Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xây dựng Khu thương mại tự do: Hiện thực hóa ”giấc mơ” trung tâm logistics của Đà Nẵng
Hoàng Anh - 01/11/2024 09:26
 
Hội tụ nhiều lợi thế về logistics, nhưng chỉ đến khi Trung ương đồng ý thành lập Khu thương mại tự do, thì mục tiêu trở thành trung tâm logistics của TP. Đà Nẵng mới trở nên rõ ràng.
Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu sẽ tạo động lực cho ngành logistics Đà Nẵng (Ảnh: Hoàng Anh)
Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu sẽ tạo động lực cho ngành logistics Đà Nẵng (Ảnh: Hoàng Anh)

Động lực lớn

Ông Dương Tiến Lâm, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đánh giá, ngành logistics của Đà Nẵng đứng trước cơ hội lớn, khi cảng biển Liên Chiểu đang được xây dựng và Khu thương mại tự do chuẩn bị hình thành.

Theo ông Lâm, khi đi vào hoạt động, cảng Liên Chiểu sẽ rất thuận lợi để thu hút nguồn hàng từ Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, thay thế cho cảng Tiên Sa hiện không còn nhiều dư địa phát triển. Bên cạnh đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm như cao tốc, đường ven biển kết nối cảng Liên Chiểu, hay nâng cấp các trục giao thông trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây được đầu tư, sẽ tạo nên hạ tầng đồng bộ cho logistics của Đà Nẵng.

“Chúng ta xây dựng cảng sâu, bến rộng, nhưng điều quan trọng là hàng hóa ở đâu để đáp ứng nhu cầu khai thác cho cảng? Nếu chỉ trông chờ vào nguồn hàng hiện nay của các khu công nghiệp tại Đà Nẵng hay các địa phương lân cận, thì không có nhiều. Vì vậy, khi Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng được thành lập, hàng hóa lưu thông qua cảng sẽ nhộn nhịp hơn. Khu thương mại tự do sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến Đà Nẵng, từ đó đẩy mạnh các hoạt động phụ trợ liên quan, trong đó, ngành logistics sẽ phát triển rất mạnh”, ông Lâm nhận định.

ĐÀ NẴNG KÊU GỌI ĐẦU TƯ VÀO 10 DỰ ÁN TRUNG TÂM LOGISTICS

 Để thực hiện hóa các mục tiêu phát triển logistics, Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào 10 dự án trung tâm logistics, gồm 1 trung tâm logistics cấp vùng, 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không và 8 trung tâm logistics cấp tỉnh.

Trong đó, Trung tâm Logistics cảng Liên Chiểu là trung tâm cấp vùng, hạng 1, quy mô đến năm 2023 đạt 30 - 35 ha, đến năm 2050 đạt 65 - 70 ha; Trung tâm Logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không, cung ứng dịch vụ logistics hàng không, quy mô đến năm 2030 là 4 - 5 ha, đến năm 2050 là 8 - 10 ha; Trung tâm Logistics Hòa Phước là trung tâm cấp tỉnh, quy mô đến năm 2030 là 5 - 7 ha, đến năm 2050 là 10 - 15 ha; Trung tâm Logistics Hòa Phú là trung tâm cấp tỉnh, quy mô đến năm 2030 là 3 - 5 ha, đến năm 2050 là 5 - 8 ha.

Ngoài ra, trong danh sách này còn có Trung tâm Logistics ga hàng hóa Kim Liên mới, Trung tâm Logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng…

Có thể thấy, Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu đang tạo nên lực hút rất lớn, khi nhiều tập đoàn lớn trên thế giới muốn tham gia đầu tư.

Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu có 2 hợp phần. Trong đó, Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư 3.462 tỷ đồng, đang được tăng tốc xây dựng để hoàn thành trong năm 2025, đến nay đã hoàn thành được 70% tiến độ. Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần kêu gọi đầu tư, theo tính toán sơ bộ của TP. Đà Nẵng, chi phí đầu tư khoảng 48.304 tỷ đồng, bao gồm 8 bến container (tổng chiều dài neo đậu 2.750 m cho tàu 50.000 - 200.000 DWT), 6 bến hàng tổng hợp (tổng chiều dài neo đậu 1.550 m cho tàu 50.000 - 100.000 DWT), bến cho tàu pha sông biển, hậu phương cảng.

Mới đây, liên danh APM Terminal - Hateco là nhà đầu tư tiếp theo gửi hồ sơ quan tâm đối với Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu. Liên danh APM Terminal - Hateco cam kết, trong trường hợp được lựa chọn là nhà đầu tư của Dự án, sẽ đảm bảo lượng hàng vận chuyển, tạo ra luồng hàng hóa đến và đi từ các vị trí trọng yếu, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng về trung và dài hạn. Liên danh này cũng cam kết sẽ xây dựng cảng Liên Chiểu trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam với dịch vụ logistics xanh và duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về quản trị, trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Ngoài liên danh APM Terminal - Hateco, Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu cũng đang được 2 tập đoàn lớn là Adani (Ấn Độ) và Sumitomo (Nhật Bản) “dạm hỏi”. Điều này cho thấy sức hút của Dự án đối với các ông lớn ngành cảng biển trên thế giới.

Bên cạnh đó, với Khu thương mại tự do, Đà Nẵng cũng đang đẩy nhanh tiến độ để hình thành. Nghị quyết 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội đã trao cho Đà Nẵng các chính sách ưu đãi vượt trội dành cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược. Đặc biệt, trong thu hút đầu tư, Đà Nẵng sẽ hướng đến những nhà đầu tư chiến lược.

Dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Đà Nẵng là đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) gắn với đào tạo…, có quy mô vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Bên cạnh đó, sẽ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng, bao gồm Khu thương mại - dịch vụ có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; trung tâm logistics gắn với cảng biển Liên Chiểu có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, còn đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa (quy mô vốn đầu tư từ 8.000 tỷ đồng trở lên); đầu tư xây dựng dự án tổng thể bến cảng biển Liên Chiểu có quy mô vốn đầu tư từ 45.000 tỷ đồng trở lên…

Trung tâm logistics vùng

Theo nhận định của PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đà Nẵng sẽ phát triển thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, một đô thị biển đẳng cấp quốc tế. Các ngành kinh tế biển cần ưu tiên phát triển của Đà Nẵng là kinh tế hàng hải, dịch vụ cảng biển, vận tải biển và logistics; du lịch - dịch vụ biển, khai thác nuôi trồng và chế biến hải sản; kinh tế đô thị biển…

“Đà Nẵng là đầu mối giao thông quan trọng, có đầy đủ giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Đây là điều kiện để phát huy vai trò cửa ngõ tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, cảng quan trọng của miền Trung, hướng đến trở thành cảng cửa ngõ quốc tế; là nền tảng để xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, trung tâm logistics của khu vực và ASEAN”, PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi khẳng định.

Ban Chấp hành Trung ương mới đây đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tiếp tục khẳng định xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm vùng về logistics. Với quyết sách quan trọng của Trung ương và những chuyển động tích cực của Khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu, ngành logistics Đà Nẵng đang có rất nhiều lợi thế phát triển.

TP. Đà Nẵng cũng đã xây dựng kế hoạch rất chi tiết để phát triển ngành logistics. Theo Đề án Phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt hơn 11%, tỷ lệ thuê ngoài đạt hơn 40%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 13% GRDP. Các trung tâm logistics tại Đà Nẵng đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu dịch vụ logistics cho hàng hóa qua cảng biển, 20% hàng hóa qua đường sắt và đường hàng không.

Đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt hơn 15%. Các trung tâm logistics tại Đà Nẵng đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu dịch vụ logistics cho hàng hóa qua cảng biển, 40% hàng hóa qua đường sắt và đường hàng không.

Đà Nẵng sẽ triển khai loạt giải pháp phát triển dịch vụ logistics từ cảng biển, hàng không và đường sắt. Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp logistics kinh doanh tại cảng biển Đà Nẵng cung cấp đầy đủ các dịch vụ logistics cơ bản. Đối với dịch vụ logistics hàng không, Thành phố khuyến khích doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoạt động 24/7; tăng cường kết nối cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với các khu vực trọng điểm kinh tế trong nước và quốc tế. Dịch vụ logistics đường sắt cũng được chú trọng, với việc xây dựng nhà ga hàng hóa tại khu vực ga Kim Liên kết nối cảng Liên Chiểu, đầu tư phát triển ga Kim Liên thành đầu mối, điểm kết nối đa phương thức đường biển - đường sắt - đường bộ…

Để thu hút đầu tư, Đà Nẵng cũng dành cho nhà đầu tư nhiều ưu đãi hấp dẫn. Trong đó, Thành phố sẽ thành lập Khu vực thương mại tự do, trung tâm là khu vực cảng Liên Chiểu, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, khu công nghệ cao, các khu công nghiệp... nhằm cung cấp các chính sách ưu đãi hấp dẫn với nhà đầu tư, như miễn, giảm các loại thuế. Đồng thời, sẽ đầu tư hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin; hình thành và vận hành mạng thông tin cung cấp dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp trên địa bàn, Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông - Tây…

Sở hữu lợi thế và tiềm năng lớn, lại có thêm lực đẩy từ chính sách, ngành logistics TP. Đà Nẵng sẵn sàng bước vào giai đoạn bứt phá.

Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics
Để giới thiệu tiềm năng logistics và thu hút đầu tư vào Khu thương mại tự do, Thành phố Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn Khu Thương mại tự do - Động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư