Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Xu hướng mới trong sáp nhập ngân hàng
Thùy Liên - 23/04/2014 06:59
 
Các thương vụ sáp nhập đình đám thời gian qua đang làm thay đổi trật tự thứ hạng trên thị trường ngân hàng. Không chỉ có thế, kịch tính của thị trường này vẫn còn ở phía trước, khi con số ngân hàng sáp nhập chưa dừng lại. So với làn sóng mua bán, sáp nhập trước đây, xu hướng sáp nhập ngân hàng năm nay có nhiều điểm mới.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đại gia ngân hàng đua nhau làm "bà đỡ"
Maritime Bank sáp nhập MDB với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1
PG Bank thừa nhận sáp nhập để “né” thoái vốn
SHB sắp thâu tóm một công ty tài chính

Chưa bao giờ, mùa đại hội đồng cổ đông các ngân hàng lại nóng như năm nay khi làn sóng sáp nhập dồn dập diễn ra.

Chỉ tính riêng trong tuần qua, đã có 2 cặp ngân hàng được cổ đông duyệt phương án về một nhà, đó là trường hợp Maritime Bank sáp nhập MDB và SouthernBank về một nhà với Sacombank.

  Xu hướng mới trong sáp nhập ngân hàng  
  Sáp nhập MDB vào Maritime Bank giúp hai tổ chức này gỡ được mối quan hệ chằng chịt về sở hữu chéo.
Ảnh: Hà Thanh
 

Bên cạnh đó, cổ đông PG Bank cũng đã nhất trí ủy quyền cho HĐQT lựa chọn đối tác sáp nhập (với đối tác đang bị đồn đoán là VietinBank). Nhiều ngân hàng khác cũng sắp trình đại hội đồng cổ đông thông qua phương án hợp nhất, sáp nhập, như VietCapitalBank, VietABank…

Theo nhận xét của các chuyên gia ngân hàng, so với làn sóng mua bán, sáp nhập trước đây, xu hướng sáp nhập ngân hàng năm nay có nhiều điểm mới.

Điểm mới thứ nhất là sáp nhập ngân hàng để thống nhất sở hữu chéo, điển hình là mô hình Sacombank sáp nhập Southerbank và Maritime Bank sáp nhập MDB.

Cụ thể, với việc Sacombank sáp nhập Southerbank, ông Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank đã “quy được về một mối” sở hữu của mình tại hai ngân hàng này.  Hiện ông Trầm Bê và những người liên quan đang nắm 6,78% vốn điều lệ của Sacombank và hơn 20% vốn điều lệ tại Southerbank. 

Tương tự, sáp nhập MDB vào Maritime Bank cũng giúp hai tổ chức này gỡ được mối quan hệ chằng chịt, phức tạp về sở hữu chéo. Cụ thể,

Maritime Bank đang nắm 10,16% vốn MDB, chưa kể khoản đầu tư ủy thác thông qua Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Tín Phát - TPF (khoảng 282 tỷ đồng). Trong khi đó,  MDB đã mua 300 tỷ đồng trái phiếu của một công ty thành viên Tập đoàn Phát triển Việt Nam (V.I.D Group) - tập đoàn có mối quan hệ mật thiết với lãnh đạo Maritime Bank và nắm giữ 325 tỷ đồng trái phiếu của Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Maritime Bank.

Điểm mới thứ hai của xu hướng sáp nhập ngân hàng năm nay là có sự tham gia của những “ông lớn” ngân hàng quốc doanh, như VietinBank, Vietcombank.

Điểm mới thứ ba là xuất hiện mô hình sáp nhập chưa từng có. Cụ thể, trong tờ trình gửi cổ đông ngày 11/4, PG Bank đã trình phương án sáp nhập ngân hàng này vào VietinBank theo mô hình “ngân hàng trong ngân hàng”. Dù phương án này cụ thể này đã nhanh chóng bị PG Bank rút lại, song trả lời phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT PG Bank khẳng định, không loại trừ phương án này sẽ diễn ra.

Phân tích với Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc sáp nhập ngân hàng theo mô hình trên là hoàn toàn khả thi nếu ngân hàng bị sáp nhập có thương hiệu tốt, khách hàng tốt.

Chính ông Bùi Ngọc Bảo cũng khẳng định, ngân hàng nào sáp nhập PG Bank cũng sẽ tận dụng được lợi thế rất lớn của từ các doanh nghiệp xăng dầu trong mạng lưới Petrolimex.

Trong khi đó, theo phân tích của TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), không loại trừ mô hình trên mở đường cho một xu hướng sáp nhập ngân hàng mới: sáp nhập, sau đó bán đi.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư