Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt gần 50 tỷ USD
Thế Hải - 10/11/2023 11:32
 
Thương mại hàng hóa với thị trường Trung Quốc tiếp tục khởi sắc, từ đó đưa kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này đạt gần 50 tỷ USD sau 10 tháng năm 2023.
Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu tỷ USD sang Trung Quốc.
Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu tỷ USD sang Trung Quốc.

Với mức thực hiện này, Trung Quốc là thị trường lớn hiếm hoi đạt mức tăng trưởng dương trong 10 tháng của năm 2023.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 10 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 49,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng 2,3 tỷ USD. Việt Nam nhập hàng hóa nguyên liệu từ Trung Quốc đạt 89,74 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều sau 10 tháng đạt 139,3 tỷ USD.

"Việt Nam đã thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đây là thị trường xuất khẩu duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (tăng 5%)", Báo cáo của Bộ Công thương đánh giá.

Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu  (số liệu 9 tháng) 3 là nhóm mặt hàng hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 10,8 tỷ USD, chiếm 25,4% tỷ trọng xuất khẩu; tiếp đến là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 9,9 tỷ USD, tăng 12,1% chiếm 23,3% tỷ trọng xuất khẩu.

Những nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước, gồm: Hàng rau quả tăng 160,3%; gạo tăng 55,2%; hạt điều tăng 42,3%; giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 76,8%; xăng dầu tăng 24,2%; than các loại tăng 160,8%.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực của nhiều ngành hàng xuất khẩu của nước ta. Vì vậy, việc nước Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại từ đầu năm 2023 đã mang lại kỳ vọng lớn cho các doanh nghiệp, ngành hàng, nhất là rau quả, thủy sản, xơ sợi, xi măng, cao su, thép, dệt may, gạo…

Phân tích một số mặt hàng triển vọng, Bộ Công thương cho biết, máy vi tính, điện thoại, linh kiện, dự báo nhu cầu của thị trường Trung Quốc có thể hồi phục, vì vậy xuất khẩu dự kiến tăng trưởng khả quan. Đối với hàng thủy sản, cá da trơn chiếm tỷ trọng trên 25% lượng thủy sản sang Trung Quốc.

Riêng nhóm rau quả và gạo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong 2 tháng còn lại nhờ nhu cầu thị trường này tăng mạnh dịp cuối năm. Ước tính, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt gần 4 tỷ USD trong năm nay.

Mới nhất, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cùng 19 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện chương trình xúc tiến thương mại gạo tại Trung Quốc, thúc đẩy xuất khẩu gạo bền vững sang thị trường này.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47%,  trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%, nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD, tăng 6,63%, nhập siêu của Việt Nam 60,17 tỷ USD.

Còn theo số liệu của Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 87,9 tỷ USD, giảm 4,7%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 146,9 tỷ USD, tăng 6,8%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư