Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Xóa hàng loạt đồ án quy hoạch treo tại Đà Nẵng
Hoàng Anh - 04/11/2021 09:18
 
Hàng loạt đồ án quy hoạch dự án được lập ra, sau nhiều năm vẫn ở “chế độ treo”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, chính quyền TP. Đà Nẵng đang tiến hành rà soát để hủy bỏ.
Khu vực đồ án quy hoạch trên địa bàn huyện Hòa Vang được đề xuất xóa bỏ
Khu vực đồ án quy hoạch trên địa bàn huyện Hòa Vang được đề xuất xóa bỏ

Quy hoạch treo khiến người dân bức xúc

TP. Đà Nẵng đang lấy ý kiến của người dân để bãi bỏ hàng loạt đồ án quy hoạch tại các quận, huyện. Trong đó, riêng huyện Hòa Vang có đến 18 đồ án quy hoạch được rà soát để bãi bỏ.

Do còn nhiều diện tích đất trống, nên trong những năm qua, trên địa bàn các xã của huyện Hòa Vang, những khu đất này được quy hoạch để xây dựng nhiều dự án khác nhau. Đáng nói là, hàng chục đồ án quy hoạch lập rồi để đó, nhiều đơn vị không có chức năng đầu tư dự án vẫn đề xuất lập quy hoạch hoặc quy hoạch chồng chéo.

Đơn cử, Dự án Cụm công trình thủy điện Sông Nam - Sông Bắc do Công ty cổ phần Thủy điện Geruco Sông Côn (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) đề xuất lập quy hoạch trên diện tích 3.117 ha (tại xã Hòa Bắc) được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt từ năm 2013 và đã có quy hoạch chi tiết 1/500. Từ đó đến nay, ngoài việc chi trả đền bù hơn 5,4 tỷ đồng cho 177 hồ sơ (trên tổng số 597 hồ sơ đã kiểm định), Dự án không có tiến triển.

Trên địa bàn huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) đang tồn tại hàng chục quy hoạch dự án khác nhau. Điểm chung của các quy hoạch này là đều chậm triển khai, mà người dân trong vùng gọi là “treo vô thời hạn”.

Có thể “điểm danh” một số dự án như Dự án Trường cao đẳng Thương mại (phê duyệt năm 2013, diện tích 20 ha); Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn (phê duyệt năm 2017, diện tích hơn 119 ha); Dự án Trang trại bò sữa Đà Nẵng (phê duyệt năm 2017, diện tích 124 ha); Dự án Mở rộng trung tâm logistics (phê duyệt năm 2017, diện tích 54 ha); Dự án Trường cao đẳng Phương Đông (phê duyệt năm 2009, diện tích 9,8 ha)…

Trước những phản ánh và kiến nghị liên tục của người dân trong vùng dự án, huyện Hòa Vang đã đề nghị hủy quy hoạch Dự án Cụm công trình thủy điện Sông Nam - Sông Bắc. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng có văn bản xin dừng triển khai cụm công trình thủy điện này vì không có chức năng đầu tư dự án theo quy định pháp luật. Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã thống nhất hủy quy hoạch Dự án, theo phương án điều chỉnh quy hoạch chung không phát triển thủy điện tại khu vực xã Hòa Bắc.

Một đồ án quy hoạch khác cũng khiến người dân bức xúc và đã được UBND huyện Hòa Vang đưa vào danh sách kiến nghị hủy bỏ là quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 khu vực phía Tây Dự án Golden Hills mở rộng (giai đoạn I). Bản quy hoạch được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt đầu năm 2013, quy mô 900 ha, do Công ty cổ phần Trung Nam đề xuất lập quy hoạch. Tuy nhiên, theo UBND huyện Hòa Vang, tại khu vực này, TP. Đà Nẵng cũng có chủ trương quy hoạch vùng chuyên canh hoa, vùng nuôi tôm Trường Định (xã Hòa Liên) và vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Phản hồi kiến nghị hủy bỏ quy hoạch của UBND huyện Hòa Vang, Công ty cổ phần Trung Nam cho biết, tại quyết định phê duyệt quy hoạch, UBND TP. Đà Nẵng đã giao Công ty làm chủ đầu tư; đồng ý phương án hoàn trả đầu tư Dự án Tuyến kênh thoát lũ tổng thể khu vực xã Hòa Liên, nhà đầu tư tự bỏ vốn ra trước để thực hiện Dự án và được Thành phố thanh toán bằng tiền chuyển quyền sử dụng đất tại Khu đất phía Tây Dự án Golden Hills. Sau đó, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng và Công ty Trung Nam ký hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), trong đó quy định giá trị thanh toán hợp đồng Dự án Tuyến kênh thoát lũ tổng thể khu vực xã Hòa Liên là thanh toán bằng tiền chuyển tiền sử dụng khu đất trên. Vì vậy, Công ty Trung Nam đề nghị TP. Đà Nẵng cho chủ trương để Công ty lập quy hoạch chi tiết khu vực phía Tây Dự án Golden Hills mở rộng (giai đoạn I).

Tuy nhiên, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng vẫn thống nhất với đề nghị của UBND huyện Hòa Vang về việc hủy đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 khu vực phía Tây Dự án Golden Hills mở rộng (giai đoạn I) với lý do quy hoạch để lâu không thực hiện.

Rà soát để bãi bỏ

Thống kê cho thấy, phần lớn đồ án quy hoạch của TP. Đà Nẵng nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang (khoảng 174 đồ án và 28 sơ đồ ranh giới sử dụng đất được duyệt). Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã rà soát 21 đồ án quy hoạch, 28 sơ đồ ranh giới sử dụng đất. Theo đó, có 5 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 đã phê duyệt từ trước năm 2014; 16 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 phê duyệt trước năm 2018 tại huyện Hòa Vang, nhưng đến nay đã quá 3 năm, mà chưa triển khai các thủ tục liên quan, ảnh hưởng đến quyền lợi của cộng đồng dân cư tại khu vực.

Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, qua rà soát quy hoạch, đánh giá tác động cũng như hiệu quả của các dự án, Sở đã đề xuất bãi bỏ các đồ án quy hoạch không còn phù hợp; trong đó quận Hải Châu có 4 đồ án, quận Thanh Khê và Ngũ Hành Sơn có 1 đồ án, quận Liên Chiểu có 2 đồ án; huyện Hòa Vang có số dự án nhiều nhất với 18 đồ án. Tháng 9/2021, Sở Xây dựng đã có công văn gửi các quận, huyện để lấy ý kiến cộng đồng dân cư về bãi bỏ các đồ án quy hoạch trên.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng UBND huyện Hòa Vang cho biết, huyện đã tiến hành lấy ý kiến của người dân về 18 đồ án quy hoạch trên địa bàn và tất cả người dân đều thống nhất hủy bỏ quy hoạch.

“100% người dân đồng ý với việc hủy bỏ các đồ án quy hoạch, bởi các quy hoạch đã kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Huyện sẽ có báo cáo tổng hợp gửi Sở Xây dựng, từ đó trình UBND Thành phố hủy bỏ những đồ án trên”, ông Phát thông tin.

Việc TP. Đà Nẵng quyết tâm xóa bỏ những đồ án quy hoạch không còn phù hợp là điều cần thiết. Nhưng qua đây có thể thấy, nếu công tác lập quy hoạch được thực hiện chặt chẽ ngay từ đầu, thì sẽ hạn chế đáng kể tình trạng đồ án quy hoạch “bánh vẽ”, người dân không phải chật vật sống cùng các dự án treo và chính quyền cũng sẽ không phải vất vả thực hiện các thủ tục xóa bỏ đồ án quy hoạch như hiện nay.

Cảng Đà Nẵng doanh thu, lợi nhuận đều tăng bất chấp Covid-19
Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng (Mã CDN; sàn HNX) công bố báo cáo tài chính quý III/2021, với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trong bối cảnh ảnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư