Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu hàng điện tử đối mặt sức mua kém
Thế Hải - 18/07/2023 10:15
 
Thị trường thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính…) toàn cầu đối mặt với sức mua kém, kéo dài từ cuối năm 2022 đến nay, đã khiến kim ngạch của hai ngành xuất khẩu top đầu Việt Nam bị “thổi bay” gần 8 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam giảm mạnh

Sụt giảm đơn hàng chưa từng thấy

Điện thoại, linh kiện và máy tính là hai ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của cả nước đã đối mặt sự sụt giảm đơn hàng chưa từng thấy từ quý IV/2022 kéo dài sang nửa đầu năm 2023. Do đó, kim ngạch mà 2 ngành này đóng góp trong nửa đầu năm mới dừng ở 49,5 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu điện thoại - linh kiện đạt 24,3 tỷ USD, giảm 17,9%; máy tính, sản phẩm điện tử đạt 25,2 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ.

Cùng kỳ năm ngoái, hai ngành này mang về kim ngạch xuất khẩu 57,4 tỷ USD. Như vậy, mới qua 6 tháng, nhưng trị giá ngoại tệ thu về đã hụt tới 7,9 tỷ USD - một con số không hề nhỏ.

Với biên độ giảm xuất khẩu lớn hơn, điện thoại đã bị “qua mặt” kể từ cuối tháng 5/2023, nhường ngôi vị top 1 cho máy tính, khi kim ngạch xuất khẩu điện thoại kém 1 tỷ USD so với máy tính.

Nhu cầu giảm mạnh tại nhiều thị trường lớn vì suy thoái kinh tế đã tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của ngành sản xuất điện thoại, linh kiện tại Việt Nam.

Hoạt động xuất khẩu điện thoại, máy tính tăng chậm lại đã bộc lộ rõ hơn vào những tháng cuối năm 2022, khi đơn hàng xuất khẩu bị tác động từ suy giảm kinh tế và lạm phát tại nhiều thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… Riêng tháng 12/2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 3,1 tỷ USD, giảm 31,4% so với tháng trước đó.

Tính trong cả năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại đã có tốc độ tăng chậm hẳn so với năm 2021. Thấy rõ nhất là xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 57,99 tỷ USD, chỉ tăng 0,81% so với năm 2021. Máy tính, linh kiện đỡ hơn, mang về 55,53 tỷ USD, tăng 9,3%.

Sau hơn 2 năm thương mại bùng nổ, giai đoạn “chững lại” đã đến với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam kể từ quý IV/2022.

Báo cáo Xuất nhập khẩu 2022 của Bộ Công thương chỉ ra rằng, nhu cầu giảm mạnh tại nhiều thị trường lớn, bởi suy thoái kinh tế đã tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của ngành sản xuất điện thoại, linh kiện tại Việt Nam.

Rõ nhất là tác động đến việc hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu của Samsung - nhà sản xuất, xuất khẩu điện thoại lớn nhất của Việt Nam trong năm qua. Xuất khẩu của tập đoàn này năm 2022 chỉ đạt 94% kế hoạch. Còn 3 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của Apple giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 94,8 tỷ USD.

Cơ hội phục hồi ở mức nào

Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, thị trường điện thoại toàn cầu vẫn chịu áp lực suy thoái, nhu cầu chỉ có thể khởi sắc hơn vào những tháng cuối năm.

Thậm chí, các kênh, đối tác chuỗi cung ứng và các công ty sản xuất linh kiện gốc (OEM) đều chung dự báo rằng, sự phục hồi diễn ra vào năm sau, còn tình hình các tháng cuối năm 2023 vẫn chưa thật khởi sắc.

Yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường thiết bị điện tử là tình hình lạm phát cũng như những bất ổn liên quan đến kinh tế chưa biết bao giờ mới chấm dứt, điều đó khiến người dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu hơn.

Gartner - công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ của Mỹ cho biết, các lô hàng điện thoại di động xuất xưởng trong năm 2023 dự kiến sụt giảm khoảng 4%, xuống còn 1,34 tỷ thiết bị, giảm đáng kể so với mức 1,4 tỷ thiết bị xuất xưởng năm 2022 và 1,43 tỷ thiết bị của năm 2021.

Sự suy giảm của thị trường điện tử trong năm 2023 nằm trong dự đoán của toàn ngành. Mặc dù các nhà cung cấp đã giảm giá và khuyến mãi rầm rộ, nhưng nhu cầu của người tiêu dùng vẫn chậm chạp, diễn ra ở mọi phân khúc.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, hơn ai hết, hy vọng kinh tế toàn cầu ổn định, nhu cầu tiêu dùng tăng lên, sức mua được cải thiện, từ đó phục hồi sản xuất, đón nhận nhiều hơn đơn hàng xuất khẩu.

Kịch bản khả quan nhất được một số hãng chia sẻ là tình hình thị trường cải thiện vào tháng 11, 12 năm 2023, khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm kích thích mua sắm và thị trường có thể được hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén, nhưng sẽ chưa thể bật tăng mạnh mẽ như thời điểm 2021-2022.

Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định: “Lạm phát vẫn ở mức cao trong những tháng tới, kinh tế thế giới hồi phục chậm, tiếp tục có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu, mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ, nhất là tại một số thị trường tiêu thụ lớn các mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử như Mỹ, EU”.

Do đó, dự liệu có tăng trưởng dương trong năm 2023 đối với ngành điện tử là thực sự khó.

Đóng góp cho toàn nền kinh tế gần 113,5 tỷ USD trong năm 2022, tăng trưởng của ngành điện tử có tác động lớn tới hoạt động xuất khẩu cả nước. Trong đó, khối FDI xuất khẩu 112,4 tỷ USD, doanh nghiệp trong nước xuất khẩu 1,1 tỷ USD.

Những năm qua, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology,LG Display Hải Phòng…

Các sản phẩm máy vi tính và linh kiện điện tử ngày càng đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Khu vực FDI đã đưa ngành điện tử Việt Nam vượt mốc xuất khẩu trên 110 tỷ USD/năm.

Nguồn: Bộ Công thương
Doanh nghiệp FDI nắm 95% kim ngạch xuất khẩu điện tử
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN, nhưng có đến khoảng 95% giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư