Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Xuất khẩu gạo: Gió sẽ đổi chiều
Nguyễn Đình Bích - 06/06/2014 09:49
 
Không ít người cho rằng, bức tranh xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể lâm nguy, do bị kẹt giữa hai áp lực. Tuy nhiên, thực tế và triển vọng không hẳn như thế!
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thị trường gạo thế giới 2014: Sản lượng và dự trữ tăng
Vinafood 2 công ít, tội nhiều, Bộ trưởng xử sao?
Thủ tướng đồng ý triển khai mua tạm trữ lúa gạo
Gạo đang bị làm giá
“Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”

Không thể phủ nhận rằng, năm nay là năm thứ ba liên tiếp, hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: thế giới được mùa năm thứ tư liên tiếp; kho gạo dự trữ thế giới tăng 7 năm liên tiếp và thế giới được mùa rất lớn lúa mỳ, cũng như các loại lương thực khác, đặc biệt là ngô. Tất cả đều tạo sức ép lên xuất khẩu và kéo giá gạo thế giới xuống.

  Xuất khẩu gạo: Gió sẽ đổi chiều  
  Có nhiều động thái cho thấy thị trường gạo thế giới có thể chuyển hướng (Ảnh: Đức Thanh)  

Có lẽ đi tiên phong và cổ xuý mạnh mẽ nhất cho quan điểm này là nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II), với nhận định: tồn kho gạo ở Thái Lan đang quá lớn và để có tiền trả nợ nông dân, Thái Lan sẽ phải bán gạo tồn kho bằng mọi giá.

Điều này sẽ khiến cho mặt bằng giá gạo trên thị trường thế giới giảm mạnh, ảnh hưởng lớn tới các nước xuất khẩu gạo, mà nặng nhất là Việt Nam...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thị trường gạo không quá ảm đạm như vậy. Các số liệu thống kê vừa được công bố cho thấy, tuy đúng là Thái Lan đã tăng tốc xuất khẩu, nhưng lượng gạo bình quân trong 4 tháng đầu năm cũng chỉ đạt 725.000 tấn/tháng. Quan trọng là, tuy giá cũng giảm mạnh, nhưng gạo trắng vẫn đạt 405 USD/tấn, trong đó giá trong tháng 3, tuy đứng ở mức đáy, nhưng vẫn đạt 395 USD/tấn.

Điều đáng nói là, ẩn sau bức tranh ảm đạm đó của xuất khẩu gạo Thái Lan là điều ít được biết. Trong tổng lượng gần 2,5 triệu tấn gạo được đưa ra đấu giá công khai tính đến ngày 23/4 vừa qua, có tới 27,2% gạo tồn kho 28 - 33 tháng và 34,6% gạo tồn kho 15 - 27 tháng, trong khi chỉ có 38,2% là gạo tồn kho 2 - 14 tháng.

Trong khi một hãng thông tấn Phương Tây đầu năm nay hài hước rằng, gạo Thái sẽ tràn ngập thị trường, nhưng là gạo mục, thì đây lại là điều mà người “lĩnh ấn tiên phong” của Việt Nam đi đấu thầu 800.000 tấn gạo của Philippines không biết, hoặc không chú ý, cho nên mới đặt giá “bèo” 370 USD/tấn (FOB), trong khi ba nhà thầu khác đặt giá cao hơn 35 USD/tấn, mà gạo chắc chắn đều có chung xuất xứ “Made in Thailand”.

Như vậy, đây đã là lần thứ hai, chúng ta thất bại trong cuộc đua giá với gạo Thái Lan. Trước đó, vào nửa cuối năm 2011, khi chính sách thế chấp lúa gạo của Chính phủ vừa bị lật đổ mới trong giai đoạn chuẩn bị, chúng ta đã vô cớ liên tục tăng mạnh giá xuất khẩu cao hơn cả của Thái Lan và cao hơn của Ấn Độ cả trăm USD/tấn, khiến khách hàng đồng loạt quay lưng, dẫn đến tồn kho cả triệu tấn gạo, phải chờ đại hạ giá trong năm 2012 mới đẩy được ra thị trường thế giới.

Còn ở thời điểm hiện tại, có ý kiến cho rằng, trong khi Biển Đông đang “dậy sóng”, chỉ riêng xuất khẩu chính ngạch đã có 44,4% lượng gạo của chúng ta đổ vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là thị trường tiểu ngạch cũng vẫn rất “hút hàng”, chúng ta đang “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.

Cho dù vậy, có lẽ đây là điều không quá đáng ngại, bởi có nhiều động thái cho thấy thị trường gạo thế giới có thể chuyển hướng.

Thứ nhất, sau một thời gian khá dài phản bác, gần đây, cơ quan dự báo thời tiết Ấn Độ đã đổi ý, đồng tình với khả năng El’ Nino có thể quay lại châu Á. Nếu điều đó xảy ra, không chỉ sản xuất lúa gạo, mà nông nghiệp nói chung của “người khổng lồ” Nam Á này đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng.

Thứ hai, ngay trước thời điểm bị lật đổ, Chính phủ tạm quyền của Thái Lan cũng đã tuyên bố ngừng việc bán gạo dự trữ với giá rẻ, còn chính quyền quân đội hiện nay không chỉ tái khẳng định quan điểm này, mà còn mạnh tay hủy cuộc bán đấu giá công khai 433.000 tấn gạo hồi giữa tháng 5 vừa qua. Bên cạnh đó, những thông tin từ Thái Lan cho biết, vụ lúa thứ hai đang sắp cho thu hoạch đã bị ảnh hưởng của hạn hán, cho nên vụ lúa chính đã bắt đầu bước vào giai đoạn gieo trồng nhiều khả năng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong điều kiện như vậy, với việc giá chào xuất khẩu gạo đã hai lần tăng trong hai tuần lễ qua, rất có thể giá gạo xuất khẩu của nước này đã “thoát đáy” và sẽ tiếp tục nhích lên trong những tháng tới.

Thứ ba, trước những động thái như vậy ở phía cung, thay vì ngồi chờ, các quốc gia nhập khẩu gạo sẽ nhanh chóng thúc đẩy tăng tốc nhập khẩu trở lại. Đây sẽ là yếu tố quyết định xu thế giá gạo nhích lên trong những tháng tới.

Thứ tư, sau 4 tháng đầu năm giãn tiến độ, có nhiều khả năng tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã bắt đầu tăng tốc nhập khẩu trở lại và khả năng này sẽ còn tiếp tục trong những tháng tới. Do vậy, nếu có ngừng nhập khẩu gạo của Việt Nam, thì thời điểm có thể là tháng 9, hoặc cũng có thể sớm hơn một tháng, khi vụ lúa chính của nước này bắt đầu cho thu hoạch. Trong điều kiện nguồn cung trên thị trường thế giới có thể eo hẹp hơn, các quốc gia nhập khẩu đều đã trở lại thị trường, việc tìm đầu ra cho hạt gạo của nước ta có lẽ sẽ không quá khó, thậm chí còn có thể bán được giá cao hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư