Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Nếu không có giải pháp tháo gỡ, khó đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2023
Thế Hải - 25/04/2023 18:40
 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nếu không kịp thời tìm giải pháp để tháo gỡ, khó đạt được mục tiêu xuất khẩu cho năm 2023 và cho cả chu kỳ 5 - 10 năm tiếp theo.
Phó chủ tịch Vitas, ông Trần Như Tùng kiến nghị gói vay ưu đãi để DN dệt may trả lương cho người lao động.
Phó chủ tịch Vitas, ông Trần Như Tùng kiến nghị gói vay ưu đãi 0% để DN dệt may trả lương cho người lao động.

Hàng loạt kiến nghị từ các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu lớn gửi tới Chính phủ và các Bộ ngành tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” do Bộ Công thương tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, sáng 25/4.

Việc đề xuất các giải pháp gỡ khó của các ngành hàng trong bối cảnh sản xuất suy giảm vì thiếu đơn hàng, xuất khẩu quý I giảm mạnh, các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay, thiếu vốn mua nguyên phụ liệu, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng...đe dọa tới thực hiện mục tiêu xuất khẩu trong năm 2023.

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), kim ngạch xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2023 đều ghi nhận giảm so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 74,5 tỷ USD, giảm 15,4%.

Xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp FDI.

Các thị trường chủ lực đều giảm mua hàng từ Việt Nam, Thể hiện rõ khi kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ đạt 24,6 tỷ USD, giảm 19,4%; sang châu Âu đạt 12,4 tỷ USD, giảm 9,7%,  châu Phi giảm 11,2%, châu Đại Dương giảm 3,7%. Xuất khẩu sang thị trường châu Á đạt 38,7 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ.

Đối với xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp đạt 67,8 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ; nhóm nông, thủy sản đạt 6,8 tỷ USD, giảm 7,8%; nhóm nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,03 tỷ USD, giảm 1,6%.

Đáng lưu ý, trong quý I/2023, một số ngành hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu giảm như ngành hàng điện tử, máy tính: Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, giảm 12,2%; điện tử, máy vi tính và linh kiện đạt 12 tỷ USD, giảm 9,3%. Xuất khẩu hàng may mặc đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,7%; xơ sợi dệt đạt 941 triệu USD, giảm 35%...

Nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu.

Những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU,.. như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản là những ngành sụt giảm nhiều nhất; trong khi đó các ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là châu Á như cao su, gạo, rau quả, hạt điều,... ít chịu tác động hơn.

Chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro. Chi phí nhân công, bao bì, vận chuyển,... cũng tăng cao

Theo Bộ Công thương, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá, dù nỗ lực rất cao nhưng tăng trưởng GDP quý đầu năm chỉ đạt 3,32%. Nhiều địa phương được xem là đầu tàu, là động lực của nền kinh tế đất nước lại có mức độ tăng trưởng thấp như TP. Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,7%. Như vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước cũng như nhiều địa phương trong cả nước thấp hơn so với kế hoạch và thấp xa so với cùng kỳ năm trước.

Với mức tăng trưởng thấp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lo ngại: Nếu không kịp thời tìm những giải pháp để tháo gỡ thì khó có thể đạt được mục tiêu cho năm nay và cho cả chu kỳ 5 năm, 10 năm tiếp theo”.

Năm ngoái, xuất khẩu cả nước đạt trên 371 tỷ USD, tăng 10,5% so với 2021, mục tiêu xuất khẩu mà ngành Công thương đặt ra cho cả năm nay ở mức 6%. Mức tăng trưởng này ngày càng xa hơn bởi tình hình thị trường không thuận lợi.

Đóng góp 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022, tăng trưởng vươt mục tiêu 1 tỷ USD, nhưng ngành thủy sản đã không còn giữ được "phong độ". Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp thủy sản cần chính sách hỗ trợ về lãi suất, nguồn vốn tín dụng cho thu mua nguyên liệu xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep): "Quý I/2023, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5%, tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nặng nhất".

Nhiều doanh nghiệp thủy sản dù đã ký hợp đồng nhưng khách hàng lại dời lại, khiến lượng hàng tồn kho nhiều. Việc xuất khẩu giảm khiến dòng tiền chậm về. Cùng với đó, nguồn vốn tín dụng hạn hẹp khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu không có nguồn vốn để mua nguyên liệu, không mua nguyên liệu đúng giá cho nông, ngư dân.

Điều này khiến nông, ngư dân hạn chế sản xuất. Việc dòng tiền chậm về trong khi rất nhiều nguồn vay ngân hàng đến hạn phải trả, doanh nghiệp không có tiền thu mua nguyên liệu. “Các ngành xuất khẩu chủ yếu vay USD, trước đây lã suất vay USD lãi dưới 3%, khoảng 2,1-2,3% thì giờ đã lên đến trên 4%”, ông Nam nói.

Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh. 

Vasep kiến nghị cần giảm lãi suất vay USD để dòng tiền không bị nghẽn. Vì nguồn tiền không có song doanh nghiệp vẫn phải duy trì thu mua nguyên liệu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, kích thích tâm lý, để nông ngư dân duy trì việc sản xuất.

Ông Nam khẳng định, dù đây chỉ là giải pháp mang tính giai đoạn nhưng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Ngành gạo là điểm sáng xuất khẩu trong quý I/2023 nhưng khó khăn vẫn hiện hữu. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu đang có thuận lợi khi cầu thế giới tăng, giá gạo ở mức cao, tuy nhiên, dù đạt nhiều kết quả ấn tượng song hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp, người dân chưa tương xứng.

"Các doanh nghiệp trong ngành chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn tài chính hạn chế, khi tới mùa vụ thường thiếu vốn để thu mua lúa gạo. Do đó Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế chính sách tín dụng cho ngành gạo", ông Nam đề xuất.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước coi sản phẩm trồng trên đất là tài sản để được thế chấp, vay vốn. Ví dụ như sầu riêng, nhãn… Bởi thực tế, người dân đầu tư trồng sầu riêng, mỗi năm phải đầu tư khoảng 50 triệu/ha, nhưng không được coi là tài sản để thế chấp, rất khó cho doanh nghiệp đầu tư cho vùng nguyên liệu.

Ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho hay, là ngành hàng xuất khẩu với kim ngạch hơn vài chục tỷ USD đang đối diện sụt giảm nghiêm trọng, các thị trường lớn như Mỹ, EU đều tăng tiêu chuẩn nhập khẩu, yêu cầu cao về hàng dệt may xanh, có thể tái chế, tính bền vững cao. Do đó, ông đề xuất giảm thuế TNDN 2% cho doanh nghiêp phát triển xanh.

Đồng thời, Vitas kiến nghị có gói vay ưu lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động như: Gói vay mà ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện trong giai đoạn Covid-19 để giúp doanh nghiệp phần nào giảm áp lực tài chính để trả lương cho người lao động.

Nửa đầu tháng 4, xuất khẩu tiếp tục ảm đạm, nhiều mặt hàng chủ lực tăng trưởng âm
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nửa đầu tháng 4/2023 tiếp tục ảm đạm, đạt 13,23 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ, với 34/35 mặt hàng xuất khẩu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư