Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Xây dựng thể chế cho các mô hình kinh doanh mới
Hà Nguyễn - 27/07/2019 09:11
 
Để thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030, vấn đề không chỉ nằm ở công nghệ, mà quan trọng là xây dựng thể chế cho các mô hình kinh doanh mới.
Các mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh CMCN 4.0 bắt đầu hình thành, điển hình là kinh tế chia sẻ, với sự xuất hiện của Grab.
Các mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh CMCN 4.0 bắt đầu hình thành, điển hình là kinh tế chia sẻ, với sự xuất hiện của Grab.

Mục tiêu là tăng tốc phát triển trong CMCN 4.0

Bản dự thảo đầu tiên của Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đến năm 2030 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành và đưa ra lấy ý kiến công luận. Và mục tiêu đã được vạch ra rất rõ ràng, đó là “thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển các công nghệ của CMCN 4.0 để đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có tốc độ và chất lượng tăng trưởng cao, có năng lực cạnh tranh cao trên thế giới; đưa Việt Nam lên một trình độ phát triển cao hơn, với một xã hội hiện đại…”.

Nói một cách ngắn gọn như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh, CMCN 4.0 chính là cơ hội “ngàn năm có một” để Việt Nam “bắt kịp, đi cùng và vượt lên” các nền kinh tế khác trên toàn cầu. Xây dựng và thực thi Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 chính là cách để Việt Nam hiện thực hóa cơ hội này.

Không chỉ là đưa ra mục tiêu tổng quát như vậy, các mục tiêu cụ thể cũng đã được vạch ra tại Dự thảo Chiến lược, về xây dựng thể chế kinh tế; về đầu tư, phát triển hạ tầng kết nối và cơ sở dữ liệu; về phát triển nguồn nhân lực; về thay đổi công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công…

Chưa kể, Dự thảo Chiến lược cũng đưa ra các con số cụ thể về mục tiêu ứng dụng, chuyển đổi công nghệ của doanh nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chẳng hạn, có ít nhất 5 công ty công nghệ đạt giá trị từ 1 tỷ USD (unicorn) vào năm 2025. Con số này sẽ là 10 công ty vào năm 2030.

Một mục tiêu khác, đó là có ít nhất 5 công ty vào năm 2025 và 10 công ty vào năm 2030 có xuất khẩu sang các nước G7 các hàng hóa, dịch vụ có dùng các công nghệ của CMCN 4.0 hoặc các công nghệ thế hệ tiếp theo, như 5G, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, phân tích dữ liệu… Cũng đến năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 30 nước dẫn đầu về số sáng chế trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên…

Xây dựng thể chế cho các mô hình kinh tế mới

Mục tiêu được đặt ra cụ thể và khá thách thức. Câu hỏi đặt ra là, Việt Nam sẽ phải làm như thế nào để thực hiện được các mục tiêu đó?

Câu trả lời nằm ở nhiều vấn đề và cũng đã được Dự thảo Chiến lược đề cập. Từ phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu đến phát triển nguồn nhân lực, rồi hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp; đầu tư, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ và nghiên cứu phát triển, hướng tới làm chủ một số công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 và công nghệ thế hệ tiếp theo…

CMCN 4.0 có thể đem lại lợi ích rất đáng kể về kinh tế

Đối với nền kinh tế Việt Nam, CMCN 4.0 có thể đem lại lợi ích rất đáng kể. Đến năm 2030, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm từ 28,5-62,1 tỷ USD, tùy theo mức độ ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp, tương đương mức tăng thêm từ 7-16% GDP (so với kịch bản không tham gia CMCN 4.0).

Nhưng CMCN 4.0 không hẳn chỉ là câu chuyện của khoa học - công nghệ, mà là câu chuyện của thay đổi phương thức kinh doanh. Chính vì vậy, xây dựng thể chế cho các mô hình kinh doanh mới là một trong những giải pháp được ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, phải đặt lên hàng đầu.

Trên thực tế, tại Việt Nam, trong vài năm gần đây, một số mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh CMCN 4.0 cũng đã bắt đầu hình thành, điển hình là kinh tế chia sẻ, với sự xuất hiện của Grab, Uber, Airbnb, các dịch vụ cho vay ngang hàng… Tuy nhiên, cách hành xử của cơ quan quản lý với các loại hình doanh nghiệp này, ví dụ xử Vinasun thắng kiện Grab, hay yêu cầu xe công nghệ cũng phải gắn mào… được dư luận cho rằng chưa theo kịp sự phát triển của thị trường.

Thậm chí, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có lần phải lên tiếng rằng, CMCN 4.0 nhưng có tình trạng quản lý “vẫn theo kiểu 1.0”.

Còn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong một cuộc hội thảo gần đây về vấn đề này đã nhấn mạnh việc Việt Nam chưa xây dựng được môi trường chính sách, pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực tận dụng cơ hội đến từ CMCN 4.0. Theo Thủ tướng, tư duy làm chính sách, pháp luật trong CMCN 4.0 là khi xử lý các vấn đề mới cần các giải pháp “vượt ra ngoài tư duy truyền thống”.

Cũng vì thế, Dự thảo Chiến lược đã đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng thể chế cho các mô hình kinh doanh mới. Theo đó, nguyên tắc hàng đầu là việc xây dựng thể chế cho các ngành, nghề kinh doanh mới phải bảo đảm “thông thoáng, phù hợp với mức độ rủi ro” của từng ngành, nghề, hoạt động kinh doanh cụ thể.

Trường hợp cơ quan nhà nước chưa có quy định cụ thể, thì áp dụng nguyên tắc “doanh nghiệp được tự do kinh doanh” trong các ngành, lĩnh vực không cấm; cơ quan nhà nước không được yêu cầu doanh nghiệp xin phép kinh doanh khi chưa quy định điều kiện kinh doanh cho sản phẩm, dịch vụ cụ thể mà doanh nghiệp muốn đầu tư, kinh doanh.

Việc xây dựng khung thể chế thử nghiệm cho các ngành, nghề kinh doanh có tiềm năng gây rủi ro cao, như ngân hàng, tài chính, trò chơi điện tử… cũng đã được Dự thảo Chiến lược đề cập, để tạo hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo.

“Các mô hình kinh tế mới, kinh doanh mới trong thời đại CMCN 4.0 phải có thể chế tốt mới tận dụng được cơ hội để rút ngắn khoảng cách phát triển”, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã nói như vậy tại Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là xây dựng thể chế, chính sách để vận hành toàn bộ nền kinh tế, đồng thời quan tâm xây dựng thể chế, khung khổ pháp luật mới để kiến tạo phát triển, đặc biệt là các mô hình kinh tế mới trong CMCN 4.0.

Cần thể chế thoáng để EVFTA vào cuộc
Thị trường đã mở, nhưng nếu thể chế không kịp cải thiện, trình độ doanh nghiệp không kịp nâng cấp, nguồn nhân lực không kịp đáp ứng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư