Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 10 năm 2024,
Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế: Nhắm đích cuối năm 2025
Hà Nguyễn - 05/10/2024 08:31
 
Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất một trung tâm tài chính vào cuối năm 2025, nhằm thúc đẩy dịch vụ tài chính và phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam dự kiến phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Xác định lộ trình phù hợp

Tờ trình Dự thảo Đề án Xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đệ trình Chính phủ. Dự thảo được xây dựng trong bối cảnh hệ thống tài chính toàn cầu đang dần định hình lại, trong khi bối cảnh trong nước đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi và cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính, có khả năng liên kết với các thị trường tài chính khu vực và quốc tế.

Xây dựng trung tâm tài chính là vấn đề mới và phức tạp với Việt Nam, bởi vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những vấn đề quan trọng là xác định được lộ trình phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Vì thế, Dự thảo đã xác định một số mục tiêu khá rõ ràng.

Mục tiêu gần nhất là xây dựng và phát triển ít nhất một trung tâm tài chính vào cuối năm 2025, kèm với Luật về Trung tâm tài chính. Mục tiêu xa hơn là đến năm 2035, sẽ tiệm cận quy mô quốc tế và sau năm 2045 sẽ đạt quy mô quốc tế, nằm trong 20 trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu.

Một lộ trình khá thận trọng, nhưng cũng đầy tham vọng. Đặt ra mục tiêu vào cuối năm 2025, với việc ban hành Luật về Trung tâm tài chính là để tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành và phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam, đồng thời thể hiện cam kết với cộng đồng tài chính quốc tế để thu hút đầu tư, hoạt động tại trung tâm tài chính này.

Trong khi đó, với mục tiêu vào năm 2035, kỳ vọng khi đó sẽ thu hút được ít nhất 100 định chế tài chính thuộc danh sách Fortune 500; 50% số lượng ngân hàng quốc tế có giá trị vốn hóa lớn nhất; 200 quỹ đầu tư, quỹ quản lý tài sản đến hoạt động, đặt trụ sở ở trung tâm tài chính Việt Nam…

Đây mới chỉ là những phác thảo ban đầu, bởi việc hoàn thành và thông qua Đề án sẽ phải có một quá trình nghiên cứu, thẩm định kỹ lưỡng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam mới đây, cũng nhấn mạnh rằng, việc xây dựng Đề án là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, nên phải thảo luận kỹ lưỡng để chọn phương án tốt nhất, nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng.

Không chỉ là xác định lộ trình, mà việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế và khu vực ở Việt Nam theo mô hình nào, số lượng bao nhiêu cũng là một vấn đề cần thảo luận kỹ. Hiện tại, theo kế hoạch, Việt Nam muốn phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM và trung tâm tài chính khu vực Đà Nẵng. Cả hai địa phương này đều đã có đề án của riêng mình.

Tuy vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quá trình thảo luận cho thấy, việc cùng lúc thành lập hai trung tâm tài chính có thể dẫn tới phân tán nguồn lực, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa hai trung tâm tài chính. Thực tế, trên thế giới, ngoại trừ UEA có hai trung tâm tài chính, thì mỗi nước chỉ có một trung tâm tài chính.

Bởi thế, phương án được đề xuất là bên cạnh việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM một cách toàn diện, thì trung tâm tài chính ở Đà Nẵng giai đoạn đầu có thể tập trung phát triển cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) mà Quốc hội đã cho phép thí điểm tại nghị quyết về cơ chế đặc thù cho địa phương này, qua đó tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy việc hình thành trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.

Mấu chốt vẫn là thể chế

Các hối thúc sớm hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã liên tục được đưa ra trong thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng luôn nhấn mạnh việc Việt Nam đang có “cơ hội vàng” trong phát triển trung tâm tài chính quốc tế và khu vực. “Chúng ta có rất nhiều lợi thế. Làm trung tâm tài chính quốc tế sẽ mang lại cơ hội vô cùng lớn cho đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nói như vậy và nhấn mạnh rằng, cần phải làm ngay, để không bỏ lỡ thời cơ.

Vì xác định không thể bỏ lỡ thời cơ, nên đích thân Bộ trưởng đã nhiều lần sang Trung Quốc, Singapore, UAE… để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế của các quốc gia này. Ông cũng liên tục hối thúc phải sớm hoàn thành Đề án Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu vực ở Việt Nam, trong đó có việc xây dựng các thể chế, chính sách đột phá, vượt trội cho các trung tâm này.

Hồi tháng 8/2024, khi Dự thảo Đề án được đưa ra lấy ý kiến công luận và các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, rất nhiều ý kiến đã khẳng định rằng, cần phải có cơ chế đột phá thì mới có thể thu hút đầu tư và phát triển trung tâm tài chính.

“Tôi tin rằng, các nhà đầu tư cần một cơ chế cởi mở và đột phá hơn. Họ cần sự cam kết từ Chính phủ và một chiến lược rõ ràng để thấy rằng, đây là một kế hoạch bền vững và có tiềm năng”, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) chia sẻ.

Trong Dự thảo vừa trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, để xây dựng trung tâm tài chính, Việt Nam cần áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là trong các lĩnh vực tài chính mới như fintech, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy vậy, theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam sẽ không áp dụng ngay toàn bộ các chính sách vượt trội, chuyên biệt cho trung tâm tài chính, mà sẽ lựa chọn nhóm chính sách phù hợp để áp dụng có kiểm soát, theo lộ trình…

Liên quan nội dung này, khi thảo luận về Dự thảo, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo, phải đi lên bằng năng lực nội sinh, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nói chung, TP.HCM và Đà Nẵng nói riêng, với quyết tâm, cơ chế, chính sách, bước đi phù hợp, làm đến đâu chắc đến đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng cũng chỉ rõ, cần đề xuất khung pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù, đột phá, kể cả về chính sách visa, lao động, thuế, nhân lực chất lượng cao… để thu hút mọi nguồn lực tài chính, nhất là tài chính cho các ngành mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ứng phó biến đổi khí hậu…

Chủ tịch IPPG: Nhà đầu tư mong Chính phủ cam kết, có chiến lược rõ ràng về trung tâm tài chính quốc tế
Trung tâm tài chính quốc tế vẫn được ông Johnathan Hạnh Nguyễn đặt nhiều kỳ vọng thực thi. Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngoại cần sự cam kết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư