Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Khu kinh tế và các khu công nghiệp - động lực phát triển của tỉnh Thái Bình
Phương Liên - 25/06/2024 10:19
 
Các khu công nghiệp, đặc biệt là Khu kinh tế Thái Bình đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, trở thành động lực kích thích sự phát triển của kinh tế - xã hội địa phương.

Tạo động lực phát triển kinh tế

Trong những năm qua, Thái Bình có thay đổi mạnh mẽ, từ một tỉnh nông nghiệp nghèo, lạc hậu với nền sản xuất nông nghiệp chuyên canh cây lúa, đến nay, Thái Bình đã vươn lên trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu miền Bắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Góp phần tạo nên những thành tựu nổi bật đó có vai trò quan trọng của các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Sự hình thành các khu công nghiệp cách đây 20 năm và đặc biệt là Khu kinh tế Thái Bình vào năm 2017 đã thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao một cách thực chất đời sống người dân và từng bước đưa Thái Bình từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh có bước bứt phá nhanh, mạnh trên lĩnh vực công nghiệp.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước của Việt Nam và Hàn Quốc, tỉnh Thái Bình chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương trong tỉnh Thái Bình và Hàn Quốc.

Công cuộc thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh Thái Bình đã có sự thay đổi mạnh mẽ sau khi thành lập Khu kinh tế, vốn đầu tư FDI tăng gấp nhiều lần so với trước đây, góp phần đưa Thái Bình có thứ hạng cao so với các tỉnh, thành phố trong khu vực về thu hút FDI từ năm 2021 trở lại đây.

Giai đoạn 2021 - 2023, thu hút FDI vào khu kinh tế, khu công nghiệp đạt 3,74 tỷ USD, gấp 4,4 lần tổng vốn đầu tư FDI của cả tỉnh từ năm 2020 trở về trước. Đặc biệt năm 2023, trên địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp thu hút trên 3 tỷ USD, góp phần đưa Thái Bình xếp thứ 5 cả nước về thu hút FDI.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư  tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Thái Bình.

Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp góp phần đưa Thái Bình từ một tỉnh thuần nông từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Nếu như năm 2003, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chỉ đạt 70,2 tỷ đồng, chiếm 3,02% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, nộp ngân sách 4,5 tỷ đồng, chiếm 6,22% thu ngân sách toàn tỉnh, thì đến năm 2017 giá trị sản xuất đạt 18.871 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, giá trị xuất khẩu đạt 805 triệu USD, chiếm 57% giá trị xuất khẩu, nộp ngân sách hơn 700 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Công ty cổ phần Green i-Park, Tập đoàn HiteJinro làm việc với các cơ quan truyền thông Hàn Quốc về dự án đầu tư Nhà máy sản xuất đồ uống tổng vốn 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái.

Ngoài tăng về số lượng dự án, tổng vốn đầu tư, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp cũng có bước nhảy vọt. Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn các khu công nghiệp ước đạt 54.737 tỷ đồng, chiếm trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tăng 781 lần so với năm 2003 và tăng 2,9 lần so với năm 2017; giá trị xuất khẩu ước đạt 1.364 triệu USD, chiếm trên 60% giá trị xuất khẩu của tỉnh, tăng 1,7 lần so với năm 2017 (năm 2003 các doanh nghiệp gần như chưa có hoạt động xuất khẩu); thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước ước đạt 1.721 tỷ đồng, tăng 382,4 lần so với năm 2003 và tăng 2,45 lần so với năm 2017.

Đến hết năm 2023, các dự án trong Khu kinh tế và các khu công nghiệp đã giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho 76.620 lao động, góp phần quan trọng nâng cao mức sống của người dân và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Đưa khu kinh tế và các khu công nghiệp xứng tầm lợi thế

Tỉnh Thái Bình xác định xây dựng và phát triển Khu kinh tế toàn diện về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh, là đột phá phát triển, nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong cả nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Pegavision Corporation.

Xây dựng và phát triển các khu công nghiệp với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nhanh chóng lấp đầy đất công nghiệp tại các khu công nghiệp, tạo ra các cực tăng trưởng cho kinh tế của tỉnh.

Để đạt được các mục tiêu trên, Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình quyết tâm cố gắng nỗ lực hết sức mình, phát huy cao vai trò và hiệu quả hoạt động trong thực thi các nhiệm vụ được giao. Ban quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển.

Lễ khởi công Dự án xây dựng Nhà máy Good Way Việt Nam tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái.

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách, chủ trương phát triển khu kinh tế, các khu công nghiệp; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thu hút các dự án lớn, dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của các tập đoàn uy tín trên thế giới.

Hai là, giám sát, đôn đốc các nhà đầu tư tại các khu công nghiệp nhanh chóng triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sau khi được Nhà nước bàn giao đất; nâng cao hiệu quả sử dụng đất công nghiệp, chú trọng quản lý môi trường, quản lý quy hoạch đối với các khu công nghiệp đã thành lập; làm tốt công tác quản lý dự án đầu tư tại các khu công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong khu công nghiệp.

Ba là, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư mới có quy mô lớn, giá trị công nghệ cao, nhằm từng bước thay đổi mục tiêu từ thu hút các dự án đầu tư lắp ráp, gia công, sử dụng nhiều lao động,… đến thu hút các dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều vào nguồn thu thuế, được định hướng, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp trong nước; đảm bảo môi trường và an sinh xã hội tại địa phương.

Bốn là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để chuyên nghiệp hơn và đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực chuyên môn được phân cấp, ủy quyền nhằm tháo gỡ phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh nhất về thời gian cho nhà đầu tư khi triển khai dự án.

Năm là, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp đi vào nề nếp theo pháp luật hiện hành; chỉ đạo doanh nghiệp sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, góp phần tăng đầu tư xã hội và tăng trưởng kinh tế; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nhằm bảo đảm doanh nghiệp, khu công nghiệp phát triển bền vững.

Xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh
Chiều 10/1, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập. 20 năm qua, Ban Quản lý đã đồng hành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư