Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu giày dép đón đơn hàng từ các tập đoàn lớn
Thế Hải - 29/05/2018 10:23
 
Những thương hiệu có tiếng trong ngành giày dép, như Adidas, Nike, Puma... tiếp tục chọn Việt Nam làm điểm đến cho những đơn hàng lớn.

Địa điểm đón đơn hàng lớn

Hãng sản xuất đồ thể thao nổi tiếng thế giới Adidas vừa công bố, Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất giày dép lớn nhất của Adidas trên thế giới.

“Các nhà máy ở Việt Nam hiện đang sản xuất 44% lượng giày Adidas trong năm 2017. Trong khi, lượng giày Adidas được sản xuất tại Trung Quốc, nơi từng là cứ điểm sản xuất lớn nhất của Hãng, chỉ còn 19%”, ông Kasper Rorsted, Tổng giám đốc Adidas cho biết.

.
Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất giày dép lớn nhất của Adidas trên thế giới.

Trên thực tế, sự dịch chuyển đơn hàng sản xuất của Adidas từ Trung Quốc sang các quốc gia châu Á và Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2012. Không chỉ Adidas, Nike cũng dịch chuyển đầu tư về Việt Nam từ 5 - 7 năm trước, nhằm tận dụng lợi thế chi phí nhân công hợp lý.

Mặc dù giá nhân công tại Việt Nam trong thời gian qua đã gia tăng, nhưng với kinh nghiệm nhiều năm gia công cho các hãng giày lớn, trình độ nhân công cải thiện, nên đơn hàng từ các hãng giày lớn vẫn không ngừng “chảy” về Việt Nam. 

Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn là điểm lựa chọn tốt cho nhiều tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực sản xuất. 

Ông Kasper Rorsted thông tin thêm, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam của Adidas sẽ vẫn tiếp tục. Có thể, kết thúc năm 2018 hoặc 2019, Việt Nam sẽ là nơi sản xuất hơn một nửa số lượng giầy Adidas trên thế giới.

Quyết định nói trên của Adidas cũng phản ánh xu hướng của nhiều tập đoàn đa quốc gia khác trong lĩnh vực này. Puma, hãng sản xuất đồ thể thao danh tiếng của Đức, cũng đang gia tăng tỷ trọng sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. 

Hiện có khoảng 30% sản phẩm quần áo và giầy thể thao của Puma đang được sản xuất tại Việt Nam, tương đương với tỷ trọng hàng sản xuất tại Trung Quốc. Trong tương lai gần, nếu mức thuế đánh vào sản phẩm may mặc và giầy da của Trung Quốc tại Mỹ tăng lên, Puma sẽ cân nhắc việc gửi nhiều đơn hàng sang Việt Nam hơn.

Trong khi đó, Nike cũng khẳng định, Việt Nam là địa điểm sản xuất quan trọng. Sản phẩm của Nike hiện chiếm khoảng 50% tổng lượng giày dép xuất khẩu của Việt Nam.

Trông đợi vào các FTA

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), có  nhiều lý do khiến ngành da giày Việt Nam đón thêm các “anh cả” đến đặt hàng và lập nhà máy. Ngoài yếu tố chi phí lao động, các hãng giày lớn đều kỳ vọng vào việc gia tăng xuất khẩu, do Việt Nam đã tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Hơn nữa, dù chi phí nhân công của Việt Nam tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn so với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, nên cơ hội để các thương hiệu mạnh quan tâm tới thị trường Việt vẫn rất lớn.

Tính đến cuối năm 2017, thị trường xuất khẩu sản phẩm giày dép của Việt Nam đã lên đến trên 100 nước, trong đó 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD.
(Nguồn: Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam)

Theo báo của của Bộ Công thương, năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu 1,02 tỷ đôi giày dép và thu về 18 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép. 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu giày dép đạt 4,5 tỷ USD, góp phần quan trọng vào mục tiêu chung của cả năm 2018 là 20 tỷ USD. 

Dù giá trị gia tăng từ xuất khẩu giày dép đem lại cho nền kinh tế chưa nhiều, do phần lớn doanh nghiệp vẫn nhận đơn hàng gia công là chính, nhưng sự dịch chuyển đơn hàng của các hãng lớn về Việt Nam đã kích thích các doanh nghiệp tăng đầu tư, mở rộng sản xuất.

Cơ hội để gia tăng xuất khẩu nhờ vào các FTA có hiệu lực là điều hiện hữu. Đơn cử, thời gian qua, Pouchen, hãng sản xuất giày dép xuất khẩu của Đài Loan, chuyên gia công cho các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, đã liên tiếp mở rộng sản xuất giày dép tại Việt Nam để tận dụng cơ hội xuất khẩu khi các FTA có hiệu lực. 

Dòng vốn của Pouchen hay một số doanh nghiệp FDI ngành da giày đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, tận dụng lợi thế xuất khẩu từ các FTA chắc chắn sẽ chưa dừng lại.

Chủ tịch Lefaso Nguyễn Đức Thuấn: 20 tỷ USD xuất khẩu giày dép, túi xách không quá xa
Thu về lượng ngoại tệ gần 18 tỷ USD từ xuất khẩu trong năm 2017, tăng 10,7% so với năm 2016, đích ngắm của xuất khẩu da giày, túi xách trong năm 2018...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư