Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi bồi thường
Xét xử sơ thẩm vụ Vinasun kiện Grab Việt Nam đòi bồi thường thiệt hại
Việt Dũng - Bảo Minh - 17/10/2018 18:09
 
(Baodautu.vn) Sau 3 lần tạm hoãn, sáng nay 17/10/2018, Tòa án Nhân dân TP.HCM mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab).

Các bên giữ nguyên quan điểm

Tại phiên tòa sáng nay, Công ty giám định thiệt hại do tòa chỉ định là công ty Cửu Long (có trụ sở tại Cần Thơ) vắng mặt. Phía Grab cho biết có nhiều thắc mắc quanh kết quả giám định muốn được đối chất nên đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.

Grab cũng cung cấp cho tòa danh sách hợp tác xã và hợp đồng hợp tác kinh doanh của tài xế với hợp tác xã, đề nghị được bảo mật. Phía Vinasun khiếu nại và được tòa cho tiếp cận hồ sơ này. Phía Grab nêu quan điểm không đồng ý.

Tại tòa, ông Trương Đình Quý, Phó tổng Giám đốc Vinasun giữ nguyên quan điểm với nội dung đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hình thức mà Vinasun yêu cầu Grab thực hiện là bồi thường một lần.

Theo Vinasun, nguyên nhân khoản lợi nhuận của công ty bị giảm là do hoạt động kinh doanh trái pháp luật Việt Nam của Grab. Cụ thể, hãng này cho rằng dù Grab tự nhận là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng thực chất là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.

.
Phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab) diễn ra sáng nay, 17/10, sau 3 lần tạm hoãn

Đại diện phía Grab khẳng định việc kinh doanh của mình là không vi phạm và đúng với Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải (Quyết định 24 về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, còn gọi là Đề án 24).

Phát biểu tại phiên tòa, ông Jerry Yen Hock Lim, Giám đốc phụ trách Grab Việt Nam cho rằng, Quyết định 24 của Bộ GTVT là một Quyết định mở cho các công ty cung cấp công nghệ liên quan đến việc kết nối giữa tài xế và hành khách, Grab là một trong số đó. Do vậy, việc Vinasun yêu cầu Grab bồi thường hơn 41 tỷ đồng vì vi phạm luật cạnh tranh, kinh doanh không lành mạnh, gây thiệt hại cho đơn vị mình là không hợp lý.

“Trên thực tế, Vinasun cũng là một công ty đã đăng ký thực hiện công nghệ đó theo Đề án thí điểm của Quyết định 24. Điều đó cho thấy việc này là hoàn toàn được phép, Vinasun cũng được tham gia Đề án thí điểm này nên có thể thấy sự công bằng trong kinh doanh”, ông Jerry Lim nói và cho rằng, nếu hoạt động kinh doanh của Grab vi phạm quyết định 24 thì cơ quan chức năng xử phạt, nhưng trong thời gian qua, thực tế chưa có cơ quan chức năng nào xử lý việc này.

Theo đại diện Grab, từ khi gia nhập thị trường Việt Nam, Grab đã tạo công ăn việc làm cho hơn 170.000 người lao động, thu nhập của những đối tác, người lái xe cao gấp đôi thu nhập bình quân đầu người của Việt nam. Hơn nữa, việc sử dụng công nghệ này đã giúp hành khách chỉ mất khoảng 2,5 phút là có thể tìm được phương tiện di chuyển. Những tài xế sử dụng công nghệ này có thể sử dụng 70% thời gian chạy trên đường của mình là có khách.

Đại diện Vinasun cho rằng, Grab lợi dụng việc Bộ GTVT ban hành Quyết định 24 về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường... và hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây nhiều hệ lụy cho công ty này.

Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, trong đó do Grab gây ra là hơn 41 tỷ đồng nên yêu cầu đơn vị này bồi thường.

Phản biện về những yêu cầu của Vinasun, ông Jerry Lim cho rằng, số tiền thiệt hại mà phía Vinasun đưa ra là chưa hợp lý. Công ty Cửu Long (giám định thiệt hại của Vinasun) là đơn vị được cử để giám định, có thể không đảm bảo tính khách quan. Hơn nữa, liên quan đến chứng thư giám định của Công ty Cửu Long cũng có nhiều điểm bất cập như phương pháp và cách tính thiệt hại.

Còn theo Luật sư Lưu Tiến Dũng, đại diện quyền lợi bị đơn (Grab), Công ty Cửu Long xác định thiệt hại cho nguyên đơn là chưa chính xác bởi Công ty Cửu Long không có năng lực kiểm tra, thẩm định thiệt hại mà phải thuê công ty khác. Chưa kể, Công ty Cửu Long cũng chưa có kinh nghiệm trong việc giám định thiệt hại nên phía bị đơn bác bỏ kết quả giám định này.

“Đề nghị Hội đồng Xét xử bác bỏ toàn bộ yêu cầu bồi thường của nguyên đơn và cho phép chúng tôi đặt ra câu hỏi với Công ty Cửu Long về phương pháp và cách tính thiệt hại đối với Vinasun của họ”, đại diện cho Grab nói.

Trước yêu cầu của Grab, sau khi hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục làm việc và không chấp thuận các đề nghị của Grab vì kết quả giám định đã có đầy đủ trong hồ sơ, cho rằng không ảnh hưởng đến quá trình tranh tụng. Riêng về tài liệu, HĐXX cho rằng Vinasun đã tiếp cận trước đó hoàn toàn đúng luật.

Những câu hỏi liên quan đến vụ việc

Bình luận về phiên xét xử trong ngày đầu tiên, một luật gia xin không nêu tên chia sẻ, phiên xử có phát sinh một số quan ngại.

Thứ nhất, sự vắng mặt của công ty Cửu Long: Cửu Long là đơn vị giám định độc lập được tòa chỉ định để giám định thiệt hại (nếu có) của Vinasun. Tuy nhiên, sáng nay, đơn vị này đã không có mặt tại tòa. Sự có mặt của Cửu Long là hết sức cần thiết bởi nghiên cứu và cách tính của Cửu Long được bên bị cho rằng có nhiều vấn đề cần phải làm sáng tỏ. Vì vậy, nếu đơn vị này vắng mặt sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc xác định chứng thư giám định cũng như gây khó khăn cho việc tranh tụng, biện hộ, bảo vệ quyền lợi của bên bị tại tòa.

Thứ hai, về thẩm quyền của tòa: Trước tòa, Vinasun liên tục khẳng định kiện Grab vì vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT dẫn đến sụt giảm doanh thu, nhưng trong đơn kiện, Vinasun không đề cập đến những nội dung này. Trên thực tế, việc quyết định doanh nghiệp nào có vi phạm Đề án 24 hay không thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT và các cơ quan chính phủ có liên quan, không thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân. Bộ GTVT cũng đã có kết luận về thí điểm và Chính phủ đã đồng ý gia hạn đề án thí điểm với xe hợp đồng điện tử cho đến khi Nghị định 86 sửa đổi có hiệu lực.

Thứ ba, về việc công bố các tài liệu thuộc bí mật kinh doanh của Grab trước tòa: Grab đã có kiến nghị về việc Vinasun không được tiếp cận các tài liệu này, bao gồm cả danh sách hợp tác xã, hợp đồng với hợp tác xã, cũng như không công bố các tài liệu này trước công chúng tại tòa. Grab đã có đơn kiến nghị đến Chánh án Tòa án Nhân dân TPHCM, nhưng trong khi Chánh án Tòa án Nhân dân TPHCM chưa trả lời đơn kiến nghị của Grab thì Tòa Kinh tế đã cho phép Vinasun được tiếp cận và sao chép. Grab cũng đã tiếp tục gửi khiếu nại lên Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề này nhưng sáng nay Tòa Kinh tế - Tòa án Nhân dân TPHCM vẫn tiếp tục cho phép công bố các tài liệu thuộc bí mật kinh doanh của Grab trước tòa, dù Tòa án Nhân dân Tối cao vẫn chưa ra quyết định cuối cùng. Điều này sẽ tạo nên tiền lệ không tốt khi các doanh nghiệp sẽ lợi dụng điều này để tiếp cận bí mật kinh doanh của đối thủ

Phiên xử sẽ kéo dài đến ngày mai 18/10/2018, Baodautu.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc.

Trao đổi với Baodautu.vn bên ngoài phòng xử, khi được hỏi những kiến nghị của Grab sau ngày xử đầu tiên, ông Jerry Lim cho biết, Grab đề xuất một số ý kiến:

Thứ nhất, đưa các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng khoa học công nghệ tương tự như Bị đơn tham gia tố tụng với tư cách người có quyền và lợi ích liên quan vì các quyết định của Hội đồng xét xử có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ;

Thứ hai, cần trưng cầu giám định lại hoặc giám định bổ sung vì bị đơn cho rằng, các kết luận giám định của Công ty Cửu Long cần được đối chiếu, làm rõ tính đúng đắn, phù hợp trong phương pháp tính toán, xác định thiệt hại, dẫn đến kết luận về thiệt hại.

Thứ ba, nếu Hội đồng xét xử tiếp tục giải quyết vụ án dựa trên các tài liệu, chứng cứ hiện có trong hồ sơ, thì bác bỏ toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn vì Nguyên đơn đã không chứng minh được yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp; Bị đơn không có hành vi vi phạm; không có cơ sở để xác định thiệt hại của Nguyên đơn; không có mối quan hệ nhân quả giữa bất kỳ hành vi vi phạm nào, nếu có, với bất kỳ thiệt hại nào, nếu có; và nếu có thiệt hại, liệu các thiệt hại đó chỉ do riêng Bị đơn gây ra hay không, trong khi thị trường có nhiều công ty kinh doanh dịch vụ gọi xe ứng dụng, kể cả chính Nguyên đơn.

Viettel, VNG, Mai Linh, Vinasun... đầu tư ứng dụng gọi xe cạnh tranh với Uber, Grab
Làm App cạnh tranh với Uber, Grab, các hãng công nghệ Việt, doanh nghiệp taxi có thành công?
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư