Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 03 tháng 07 năm 2024,
Xây dựng TP. Thái Bình trở thành đô thị loại I
Đảng bộ và nhân dân TP. Thái Bình đang cùng nhau phấn đấu đưa Thành phố trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh; đến năm 2045 trở thành thành phố phát triển thông minh, hiện đại, thịnh vượng, tiến bộ, bền vững, đậm bản sắc văn hóa Thái Bình.
.
Ông Đinh Gia Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Thái Bình.

Sự phát triển vượt bậc

 Khi mới giải phóng (năm 1954), thị xã Thái Bình chỉ có 3 tiểu khu Lê Hồng Phong, Đề Thám, Quang Trung với vài đường phố nhỏ và 10 năm sau mới sáp nhập thêm các thôn Kỳ Bá, An Tập, Đồng Lôi, Bồ Xuyên, diện tích chưa đến 100 ha với số dân chưa đến 7.000 người. Năm 2003, thị xã Thái Bình được công nhận là đô thị loại III, năm 2004 được Chính phủ công nhận là thành phố, đến năm 2014 được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.

Đến năm 2024, sau 20 năm thành lập, diện tích TP. Thái Bình đã lên tới gần 7.000 ha, dân số trên 218.000 người, với 19 đơn vị hành chính, bao gồm 10 phường và 9 xã. Hòa vào dòng chảy của lịch sử, nhìn lại chặng đường 70 năm giải phóng thị xã Thái Bình, 20 năm thị xã trở thành thành phố, TP. Thái Bình đã có sự phát triển vượt bậc và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, kinh tế TP. Thái Bình tăng với tốc độ khá cao, công nghiệp, xây dựng chiếm 69%, thương mại dịch vụ 29%, nông nghiệp 2%. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất ước đạt 51.066,5 tỷ đồng, quy mô kinh tế chiếm 25% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thu nhập đầu người đạt 78 triệu đồng/năm.

Hiện có trên 2.500 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định trên địa bàn, tạo việc làm cho hơn 80.000 lao động. Nhiều dự án thương mại dịch vụ lớn đi vào hoạt động. Thu ngân sách nhà nước đều đạt và vượt chỉ tiêu. Hai năm liên tiếp (2022 và 2023) TP. Thái Bình đứng đầu về Chỉ số Năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp huyện. Môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút được nhiều nhà đầu tư có uy tín về nghiên cứu và đầu tư. Nhiều nút thắt đô thị được khai mở.

Thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tích cực tháo gỡ, tạo  thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chương trình xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ. Không gian đô thị được mở rộng, diện mạo đô thị đổi mới nhanh, nếp sống văn minh đô thị ngày càng rõ nét.

Bên cạnh đó, TP. Thái Bình đã ban hành nhiều đề án như tái cơ cấu kinh tế; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung; lắp đặt camera an ninh, cải tạo vỉa hè, bãi đỗ xe ô tô...; từng bước hoàn thiện các tiêu chí trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Thời gian 20 năm từ thị xã trở thành thành phố cũng là giai đoạn phát triển mang tính đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Dấu ấn nổi bật là hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn như Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Sông Trà, Gia Lễ, cùng các cụm công nghiệp Phong Phú, Trần Lãm, Hoàng Diệu…, tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

TP. Thái Bình đang từng ngày đổi mới, tạo nên dáng vóc của một đô thị hiện đại, văn minh, xanh sạch đẹp, có bản sắc riêng

Đây cũng là giai đoạn hệ thống giao thông của Thành phố được mở rộng, nối dài với nhiều tuyến đường mới như vành đai phía Nam, đường Võ Nguyên Giáp, đường Kỳ Đồng kéo dài, đường Lê Quý Đôn, đường Chu Văn An kéo dài…, cùng những cây cầu hiện đại bắc qua sông Trà Lý. Hệ thống cây xanh được phủ xanh tại hầu hết các tuyến phố như Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Trần Phú, Võ Nguyên Giáp, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng…

Cùng với đó, những khu đô thị mới hiện đại, khang trang được đầu tư xây dựng như Khu đô thị Trần Hưng Đạo, Petro Thăng Long, Khu đô thị phức hợp Thái Bình Dragon City, DragonHomes Eco City...; các dự án nhà ở xã hội phường Lê Hồng Phong, phường Quang Trung. Thành phố cũng xây dựng nhiều công trình văn hóa lớn như Quảng trường Thái Bình, Đền thờ Bác Hồ, Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, Đền thờ Liệt sĩ tỉnh, Thư viện tỉnh.

Ngày 26/6/2024, nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng thị xã Thái Bình, 20 năm xây dựng và phát triển TP. Thái Bình, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Tô Lâm đã ký Quyết định số 611/QĐ-CTN tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Thái Bình vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều khu vui chơi giải trí, dịch vụ, thương mại được xây dựng như trung tâm thương mại Vincom, GO; khách sạn Selegend, Petro, Dream, SOJO; công viên Lê Quý Đôn, Kỳ Bá, 30/6, công viên sinh thái Hoàng Diệu, hồ Ty Rượu...     

Chất lượng giáo dục, y tế được nâng cao, nhiều năm liên tục Thành phố dẫn đầu phong trào giáo dục toàn tỉnh Thái Bình. Các thiết chế văn hóa được quan tâm, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển rộng khắp. An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hơn. Bộ máy hành chính được sắp xếp lại tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, TP. Thái Bình vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất... Nhiều phường, xã, đơn vị, cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, cùng rất nhiều huân, huy chương cao quý.

Phát huy truyền thống anh hùng

Trên chặng đường đi tới, Đảng bộ và nhân dân TP. Thái Bình quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXVIII, Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng, phát triển TP. Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045” và Quyết định phê duyệt “Quy hoạch chung xây dựng TP. Thái Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 của UBND tỉnh Thái Bình”.

Quyết tâm đó được xây dựng và thực hiện với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, tất cả vì sự phát triển của Thành phố; phát huy truyền thống Anh hùng trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động, những kết quả, bài học kinh nghiệm của giai đoạn 2000 - 2020; khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm.

Trong đó, Thành phố tập trung triển khai thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, giỏi về chuyên môn, có ý thức phục vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, tâm huyết với công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Cùng với đó, xây dựng và khẳng định môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao. Tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển không gian, kiến trúc đô thị, hạ tầng giao thông kết nối các khu đô thị, kết nối thành phố với Khu kinh tế Thái Bình, các đô thị trong vùng và các đầu mối giao thông, đầu tư, cải tạo, chỉnh trang vỉa hè, thiết chế đi bộ, bãi để xe công cộng.

Xây dựng văn minh đô thị, xây dựng đời sống văn hóa phong phú, hiện đại trên cơ sở phát huy các giá trị, bản sắc truyền thống. Tăng cường công tác xử lý, khắc phục các điểm ô nhiễm môi trường, các khu vực úng lụt; xây dựng cảnh quan xanh, phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Tăng cường đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng thành phố an toàn, đáng sống.

Triển khai quyết liệt 4 khâu đột phá chiến lược mà Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Đó là phát triển không gian đô thị hai bên sông Trà Lý, xây dựng các tuyến đường trục chính đô thị, công viên cây xanh, khu đô thị mới tại khu vực phía Đông Bắc Thành phố; thu hút các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố, tạo nên giá trị mới và phát triển bứt phá; thu hút các dự án đầu tư xây dựng tổ hợp thương mại, dịch vụ tài chính - ngân hàng, khu vui chơi giải trí chất lượng cao, hệ thống siêu thị, khách sạn; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào mọi lĩnh vực của cuộc sống; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đảng bộ và nhân dân TP. Thái Bình quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thành phố trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, đến năm 2045 trở thành thành phố phát triển thông minh, hiện đại, thân thiện, kinh tế thịnh vượng, xã hội tiến bộ, môi trường bền vững, chất lượng cuộc sống người dân ở mức độ cao, là một trong những đô thị phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, mang đậm nét bản sắc văn hóa của vùng đất và con người Thái Bình, xứng đáng với niềm tin của cấp ủy Đảng, chính quyền cùng các tầng lớp nhân dân.

Khu kinh tế và các khu công nghiệp - động lực phát triển của tỉnh Thái Bình
Các khu công nghiệp, đặc biệt là Khu kinh tế Thái Bình đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư