Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ năm 2020
T.T - 08/08/2023 16:18
 
Số liệu được công bố ngày 8/8 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn ba năm qua vào tháng trước, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này gặp các “cơn gió ngược” cả ở môi trường trong nước và quốc tế.
Cảng hàng hóa ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Cảng hàng hóa ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 14,5% trong tháng 7/2023 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Mức giảm nói trên cũng lớn hơn dự đoán và là mức giảm mạnh nhất kể từ khi xuất khẩu của nước này giảm 17,2% vào đầu năm 2020, khi nền kinh tế bị chững lại trong những tuần đầu bùng phát dịch Covid-19. Ngoại trừ sự phục hồi ngắn ngủi trong tháng 3/2023 và tháng 4/2023, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm gần như liên tục kể từ tháng 10 năm ngoái.

Nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ và châu Âu, cùng với tình trạng lạm phát cao, đã góp phần khiến nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa của Trung Quốc yếu đi trong những tháng gần đây.

Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm mạnh hơn dự đoán, ở mức 12,4%, đánh dấu tháng giảm thứ 9 liên tiếp. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước đang sụt giảm.

Ông Ken Cheung Kin Tai, chuyên gia phân tích của ngân hàng Mizuho Bank, nhận định số liệu thương mại yếu kém nói trên cho thấy nhu cầu nước ngoài ảm đạm, trong khi các công ty nhập khẩu cũng “ngần ngại” trong việc mua hàng hóa để phục vụ sản xuất và đầu tư trong nước. Theo ông, trong bối cảnh này, hạ giá đồng NDT có thể là một công cụ để hỗ trợ xuất khẩu và mở đường cho phục hồi kinh tế.

Các số liệu thương mại này là chỉ báo mới nhất cho thấy sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc đang dần mất đà. Giới chức nước này đang chịu áp lực ngày càng gia tăng trong việc phải đưa ra các biện pháp kích thích mới sau nhiều tháng liên tục ghi nhận các số liệu kinh tế kém khả quan.

Chính phủ Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ nền kinh tế hơn nữa, song cảnh báo “những khó khăn và thách thức mới”, cũng như “các nguy cơ tiềm ẩn trong các lĩnh vực chủ chốt”. Quốc vụ viện Trung Quốc tháng trước đã công bố bản kế hoạch với 20 nội dung nhằm thúc đẩy hoạt động tiêu dùng trên nhiều lĩnh vực như nhà ở, văn hóa và du lịch, cũng như tiêu dùng “xanh” như xe điện. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – ngân hàng trung ương) cũng đã cắt giảm nhiều loại lãi suất trong những tuần gần đây nhằm vực dậy nền kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay, một trong những mức mục tiêu thấp nhất của nước này trong hàng chục năm qua, nhưng Thủ tướng Lý Cường vẫn cảnh báo đây là một mục tiêu không dễ dàng đạt được.

Mỹ và các đồng minh phương Tây trông chờ Trung Quốc cứu vãn thỏa thuận ngũ cốc
Mỹ và các đồng minh phương Tây đang trông chờ vào Trung Quốc để giúp giải quyết hiệu ứng domino tai hại từ việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư