Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu năm 2022: “Gọi tên” nhà cung ứng Việt Nam
Thế Hải - 05/01/2022 10:20
 
Điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, sắt thép, nông sản… được cung ứng từ Việt Nam sẽ tiếp tục lên ngôi trong năm 2022 nhờ sản xuất hồi phục...

“Điểm danh” các ngành hàng chủ lực

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, trong đó, xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, mốc kỷ lục đánh dấu thành quả từ quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước.

Triển vọng tích cực từ quá trình phục hồi thương mại toàn cầu năm 2021 sẽ là tiền đề để năm 2022, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, khẳng định vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

GDP toàn cầu ước tính tăng 5,7% trong năm 2021 và dự báo đạt mức 4,5% vào năm 2022. Sự phục hồi mạnh mẽ ở châu Âu, các gói hỗ trợ tài chính bổ sung ở Mỹ, nhu cầu tiêu dùng, đầu tư trên thị trường thế giới đều tăng lên, dần thay thế tâm lý chi tiêu tiết kiệm trong thời đại dịch… sẽ kích thích sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, những ngành hàng có dư địa tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 của Việt Nam gồm điện tử, máy vi tính, máy móc - thiết bị, dệt may, giày dép, sắt thép, nông - thủy sản…

“Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chảy mạnh vào các ngành sản xuất này, cộng với nguồn vốn trong nước, tạo nên khả năng cung ứng lớn mạnh trong chuỗi sản xuất toàn cầu, ‘tên tuổi’ Việt Nam đã được định vị và ngày càng có uy tín cao”, ông Andrew Jeffries nói.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu tham vọng năm 2022, không thể không nhắc tới 8 ngành hàng đã đạt quy mô xuất khẩu trên 10 tỷ USD trong năm 2021, mang về khoảng 235 tỷ USD/336,25 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong đó, dẫn đầu là điện thoại và linh kiện, đạt 57,5 tỷ USD, tăng hơn 6,3 tỷ USD so với mức thực hiện 51,18 tỷ USD của năm 2020, tương ứng tăng 12,4%. Tiếp theo là mặt hàng máy tính với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 51 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2020.

Năm 2022, ngành điện tử, trong đó có điện thoại, máy tính, được dự báo tiếp tục có dư địa tăng trưởng mạnh mẽ, do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc cũng như phương tiện làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội vì Covid-19 vẫn rất lớn. Việt Nam sẽ tận dụng được thời cơ để tăng tốc xuất khẩu nhóm hàng này.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao từ sau năm 2008, sau khi các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel, Canon… đưa các nhà máy sản xuất tại Việt Nam vào hoạt động và trở thành nhà cung ứng lớn trên toàn cầu.

Riêng Tập đoàn Samsung, sau 24 năm đầu tư đã rót 17,74 tỷ USD vào Việt Nam với 8 nhà máy sản xuất, nghiên cứu. Tính riêng 10 tháng của năm 2021, Samsung đạt doanh thu 60,5 tỷ USD, gần 89% trong số này là doanh thu từ xuất khẩu.

15 FTA với những cam kết ở mức độ cao trong tất cả các lĩnh vực, kể cả truyền thống và phi truyền thống sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu. Theo đó, xuất khẩu sẽ đón nhiều cơ hội lớn.

- Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh

Một nhóm hàng khác trong danh sách xuất khẩu trên 10 tỷ USD là máy móc, thiết bị phụ tùng cũng đạt kỷ lục tăng trưởng thần tốc 41% trong năm 2021, thu về hơn 38,3 tỷ USD.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phân tích, tăng trưởng của nhóm hàng điện thoại và linh kiện, máy tính; máy móc thiết bị, phụ tùng… có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước, bởi đó đều là những mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

“Những nhóm hàng này tiếp tục là chủ lực trong xuất khẩu, cùng với đầu tư, tiêu dùng để duy trì ‘cỗ xe tam mã’, động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và các năm tới”, ông Hải nhấn mạnh.

“Được mùa” xuất khẩu do nguồn cầu và giá tăng mạnh, sắt thép là nhóm hàng mới gia nhập “câu lạc bộ” ngành hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD và dự báo sẽ duy trì “phong độ” trong năm 2022 nhờ lợi thế về khả năng cung ứng, với các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim… sở hữu năng lực cung ứng lớn, bao gồm nhiều chủng loại hàng.

Đóng góp gần 11 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2021, nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng được dự báo có thể tiến xa, tiến nhanh trong năm 2022.

Trong khi đó, ngành dệt may (may mặc, vải, xơ sợi) đặt kỳ vọng rất lớn vào năm 2022, với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 43,5 tỷ USD (theo kịch bản cao). Mục tiêu này được đánh giá là khả thi, bởi các nhà mua hàng, các nhãn hàng toàn cầu vẫn tiếp tục chọn Việt Nam là địa điểm cung ứng.

Chia sẻ tin vui về đơn hàng, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết: “Tháng 6/2021, trong thời điểm khó khăn nhất của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp thành viên của Vinatex là Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân đã được tham gia vào chuỗi cung ứng hàng dệt kim cho một tập đoàn toàn cầu. Năng lực cung ứng trong năm đầu tiên là 200 tấn/tháng, sang năm 2022 sẽ tăng lên 400 tấn/tháng và đến năm 2025 sẽ đạt 1.000 - 1.500 tấn/tháng”.

Để có đủ khả năng cung ứng lượng hàng dệt kim lớn cho đối tác theo hợp đồng, Tập đoàn đang tiến hành đầu tư 2 trung tâm sản xuất vải dệt kim tại Nghệ An và Khánh Hòa, quy mô 25 - 30 ha, có hệ thống xử lý nước thải đồng bộ, đầy đủ để mảng sản xuất hàng dệt kim đủ khả năng đáp ứng các đơn hàng. Dự án tại Nghệ An đã cơ bản định vị xong vị trí, đang hoàn tất các thủ tục để triển khai đầu tư trong 2022.

Mạng lưới FTA - bệ phóng cho xuất khẩu

Hệ thống 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, mới nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào thực thi từ ngày 1/1/2022, đang hỗ trợ đắc lực cho hoạt động thương mại của Việt Nam với nhiều thị trường lớn.

Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt, kết hợp với sự có mặt của các doanh nghiệp FDI và “bệ phóng” các FTA đã giúp hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển rất mạnh, kim ngạch xuất khẩu liên tục gia tăng, thị trường liên tục được mở rộng.

Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Quốc Khánh phân tích, 15 FTA, trong đó có các FTA có quy mô lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với những cam kết ở mức độ cao trong tất cả các lĩnh vực, kể cả truyền thống và phi truyền thống sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu. Theo đó, xuất khẩu sẽ đón nhiều cơ hội lớn.

“Tác động của các FTA không chỉ ở mở rộng thị trường, kích thích tăng trưởng xuất nhập khẩu, mà còn ở khía cạnh thu hút dòng vốn FDI. Các ngành hàng lớn như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép… có sức hấp dẫn lớn với doanh nghiệp FDI, giúp mở rộng quy mô sản xuất, tăng lực cho xuất khẩu”, ông Khánh nói.

Khảo sát trong năm 2021 của Qima - nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng cũng chỉ rõ, Việt Nam tiếp tục được các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu lựa chọn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong 12 tháng tới.

Theo kết quả cuộc khảo sát, 1/4 doanh nghiệp được hỏi trên toàn cầu đã coi Việt Nam là một trong 3 thị trường cung ứng hàng đầu. Trong đó, tỷ lệ các doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ coi Việt Nam là một trong 3 khu vực cung ứng hàng đầu đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua, đạt 43% trong đầu năm 2021.

Bên cạnh đó, 25% doanh nghiệp có trụ sở tại châu Âu trong cuộc khảo sát này cũng đã bình chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia cung ứng hàng đầu của họ nhờ “cú hích” EVFTA.

Có thể thấy, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có khá nhiều thuận lợi trong năm 2022 nhờ nhu cầu tiêu dùng hồi phục nhanh tại nhiều thị trường lớn. Dù vậy, các doanh nghiệp cũng phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, đó là chi phí vận chuyển tăng cao, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện thêm biến chủng mới, tình trạng thiếu hụt lao động… Nhưng, kinh nghiệm ứng biến linh hoạt trong suốt 2 năm qua dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 sẽ giúp các doanh nghiệp bình tĩnh ứng phó trong từng tình huống cụ thể, hoàn thành những mục tiêu đề ra ở mức cao nhất.

Xuất nhập khẩu 2021 và cú “quay xe” thần tốc
Bất chấp dịch Covid-19 hoành hành khiến đứt gãy chuỗi sản xuất và tiêu thụ, xuất nhập khẩu năm 2021 vẫn ghi dấu ấn với con số kỷ lục 668,5...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư