Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Xuân hội tụ
Bảo Duy - 29/12/2018 10:01
 
Khát vọng Việt Nam hùng cường” có lẽ là cụm từ đang được nhắc đến nhiều nhất vào thời điểm hiện nay khi bàn về các kế hoạch lớn trong năm 2019.
TIN LIÊN QUAN

Sau một năm trọn vẹn với nhiều kỷ lục được xác lập, như tăng trưởng GDP cao nhất từ năm 2011; dự trữ ngoại hối, xuất khẩu, xuất siêu đạt nấc thang mới, kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh thế giới bất định, khó lường, mọi người đều muốn nói và hành động vì một tương lai xán lạn hơn của dân tộc.

Trong các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, phục vụ nhân dân trong công tác điều hành năm 2019. Chính phủ muốn thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa về khát vọng Việt Nam hùng cường tới cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân. Người đứng đầu Chính phủ còn đề cập mục tiêu, tầm nhìn dài hạn hơn. Đó là đến năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm nước nhà độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 18.000 USD…

Trong các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, sự cẩn trọng, bài bản đang thể hiện rõ, gắn với tham vọng không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và cả từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang làm thay đổi cục diện thương mại, đầu tư toàn cầu… Chưa bao giờ, khát vọng về doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt, sản phẩm Việt sẽ ghi dấu ấn trong chuỗi giá trị toàn cầu lại hiện thực đến thế.

Từng người dân cũng đang náo nức đón chào năm mới với những dự định cho tương lai tươi đẹp hơn.

Song thực tế hơn 30 năm đổi mới kinh tế của Việt Nam cho thấy, dư địa này, không gian này, cơ hội này không dễ cầm nắm ngay được. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nói, đối với đất nước ta, nếu tất cả 63 tỉnh, thành phố, các bộ, ngành và toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng Việt Nam hùng cường, trong mọi hoàn cảnh, trên từng chặng đường phát triển của đất nước, thì chắc chắn, Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng, sánh vai được với các cường quốc năm châu. 

Điều này cũng có nghĩa, dư địa để Chính phủ hành động, tạo nên những chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh không hề nhỏ. Nhưng cũng không dễ thực thi nếu thiếu sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức và đặc biệt là những người đứng đầu bộ, ngành, địa phương. 

Ngay cả khoảng không gian phát triển mới, có thể không giới hạn mà từng người dân, doanh nghiệp đang nhìn thấy được, đang nỗ lực cải thiện, nâng cấp mình để tận dụng triệt để, cũng không thể phát huy giá trị thực tiễn nếu tư duy quản lý nhà nước không thay đổi kịp theo xu hướng phát triển mới, vẫn ôm đồm trách nhiệm, muốn lo hộ người dân, doanh nghiệp, thay vì kiến tạo phát triển.

Vào lúc này, bài học về những cơ hội bị bỏ lỡ, chưa tận dụng hết sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như khi các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương mà Việt Nam đã tham gia, ký kết những năm qua cần được nhắc lại. 

Thủ tướng Chính phủ đã từng nói, đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn.

Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng khi khát vọng chung đó luôn cháy bỏng trong từng người dân, từng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư