Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu giày dép mang về 7,1 tỷ USD sau 5 tháng
Thế Hải - 14/06/2019 10:35
 
Trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu giày dép đã tăng 20,2% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 5 tháng lên 7,1 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngành da giày tận dụng tốt lợi thế gia tăng xuất khẩu từ các FTA.
Ngành da giày tận dụng tốt lợi thế gia tăng xuất khẩu từ các FTA.

Xuất khẩu giày dép tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan trong 5 tháng đầu năm 2019.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, sau khi giảm mạnh 51,7% trong tháng 2 với kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt gần 854 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày dép đã tăng mạnh trở lại từ tháng 3 đến nay, trung bình mỗi tháng đều đạt từ 1,3 – 1,5 tỷ USD/tháng.

Cụ thể, trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 1,35 tỷ USD, tăng 53,4% so với tháng 2

Đến tháng 4, kim ngạch xuất khẩu vọt lên 1,46 tỷ USD, và tháng 5 tiếp tục tăng vọt lên gần 1,5 tỷ USD, 20,2% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 5 tháng lên 7,1 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Số liệu thống kê trong các tháng đầu năm cũng cho thấy, hầu hết các thị trường xuất khẩu giày dép của Việt Nam đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm trước trong đó, xuất khẩu tăng trưởng mạnh ở các thị trường như: Indonesia tăng 73,7%, Nga tăng 68,5%, Ba Lan tăng 71,5%, Ukraine tăng 55,4%...

Những thị trường hàng đầu về tiêu thụ giày dép của Việt Nam là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản cũng vẫn duy trì được mức tăng trưởng khả quan. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm tăng 13,5%, EU tăng trên 10,1%, Trung Quốc tăng 23,2%, Nhật Bản tăng 11,6%, so với cùng kỳ.

Theo nhận định của Hiệp hội Da - Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), ngành da giày Việt Nam vẫn duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống. Đơn cử, tại thị trường Mỹ, việc dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam.

Mặt khác, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 đang giúp ngành da giày mở rộng thị trường khu vực châu Mỹ. Trong đó, CPTPP mang lại cho ngành da giày cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng như Mexico và Canada.

Giày dép có tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo FTA đạt gần như tuyệt đối (100%)  trong năm 2018 với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam là 3,85 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2017.

Một tín hiệu nữa, ngành da giày vẫn đang thu hút đáng kể nguồn vốn FDI, quy mô ngành còn tiếp tục phình ra nhanh chóng từ hiệu ứng của nhiều FTA đi vào hiệu lực và chiến tranh thương mại.

Vừa qua, Brooks Running - công ty chuyên sản xuất giày và trang phục thể thao trực thuộc tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Mỹ Warren Buffett cho biết sẽ chuyển phần lớn hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tổng giám đốc Jim Weber của Brooks cho biết, Công ty đi đến quyết định này vào tháng 1 năm nay, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất áp thêm thuế quan 25% lên giày dép từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, ngoài mức thuế 20% đã duy trì từ nhiều năm nay.

Vị CEO cho biết thêm, khoảng 8.000 việc làm sẽ được chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam theo quyết định này.

Việt Nam hiện chiếm khoảng 55% hoạt động sản xuất giày chạy của Brooks, và Trung Quốc chiếm phần còn lại. Sản phẩm giày chạy của Brooks được tiêu thụ tại 56 quốc gia trên thế giới và chiếm phần lớn trong doanh thu hàng năm của công ty.

Brooks trở thành một phần của Berkshire vào năm 2006, khi một công ty con của Berkshire mua lại Brooks. Năm ngoái, doanh thu của Brooks tăng 26%, đạt 644 triệu USD.

Năm 2019, ngành giày dép, túi xách đặt mục tiêu xuất khẩu 22 tỷ USD.

Xua tan lo ngại về giảm sút trong xuất khẩu giày dép
Xuất khẩu của ngành hàng giày dép vẫn ghi điểm, dẫu có quan ngại trước đó về khả năng tăng trưởng chậm lại tại một số thị trường, sau...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư