Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu giảm nhưng xuất siêu vẫn đạt 6,35 tỷ USD
Hà Nguyễn - 29/04/2023 11:32
 
Kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Cả xuất, nhập khẩu đều giảm nhưng xuất siêu ước tính đạt 6,35 tỷ USD.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn. Một trong những chỉ số quan trọng là xuất nhập khẩu hàng hóa cũng vẫn đang xu hướng sụt giảm.

Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng Tư ước chỉ đạt 53,57 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 11,8%; nhập khẩu giảm 15,4%.

Bốn tháng năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tới 243,9 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 123,1 tỷ USD, tăng 17,1%; còn nhập khẩu đạt 120,8 tỷ USD, tăng 16,1%.

Nhu cầu của thị trường thế giới sụt giảm đã ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam

Sự sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu này, theo Tổng cục Thống kê, chủ yếu do kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng giảm. Điều này ảnh hưởng đến cả sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng, con số là 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 28,58 tỷ USD, giảm 11%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,99 tỷ USD, giảm 12,1%, chiếm 73,7%.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng, con số là 102,22 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 36,62 tỷ USD, giảm 11,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,6 tỷ USD, giảm 17,4%.

Trong 4 tháng đầu năm 2023 ,có 19 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 75,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,1%).

Do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu, nên Việt Nam tiếp tục có thặng dư thương mại. Trong đó, riêng tháng Tư, ước tính xuất siêu 1,51 tỷ USD.

Còn nếu tính chung 4 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD - PV). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,39 tỷ USD.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong 4 tháng qua, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 28,4 tỷ USD. Ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 33,3 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ ước 24,4 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 9,3 tỷ USD, giảm 12,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 367 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 589 triệu USD).

Ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc 16,8 tỷ USD, giảm 18,1%; nhập siêu từ Hàn Quốc 8,9 tỷ USD, giảm 36,9%; nhập siêu từ ASEAN 2,3 tỷ USD, giảm 53%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư