Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Xi măng thêm oải vì tăng nguồn cung
Thế Hải - 13/01/2016 10:19
 
Dây chuyền 2 sản xuất xi măng của Tập đoàn Công Thanh vừa được đưa vào hoạt động trong tháng cuối cùng của năm 2015 tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) sau gần 6 năm xây dựng. Với công suất 3,6 triệu tấn/năm, dù chưa quá “khủng”, nhưng sự gia tăng sản lượng của xi măng Công Thanh cũng tạo nên một cuộc chạy đua ngầm trong việc giữ và mở rộng thị phần của các đối thủ cạnh tranh.
.
Năm 2016 vẫn là một năm vất vả đối với các doanh nghiệp xi măng.

Ý thức về đầu ra ngày một khó khi nguồn cung cấp lớn, Tập đoàn Công Thanh ngay lập tức khai trương Tổng kho xi măng tại Cần Thơ.

Ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công Thanh cho rằng, việc mở Tổng kho tại Cần Thơ là bước đi cần thiết của Tập đoàn trong việc đảm bảo đầu ra của xi măng Công Thanh, khi dây chuyền 2 đã đưa vào vận hành.

Tìm đầu ra là nhiệm vụ lớn của Công Thanh và là nhiệm vụ không thể chậm trễ, bởi khi hoàn thành đầu tư dây chuyền 2, Nhà máy Xi măng Công Thanh có tổng công suất 6 triệu tấn/năm, do vậy, việc Nam tiến để tìm thị trường cho sản phẩm của Tập đoàn Công Thanh là động thái tất yếu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Mặc dù đại diện Tập đoàn Công Thanh khẳng định, đã lựa chọn và ký kết cùng đối tác phân phối chính thức sản phẩm với mục tiêu trong năm 2016 sẽ tiêu thụ sản phẩm với cơ cấu thị phần 70% tiêu thụ nội địa, 30% xuất khẩu tại các nước ASEAN. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp trong ngành, thì lo đầu ra cho nhà máy công suất 5-6 triệu tấn trong bối cảnh thị trường dư dả nguồn cung như hiện nay không dễ, không loại trừ xuất khẩu khó khăn sẽ khiến Công Thanh tập trung chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Ngoài việc thị trường được bổ sung thêm nguồn cung từ xi măng Công Thanh, năm 2016, nhiều nhà máy xi măng như Nghi Sơn, Holcim… chạy hết công suất cũng làm gia tăng độ cạnh tranh khốc liệt tại nội địa.

Chưa kể, theo kế hoạch, trong quý IV/2016, giai đoạn I Nhà máy Xi măng Sông Lam, công suất  4 triệu tấn/năm sẽ được Tập đoàn Xi măng The Vissai đưa vào hoạt động. Hiện, chủ đầu tư đang chạy đua tiến độ xây dựng với dự án này.

Được biết, Nhà máy Xi măng Sông Lam sẽ đạt tới 95% tiến độ xây dựng vào trước Tết Nguyên đán 2016 để chuyển sang lắp đặt thiết bị.

Kết thúc năm 2015, ngành xi măng có 76 dây chuyền, quy mô công suất đạt hơn 82 triệu tấn sản phẩm. Tuy nhiên, tăng trưởng tiêu thụ lại rất chậm, với sản lượng (tính cả tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu) đạt 72 triệu tấn, tức chỉ tăng 1,5% so với dự kiến của Bộ Xây dựng.

Đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, từ diễn biến thị trường năm 2015, có thể khẳng định năm 2016 vẫn là một năm vất vả đối với các doanh nghiệp xi măng.

“Ông lớn” trong ngành là Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) cũng thừa nhận, áp lực tiêu thụ năm 2016 còn lớn hơn năm 2015, do nguồn cung thị trường tăng thêm, xuất khẩu tiếp đà tụt dốc cả về lượng và giá, trong khi dự báo nhu cầu xi măng nội địa chỉ tăng nhẹ.

Ở mảng xuất khẩu, năm 2015 đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh do sự thay đổi về chiến lược của một số quốc gia xuất khẩu xi măng trong khu vực, điển hình là Trung Quốc, Thái Lan… đã tác động tức thì đến sản lượng và giá trị xuất khẩu của ngành xi măng trong nước. Kết quả, cả năm 2015, xuất khẩu xi măng, clinker mới đạt 16,5 triệu tấn, giảm 27% sản lượng.

Những dấu hiệu về thị trường xuất khẩu xi măng trong năm 2016 hoàn toàn chưa có gì sáng sủa. Theo ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Vicem, ngành xi măng cố gắng duy trì được sản lượng xuất khẩu bằng năm 2015 đã là thành công.

Thanh Hóa: Khánh thành dây chuyền xi măng lớn nhất cả nước
Sáng ngày 27/12, tại xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Nhà máy xi măng Công Thanh đã tổ chức Lễ khánh thành và chính thức đưa vào hoạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư