thức được đầy đủ về các ngành công nghiệp văn hóa, coi đầu tư vào văn hoá là đầu tư cho phát triển, chúng ta mới hình thành các chính sách thu hút nguồn lực phù hợp để công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, là một trong những yếu tố quan trọng của nền kinh tế góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước phồn vinh”, bà Mai khẳng định.

Bế mạc hội thảo, GS.TS.NGND Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học đã được xác định là một trong những vấn đề cốt lõi mang tính định hướng việc xây dựng, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam để phát triển đất nước phồn vinh và phát triển công nghiệp văn hóa  nhằm khai thác giá trị kinh tế của văn hóa để văn hóa trở thành một trong những nguồn lực cho sự phát triển đất nước.

GS.TS.NGND Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu bế mạc Hội thảo
GS.TS.NGND Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu bế mạc Hội thảo

“Để phát triển công nghiệp văn hóa tại Hải Phòng, cần xác định văn hóa là một dạng tài nguyên, sau đó có công nghệ, quy trình để khai thác tài nguyên đó. Khi khai thác cần có sản phẩm đặc sắc để từ sản phẩm đo thu được lợi ích về kinh tế, về giáo dục... Qua các ý kiến phát biểu tại hội thảo gợi mở để lãnh đạo thành phố có những chủ trương, chính sách nhằm thu hút sự chung tay của “ba nhà”: nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư trong phát triển văn hóa”, GS.TS.NGND Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với TP. Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh
Sáng nay (26/9), Phó thủ tướng Trần Lưu Quang có buổi làm việc với lãnh đạo 3 địa phương Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh về thúc đẩy sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư