Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xi măng thêm nhiều dự án “khủng”
Thế Hoàng - 30/05/2015 08:28
 
Sau một thời gian im ắng, ngành xi măng đã có thêm những động thái về đầu tư mới, với một loạt dự án xi măng công suất lớn đã và đang chuẩn bị khởi công xây dựng. Theo kế hoạch được các doanh nghiệp công bố, trong vòng 2 năm tới, ngành xi măng sẽ có thêm hơn 10 triệu tấn sản phẩm.

Mới đây, Tập đoàn Xuân Thành đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị dây chuyền II Nhà máy Xi măng Xuân Thành, Hà Nam công suất 12.500 tấn clinker/ngày (tương đương 4,5 triệu tấn xi măng/năm) với nhà thầu FLSmidth (Đan Mạch).

Tại thời điểm này, dây chuyền II của Xi măng Xuân Thành đã cơ bản hoàn thành xây dựng, đang chuẩn bị cho hạng mục lắp đặt thiết bị. Được biết, Xuân Thành đầu tư cho dây chuyền này tới 10.800 tỷ đồng.

 

Ông Nguyễn Xuân Thành, Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành cho biết, Dự án dây chuyền II với công suất 4,5 triệu tấn, đảm bảo cung ứng cho thị trường xi măng trong nước và xuất khẩu, cũng như đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn clinker cho các trạm nghiền của Tập đoàn tại các nước châu Âu, châu Phi. 50% sản phẩm xi măng của dây chuyền II dự kiến sẽ phục vụ các đơn hàng đến từ châu Âu, châu Phi, Trung  Cận Đông.

Tại tỉnh Hà Nam, một dự án khá lớn là Dự án Xi măng Thành Thắng (dây chuyền II của Nhà máy Xi măng Thanh Liêm), do Công ty CP Đầu tư Thành Thắng Group làm chủ đầu tư, đang ở giai đoạn chuẩn bị thủ tục đầu tư, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật… để tiến tới khởi công xây dựng.

Với tổng mức đầu tư lên tới 4.500 tỷ đồng, quy mô công suất 2,3 triệu tấn, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Xi măng Thành Thắng dự kiến vận hành vào năm 2018.

Trong số các dự án xi măng công suất “khủng” đang triển khai đầu tư trong thời gian này, không thể không nhắc tới Dự án Xi măng Sông Lam 1 (tiền thân là Xi măng Đô Lương), tại tỉnh Nghệ An, do Tập đoàn Xi măng The Vissai mua lại từ Công ty CP Xi măng Đô Lương.

Nhà máy Xi măng Sông Lam 1 có quy mô công suất 18.000 tấn clinker/ngày, tương đương 7,2 triệu tấn/năm. Giai đoạn I của Nhà máy hiện đang xây dựng có thời gian thực hiện từ 2015 - 2017, gồm  2 dây chuyền, được đầu tư song song,  có tổng công suất 12.000 tấn clinker/ngày (tương đương 4 triệu tấn xi măng/năm.

Ông Nguyễn Ngọc Oánh, Tổng giám đốc Tập đoàn Xi măng The Vissai xác nhận, nếu không có gì thay đổi, Dự án sẽ đi vào hoạt động sau 18 tháng xây dựng, khoảng giữa năm 2017.

Ngay sau khi dây chuyền I và II của Xi măng Sông Lam 1 hoàn thành, Tập đoàn Vissai sẽ đầu tư tiếp giai đoạn 2, công suất 3,2 triệu tấn/năm.

Như vậy, 3 dự án trên đã bổ sung nguồn cung cho thị trường xi măng gần 11 triệu tấn. Chưa kể ngay trong quý III/2015, dây chuyền II Dự án Xi măng Công Thanh (Thanh Hóa), công suất 3,6 triệu tấn/năm của Tập đoàn Công Thanh sẽ được đưa vào vận hành.

Nhìn vào danh mục các dự án xi măng lớn đang triển khai, có thể thấy nguồn cung xi măng trong nước tiếp tục được bổ sung và cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất sẽ được đẩy lên cao nữa, khi mà về tổng thể, nguồn cung đang vượt quá nhu cầu.

Năm 2014, tiêu thụ xi măng đạt 71 triệu tấn, trong đó hơn 20 triệu tấn xuất khẩu. Năm 2015, mặc dù các doanh nghiệp trong ngành vẫn đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng thực tế xuất khẩu 4 tháng qua giảm khá mạnh, chỉ đạt 4,78 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2014. Cộng cả tiêu thụ nội địa, tổng sản lượng xi măng 4 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 3% với 15,8 triệu tấn. Thực tế này cho thấy, các doanh nghiệp còn phải chật vật trong việc tìm đường tiêu thụ xi măng. Sức ép sẽ càng lớn hơn nữa khi thị trường được bổ sung thêm nguồn cung dồn dập.

Vissai đẩy nhanh tiến độ 2 nhà máy xi măng tại miền Trung
Tập đoàn Xi măng The Vissai, chủ đầu tư của 2 Dự án Xi măng lớn tại miền Trung là Xi măng Sông Lam 1 và Sông Lam 2 cho biết, tiến độ xây dựng của cả 2...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư