Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Xét xử tranh chấp hợp đồng bán căn hộ tại Keangnam
Hữu Tuấn - 24/09/2014 07:19
 
Từ ngày 26 đến 29/9, Toà án Nhân dân quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) sẽ xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng bán căn hộ tại Dự án Keangnam Landmark Tower (Keangnam) với chủ đầu tư là Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Khách hàng kiện Keangnam vì... vừa tham, vừa gian!
Sắp xử vụ án 'ăn bớt' diện tích tại tòa nhà Keangnam
4 chung cư cao cấp có chất lượng bình dân
Thi nhau "chém gió" về toà nhà 100 tầng ở Hà Nội
Dự án bất động sản vốn ngoại: Càng hoàng tráng, càng chán chường!

Theo đơn gửi Báo Đầu tư, khách hàng đứng đơn kiện cho biết, họ khởi kiện chủ đầu tư Keangnam ra tòa với 2 nội dung.

  Xét xử tranh chấp hợp đồng bán căn hộ tại Keangnam  
  Đưa vào sử dụng đã khá lâu, song tranh chấp tại Dự án Keangnam vẫn chưa đến hồi kết. Ảnh: Đ.T  

Thứ nhất, đối với 7 hợp đồng đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán và nhận bàn giao nhà: buộc Keangnam điều chỉnh giá căn hộ từ USD về VND và hoàn trả phần chênh lệch do định giá bằng ngoại tệ; hoàn trả phần tiền tương ứng với diện tích bị tính thừa (phần diện tích thuộc sở hữu chung Keangnam đã tính vào căn hộ).

Thứ hai, đối với 3 căn hộ đã tạm dừng nghĩa vụ thanh toán, từ chối nhận bàn giao căn hộ, khách hàng đã yêu cầu nhiều lần, nhưng Keangnam không điều chỉnh giá căn hộ từ USD sang VND: đề nghị hủy hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại.

Nhóm khách hàng khởi kiện đưa ra một loạt luận điểm để chứng minh việc Keangnam Vina vi phạm nghiêm trọng so với hợp đồng ký kết ban đầu, như không tiến hành bàn giao diện tích và cố ý cung cấp thông tin không trung thực, đầy đủ cho khách hàng.

Bà Lê Xuân Hoa, nguyên đơn khởi kiện cho biết, khách hàng được nhận căn hộ không phù hợp với hợp đồng. Tháng 5/2011, sau khi khách hàng đã hoàn thành 100% nghĩa vụ thanh toán, Keangnam tiến hành bàn giao căn hộ, nhưng không bàn giao về diện tích, mà chỉ bàn giao về các trang thiết bị có trong căn hộ.

Vì thế, sau khi trả hết tiền và nhận bàn giao, khách hàng chưa thể phát hiện ra ngay căn hộ bị thiếu diện tích so với hợp đồng. Trong quá trình bán nhà, Keangnam đã cung cấp thông tin không đầy đủ, không trung thực, dẫn đến khách hàng không thể phát hiện ra trong diện tích căn hộ đã bao gồm cả diện tích thuộc sở hữu chung.

Bên khởi kiện cho hay, họ đã thuê một đơn vị địa chính chuyên nghiệp có chức năng đo đạc đến kiểm tra lại diện tích căn hộ. Kết quả đo đạc cho thấy, phần diện tích thuộc sở hữu chung của các căn hộ tại dự án này là khá lớn. Ví dụ, căn hộ B606 có diện tích theo hợp đồng mua bán là 206,95 m2, nhưng diện tích sở hữu sử dụng thực tế theo phương pháp thông thủy chỉ còn 181 m2.

Không những thế, từ năm 2008 đến tháng 3/2009, trong các hợp đồng bán căn hộ ký với khách hàng, chủ đầu tư Keangnam đã tính diện tích căn hộ để bán cho khách hàng theo phương pháp tính phủ bì. Điển hình là trường hợp của chị Đoàn Ngọc T., mua 3 căn hộ liền nhau (B3305, B3306, B3307), ngoài việc phải bỏ tiền mua cả hộp kỹ thuật diện tích lớn, khách hàng còn phải mua 2 lần chính bức tường ngăn giữa các căn hộ. Phần hộp kỹ thuật ở giữa hai căn hộ B3306 và B3307 nhô hẳn ra hành lang, được cơ quan giám định xác định là “nằm ngoài căn hộ”, cũng được tính vào diện tích căn hộ để tính tiền khách hàng...

“Trung bình, mỗi căn hộ phải thanh toán 15% diện tích thuộc sở hữu chung. Tính bình quân, mỗi căn hộ khởi kiện bị thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng cho những phần diện tích thuộc sở hữu chung”, đơn khởi kiện của khách hàng cho biết.

Ngoài nội dung trên, nhóm khách hàng còn cho rằng, chủ đầu tư đã quy định trong hợp đồng giá bán căn hộ và giá trị các đợt thanh toán bằng ngoại tệ (cụ thể là USD) và khi thanh toán thì quy đổi ra VND. Điều này đã vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.

Các khách hàng cho biết, trong 10 căn hộ ký với chủ đầu tư, có 4 hợp đồng đã thanh toán bằng USD (Keangnam có phiếu thu ngoại tệ). Hành vi định giá này của Keangnam đã bị Ngân hàng Nhà nước kết luận tại Công văn số 7178/NHNN-QLNH ngày 14/9/2011 “là vi phạm quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối”.

Sau đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội đã có Quyết định số 291/QĐ-XPHC ngày 11/10/2011 xử phạt Keangnam về hành vi định giá này, đồng thời yêu cầu Keangnam không được định giá bán bằng ngoại tệ trong hợp đồng mua bán căn hộ.

“Vì thế, đối với những căn hộ đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán, Keangnam phải quy đổi giá căn hộ từ USD sang VND với tỷ giá tại thời điểm ký hợp đồng và trả lại cho khách hàng phần tiền chênh lệch sau khi điều chỉnh. Với những căn hộ tạm dừng thanh toán, đã có yêu cầu Keangnam điều chỉnh hợp đồng, nhưng Keangnam không thực hiện, thì căn cứ Điều 417, Bộ luật Dân sự, cần hủy bỏ hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại”, đại diện nhóm khách hàng cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước lúc phiên tòa diễn ra, bà Vũ Phương Thảo, Giám đốc Quan hệ công chúng và Marketing, Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina cho biết, lãnh đạo Keangnam Vina đang có kỳ nghỉ Tết Trung Thu tại Hàn Quốc, nên chưa thể bình luận gì về vụ việc, nhưng Keangnam Vina tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam và đã ủy quyền cho luật sư giải quyết vụ việc trong phiên tòa tới.

Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn sẽ tiếp tục phản ánh diễn biễn phiên xét xử vụ việc này trong các số báo tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư