Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xuất khẩu gạo tăng cả lượng lẫn giá
Thế Hoàng - 05/11/2017 14:02
 
Nhờ giá xuất khẩu tiếp đà đi lên và có thêm các hợp đồng mới, xuất khẩu gạo cả năm 2017 dự báo có thể đạt 5,7 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD so với 4,9 triệu tấn và 2,2 tỷ USD của năm 2016.
TIN LIÊN QUAN

Bốn thị trường trọng điểm

Theo thống kê của hải quan, trong 10 tháng qua, sản lượng gạo xuất khẩu cả nước đã đạt 5,05 triệu tấn, trị giá 2,25 tỷ USD, tăng 22,3% về khối lượng và tăng 21,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.

So với mục tiêu thu ngoại tệ từ xuất khẩu hạt gạo là 2,3 tỷ USD, tăng 100 triệu USD so với năm 2016, xuất khẩu gạo năm 2017 được dự báo sẽ vượt kế hoạch và về đích với 5,7 triệu tấn và trị giá 2,4 tỷ USD.

.
.

Đánh giá về đường đi của hạt gạo Việt, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, trong 2 tháng cuối năm, chỉ cần đạt 650.000 tấn là hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 5,7 triệu tấn. Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA cho hay, nhìn vào số lượng hợp đồng mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước ký bán cho đối tác từ nay đến hết năm, mọi chuyện là trong tầm tay.

Việc tăng xuất khẩu gạo là nhờ tăng trưởng tại hàng loạt  thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Hiện thị trường Trung Quốc chủ yếu mua gạo nếp, gạo trắng, gạo thơm và tấm; thị trường Bangladesh mua gạo 5% tấm, thị trường Philippines mua gạo 25% tấm.

Cụ thể, với thị trường Malaysia, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký được hợp đồng tập trung với tổng khối lượng 150.000 tấn; với Bangladesh có hợp đồng tập trung 250.000 tấn; với Philippines, 4 doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 175.000 tấn gạo.

Điều đáng mừng khác là giá xuất khẩu của gạo Việt đã được cải thiện. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong kỳ từ ngày 26/9 đến ngày 11/10/2017, giá xuất khẩu các mặt hàng gạo chính đều tăng.

Cụ thể, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng gạo trắng đạt 429,4 USD/tấn, tăng 1,9%; gạo nếp giá trung bình đạt 437 USD/tấn, tăng 2,4%; gạo thơm giá trung bình đạt 571,3 USD/tấn, tăng 0,9% so với kỳ trước.

Nhìn sang Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chỉ trong 8 tháng năm 2017 đã xuất khẩu 7,4 triệu tấn với kim ngạch đạt 110 tỷ Baht (khoảng 3,5 tỷ USD), tăng 21,5% về lượng và tăng 13,9% về kim ngạch so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân gạo của Thái Lan trong thời gian này lại giảm 6,24% so với cùng kỳ năm 2016.

Triển vọng 2 tháng

Trước dự báo các nước nhập khẩu, đặc biệt là Philippines sẽ mua thêm gạo với số lượng lớn trong những tháng cuối năm,  xuất khẩu gạo được xem là có những hỗ trợ đáng kể. 

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, có khả năng vào tháng 11/2017, Cơ quan Lương thực Philippines (NFA) sẽ mở thầu nhập khẩu khoảng 250.000 tấn, nhưng rất có thể Chính phủ Philippines sẽ nâng khối lượng thầu lần này lên 500.000 tấn và điều kiện mở thầu rộng rãi hơn trước. Mặt khác, lượng gạo thấp nhất cho 1 gói thầu trước đây là 25.000 tấn/gói có thể sẽ được quy định xuống chỉ còn 10.000 tấn/gói để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, có lợi cho Philippines.

Ngoài ra, thị trường lớn nhất của gạo Việt là Trung Quốc vẫn  đang có xu hướng tăng.

Số liệu từ Trung tâm Thông tin Hải quan Trung Quốc cho hay, Việt Nam là thị trường cung cấp gạo lớn nhất cho Trung Quốc, với thị phần tăng tăng từ 47,3% của 8 tháng năm 2016 lên 56,7% trong 8 tháng đầu năm nay. 

Theo đó, lượng gạo Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017 đạt 1,5 triệu tấn, trị giá 685,8 triệu USD; tăng 37,2% về lượng và tăng 36% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. “Nhìn chung, nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục ở mức cao, do giá gạo nội địa cao trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng và đó là cơ hội cho gạo Việt”, theo ông Hải.

Là doanh nghiệp có nhiều năm xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex (Intimex Group) cho hay, tính đến thời điểm này Trung Quốc vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam, chiếm đến 38% tổng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ gạo của Trung Quốc rất lớn, nhưng họ luôn chủ trương bảo hộ sản xuất nội địa, nên kiểm soát hoạt động nhập khẩu rất nghiêm ngặt nhất là trong việc cấp quota nhập khẩu gạo

“Trước đây, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bằng cả đường tiểu ngạch và chính ngạch, nhưng 2 năm qua, xuất khẩu gạo sang thị trường này hầu như chỉ theo đường chính ngạch. Vì vậy, vấn đề đặt ra là tính ổn định của xuất khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - Trung Quốc”, đại diện Intimex Group lưu ý.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư