Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật số từ nội tại
V.T - 17/10/2019 20:32
 
Các doanh nghiệp có thể làm gì để tạo điều kiện cho người lao động trau dồi các kỹ năng cần thiết cho kỷ nguyên số? Chia sẻ bởi bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam.
.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam.

Vì sao nâng cao kỹ năng, trình độ người lao động đang trở thành một mối quan tâm hàng đầu hiện nay?

Trên thế giới, cách mạng kỹ thuật số đang kéo theo một cuộc cách mạng về kỹ năng. Để khai thác được nhiều lợi ích nhất từ cuộc cách mạng 4.0, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần những người có khả năng tư duy sáng tạo và ứng dụng các công cụ và công nghệ mới.

Vấn đề ở đây là, đội ngũ nhân sự tại nhiều doanh nghiệp đang thiếu các kỹ năng cần thiết và thị trường lao động bên ngoài thì chưa có khả năng cung cấp đủ những kỹ năng này. Ví dụ, theo các nghiên cứu của Bộ Thông tin và Truyền thông và APEC, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 500.000 nhà khoa học dữ liệu và khoảng một triệu nhân lực ngành công nghệ thông tin vào năm 2020.

Đó là lý do tại sao việc nâng cao kỹ năng cho người lao động từ trong nội tại doanh nghiệp đang trở thành một trọng tâm đối với nhiều doanh nghiệp. Điều đáng mừng là, một bộ phận lớn người lao động sẵn sàng đón nhận cách tiếp cận này. Theo khảo sát do PwC mới thực hiện với hơn 22.000 người lao động trên 11 quốc gia, 77% số người được hỏi sẵn sàng tiếp thu những kỹ năng mới ngay từ bây giờ hoặc muốn được đào tạo lại hoàn toàn để cải thiện khả năng tìm được việc làm trong tương lai. Tuy nhiên, chỉ có một phần ba trong số những người được hỏi cho biết họ đang nhận được nhiều cơ hội để phát triển các kỹ năng kỹ thuật số bên ngoài khuôn khổ các công việc hàng ngày.

Vậy trách nhiệm nâng cao kỹ năng thuộc về ai?

Trên hết, trách nhiệm này thuộc về mỗi cá nhân và mỗi doanh nghiệp. Họ phải là những người dẫn đầu quá trình nâng cao kỹ năng, trình độ, bởi họ cũng chính là người được hưởng lợi trực tiếp đầu tiên.

Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ phức tạp mà không một công ty hay cá nhân nào có thể tự đảm đương một cách hiệu quả nếu thiếu sự chung tay của Chính phủ hay các cơ sở giáo dục. Các nhà hoạch định chính sách cần phát huy vai trò là người thúc đẩy đối thoại và hợp tác, cũng như đưa ra các quy định phù hợp. Trong khi đó, các tổ chức giáo dục cũng phải chuyển đổi kỹ thuật số, đồng thời cung cấp các dịch vụ giáo dục - đào tạo đón đầu được các xu hướng tương lai.

Mỗi tổ chức sẽ có cách tiếp cận khác nhau để nâng cao kỹ năng người lao động. Liệu có một công thức chung nào mà các doanh nghiệp có thể tham khảo?

Nhiệm vụ mà doanh nghiệp cần thực hiện sẽ xoay quanh việc dự báo các kỹ năng cần thiết cho tương lai, xác định khoảng cách giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng, từ đó xây dựng các chương trình nâng cao kỹ năng, trình độ dựa trên các nền tảng công nghệ giáo dục phù hợp.

Xuyên suốt quá trình này, việc truyền thông một cách minh bạch trong nội bộ tổ chức là rất quan trọng. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần trình bày rõ ràng về chiến lược nâng cao năng lực con người, cũng như tác động đối với đội ngũ nhân sự của mình.

Trên hết, doanh nghiệp phải xây dựng một văn hóa học tập để mỗi nhân viên đều có thái độ tích cực và nghiêm túc đối với việc tham gia đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ.

Bà có thể chia sẻ về chiến lược chuyển đổi nhân sự cho kỷ nguyên số tại chính doanh nghiệp mình?

Tại PwC Việt Nam, công tác đào tạo và phát triển năng lực nhân viên luôn là một trụ cột quan trọng trong chiến lược nhân sự.

Đứng trước các tác động ngày càng sâu rộng của kỹ thuật số tới hoạt động kinh doanh của bản thân PwC và của các khách hàng PwC, chúng tôi đã vạch ra một tầm nhìn rõ ràng cho chiến lược phát triển nhân sự, tập trung vào các “kỹ năng tương lai” (bao gồm cả các kỹ năng số và kỹ năng mềm).

Chúng tôi khuyến khích nhân viên dẫn dắt quá trình nâng cao năng lực bản thân bởi chúng tôi nhận thấy sẽ hiệu quả hơn nếu họ được tự lựa chọn bổ sung kiến thức gì hay trau dồi kỹ năng gì. Việc đào tạo sẽ diễn ra một phần trong các lớp học có người hướng dẫn trực tiếp, nhưng đa số sẽ thông qua hệ thống học tập trực tuyến. Để thuận tiện hơn, chúng tôi đã xây dựng một ứng dụng học tập trực tuyến cho các thiết bị di động và một ứng dụng mang tên Digital Fitness, cho phép nhân viên đo lường và nâng cao mức độ thành thạo các kỹ năng kỹ thuật số.

Nâng cao kỹ năng kỹ thuật số cũng là một sáng kiến toàn cầu của mạng lưới PwC. Đầu tháng 10/2019, chúng tôi đã ra mắt chương trình “Thế giới mới. Kỹ năng mới”. Theo đó, PwC cam kết đầu tư 3 tỷ USD trong vòng 4 năm tới để nâng cao kỹ năng đội ngũ nhân sự trên khắp mạng lưới toàn cầu gồm 157 quốc gia và lãnh thổ, đồng thời phát triển và chia sẻ các công nghệ hỗ trợ khách hàng và cộng đồng.

Một phần đội ngũ nhân sự của chúng tôi sẽ trau dồi các kỹ năng chuyên sâu trong các lĩnh vực như phân tích dữ liệu, tự động hóa robotic và trí tuệ nhân tạo, nhằm ứng dụng trực tiếp trong công việc. Những người còn lại sẽ cần kiến thức về sức mạnh của các công nghệ mới để có thể tư vấn cho khách hàng và cộng đồng. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu hợp tác với các chính phủ, trường học và các tổ chức khác để đưa cơ hội nâng cao kỹ năng đến được với nhiều người hơn.

Chuyển đổi kỹ thuật số, hướng tới tương lai bền vững
Những chai nước lọc phục vụ khách mời tại sự kiện Ngày hội công nghệ ABB 2019 không còn là những chai nước nhựa thông thường, mà thay vào đó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư