Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Xử lý 2 người do kinh doanh trong thời hạn không được kinh doanh sau khi thôi giữ chức vụ
Nguyễn Lê - 17/10/2021 10:03
 
Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2021 vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội.
.
Năm 2021 có16 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. (Ảnh minh hoạ) 

Đó là thông tin từ báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2021 được Chính phủ gửi tới Quốc hội.

Cụ thể, trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, phần kết quả thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn, báo cáo cho biết năm 2021, có 4 trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định cho đơn vị, với số tiền 350 triệu đồng; có 2 người bị xử lý do có vi phạm về kinh doanh trong thời hạn không được kinh doanh sau khi thôi giữ chức vụ.

Số người nộp lại quà tặng là thông tin năm nào cũng xuất hiện tại báo cáo về phòng chống tham nhũng gửi Quốc hội. Còn số người bị xử lý do có vi phạm về kinh doanh trong thời hạn không được kinh doanh sau khi thôi giữ chức vụ rất hiếm khi xuất hiện.

Liên quan đến vấn đề này, theo quy định của Chính phủ, ở một số lĩnh vực, người thôi giữ chức vụ không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý với nhiều mức 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng...

Mục tiêu quy định này là nhằm phòng ngừa người thôi giữ chức vụ lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực trước đây được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giao quản lý để vụ lợi cho bản thân và gia đình, làm thất thoát tài sản nhà nước, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác.

Cho biết số lượng hai người song báo cáo không có thông tin chi tiết hơn về các trường hợp bị xử lý.

Vẫn về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn, báo cáo của Chính phủ nêu, đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 6.890 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 178 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (số trường hợp vi phạm giảm 7,3% so với năm 2020).

Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 27.316 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 52,5% so với cùng kỳ năm 2020).

Kết quả thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã có 1.284.375 người kê khai tài sản, thu nhập . Số bản kê khai đã hoàn thành công khai là 1.283.635 bản; đạt tỷ lệ 99% số bản đã kê khai.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, năm 2021 có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người đã bị xử lý kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người).

Chính phủ đánh giá, năm 2021, tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Nhưng tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.

Dự báo tình hình, Chính phủ cho rằng trong những năm tới, cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi hơn, phức tạp, khó lường hơn; đồng thời phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

“Chặt” vòi bạch tuộc biến của công thành của tư - Bài 1: Quyền lực càng cao, gây hại càng lớn
Những liên minh “ma quỷ” tham nhũng của công đã vươn vòi khuynh đảo kỷ cương, phép nước, chà đạp đạo lý... gây nhức nhối lâu nay trong nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư