Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu giảm, Việt Nam chi gần 1,3 tỷ USD nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc, Thái Lan
Thùy Liên - 04/09/2019 10:06
 
Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam giảm 5,8%, chỉ đạt 2,53 tỷ USD nhưng nhập khẩu rau quả lại tăng 11.5% với 1,28 tỷ USD, chủ yếu nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc và Thái Lan.
Nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc tăng mạnh trong khi xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn
Nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc tăng mạnh trong khi xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tháng 8/2019, cả nước xuất khẩu 246 triệu USD rau quả, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,53 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 với 70,5% thị phần, với giá trị xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Những thị trường nhập khẩu lớn tiếp theo của rau quả Việt Nam là: Mỹ với 3,6% thị phần (84,07 triệu USD, tăng 12,5%), Hàn Quốc với 3,3% thị phần (76,91 triệu USD, tăng 13,1%), Nhật Bản với 3,1% thị phần (71,07 triệu USD, tăng 7,4%), …

Các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Lào (gấp 2,84 lần), Hồng Kông (gấp 2,37 lần), Đài Loan (44%), Hà Lan (tăng 37,9%), Úc (tăng 33,9%) và Nhật Bản (tăng 25,9%).

Trong khi xuất khẩu rau quả giảm (chủ yếu từ thị trường Trung Quốc), thì nhập khẩu rau quả của Việt Nam lại tăng mạnh.  Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 8/2019 đạt 134 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2019 đạt 1,28 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 348 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ 2018 và mặt hàng quả đạt 880 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018. Thái Lan và Trung Quốc là hai thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 chiếm thị phần lần lượt là 36,2% (421,81 triệu USD) và 23,5% (273,43 triệu USD).  

Dự báo, xuất khẩu hàng rau quả những tháng cuối năm 2019 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư. Ngoài ra, nhiều thị trường tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khắt khe như Uỷ ban châu Âu xiết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, nhiều thị trường ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm dịch thực phẩm, quy trình đóng gói và vận chuyển.

Thị trường xuất khẩu Trung Quốc bấp bênh khiến tháng 8/2019, tại tỉnh Tiền Giang, có 3 loại trái cây bị rớt giá nặng nề là dưa hấu, dừa xiêm và thanh long. Ở thời điểm này, dưa hấu chỉ ở mức hơn 6.000 đồng/kg, giảm 50% so với tháng trước; dừa xiêm từ 90.000 đồng/chục, giảm xuống còn 40.000 đồng/chục; thanh long ruột trắng giá còn 6.000 - 7.000 đồng/kg, giảm 50% so tháng trước. Với mức giá này nhà vườn không có lãi, thậm chí thua lỗ.  

Ngược lại, mùa nhãn năm nay tại nhiều tỉnh giá đều tăng cao. Tại địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thương lái thu mua loại rẻ nhất là 40.000 đồng/kg nhãn xuồng cơm trắng, 60.000 đồng/kg đối với nhãn xuồng bao công, 100.000 đồng/kg đối với nhãn xuồng cơm vàng và đặc biệt nhãn bắp cải được bán với giá 150.000 đồng/kg. Đáng lưu ý, giá nhãn năm nay cũng cao hơn năm ngoái rất nhiều, ở mức 37.000 đồng/kg (năm 2018 là 30.000 đồng/kg).

Tại thủ phủ nhãn lồng tỉnh Hưng Yên, sản lượng năm nay lại giảm mạnh chỉ còn 1/3 nên giá tăng cao, dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. Tương tự tại Tuyên Quang, do thời tiết bất lợi nên nhiều nhà vườn bị kém năng suất so với vụ trước, mức giá nhãn đạt 30.000 - 50.000 đồng/kg, cao hơn từ 20.000 - 35.000 đồng/kg so với vụ trước.

Điểm tên 33 mặt hàng nhập khẩu trên 1 tỷ USD sau 8 tháng
8 tháng 2019, đã lộ diện 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,1% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 2 mặt hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư