Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu quý IV được tiếp sức
Thế Hải - 06/10/2020 14:31
 
Hoạt động xuất khẩu quý IV được tiếp sức bởi kết quả xuất siêu trong 9 tháng và lượng đơn đặt hàng tăng trở lại, cùng cú hích từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA.
Sau khi EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 đến nay, lượng đơn hàng xuất khẩu thủy sản sang EU tăng 10% so với tháng 7.
Sau khi EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 đến nay, lượng đơn hàng xuất khẩu thủy sản sang EU tăng 10% so với tháng 7.

Đơn hàng xuất khẩu phục hồi

Con số kỷ lục về xuất siêu trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2020, cộng với những đơn hàng xuất khẩu vẫn đang được doanh nghiệp xuất đều đặn sang các thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc, EU… là tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu trong quý IV.

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, càng củng cố thêm động lực cho các doanh nghiệp.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) phân tích, sở dĩ thương mại của Việt Nam không bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều từ dịch bệnh vì hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đều là những sản phẩm thiết yếu, nên nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường vẫn tăng tương đối, đặc biệt ở một số khu vực thị trường mới.

Từ đó, ông Thắng nhận định, cơ hội phục hồi vẫn đang mở ra cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý IV/2020. Kết quả nghiên cứu gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cũng cho thấy, khả năng phục hồi của thương mại hàng hóa tại các thị trường lớn khá triển vọng, khi hầu hết sản phẩm liên quan trực tiếp đến đời sống, tiêu dùng cá nhân phục hồi tương đối nhanh, trong khi thương mại dịch vụ phục hồi rất chậm.

Điều này cũng tương đồng với kết quả từ Báo cáo Xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý III, dự báo quý IV/2020 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố.

Theo báo cáo này, lượng đơn đặt hàng của doanh nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2020 được dự báo khả quan hơn so với quý III; 82,3% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định, chỉ có 17,7% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm. Về đơn đặt hàng xuất khẩu, 79,6% doanh nghiệp cho biết, lượng đơn hàng xuất khẩu mới trong quý IV/2020 tăng và ổn định, chỉ 20,4% doanh nghiệp dự báo giảm.

Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã và đang tạo ra động lực mới, là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới. Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ… vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt sẽ tạo thêm dư địa cho hoạt động xuất, nhập khẩu để hoàn thành “nhiệm vụ” năm 2020.

EVFTA là hiệp định thương mại tự do (FTA) thứ 13 mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, nên các doanh nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm, phản ứng nhanh nhạy hơn để nắm bắt các cơ hội xuất khẩu với ưu đãi thuế quan.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đánh giá, dù EVFTA còn nhiều mới mẻ với doanh nghiệp, nhưng đã có những chỉ dấu cho thấy, họ có thể bắt nhịp và tận dụng được lợi ích từ FTA này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2020, xuất khẩu hàng hóa đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 9, xuất siêu đạt 3,5 tỷ USD. Lũy kế 9 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 16,99 tỷ USD (cùng kỳ năm 2019 xuất siêu 7,27 tỷ USD).

Bộ Công thương dự báo, xuất khẩu cả năm 2020 của Việt Nam ước đạt 267 tỷ USD, tăng khoảng 1% so với năm 2019 (kế hoạch tăng 7 - 8%); nhập khẩu hàng hóa khoảng 260 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2019. Thặng dư thương mại hàng hóa khoảng 7 tỷ USD.

Để chứng minh cho nhận định trên, bà Trang dẫn số liệu kim ngạch xuất khẩu sang EU trong tháng đầu triển khai EVFTA (tháng 8/2020) đạt 3,78 tỷ USD, trong đó, tỷ lệ C/O ưu đãi theo EVFTA đạt 7,4%. Lũy kế 9 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 26 tỷ USD.

Với thủy sản, từ đầu tháng 8/2020 đến nay, lượng đơn hàng xuất khẩu mặt hàng này tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Còn với rau quả, chỉ trong tháng đầu tiên thực thi EVFTA, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU đạt khoảng 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng 7, khi chưa có EVFTA.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, từ ngày 1/8/2020, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến cắt giảm về 0%. Thuế được xóa bỏ đồng nghĩa mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam sẽ rẻ hơn so với các nước đối thủ. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với mặt hàng rau, quả của Thái Lan, Trung Quốc, khi họ chưa có FTA với EU. “Xuất khẩu rau quả sang EU từ nay đến cuối năm có thể tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019”, ông Nguyên dự báo.

Ấn tượng hơn cả trong khai thác và tận dụng EVFTA để xuất khẩu sang EU là mặt hàng gạo. Từ chỗ chỉ xuất khẩu qua trung gian, giá trị thấp, trong 2 tháng qua, nhiều doanh nghiệp Việt đã xuất gạo thẳng sang EU với giá cao hơn nhiều so với trước khi có EVFTA.

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An là một trong những doanh nghiệp Việt xuất khẩu thành công lô hàng 3.000 tấn gạo đầu tiên được ký kết với đối tác nhập khẩu từ Đức sau khi EVFTA có hiệu lực, với hai chủng loại gạo ST20 và Jasmine.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An cho biết, do được hưởng thuế suất 0%, nên giá gạo ST20 và Jasmine mà Công ty xuất đi EU trong tháng 8 cao hơn nhiều so với trước. Cụ thể, gạo ST20 được bán với giá 1.080 USD/tấn, gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn (trước đó, gạo ST20 chỉ có giá 800 USD/tấn, Jasmine giá 520 USD/tấn). Như vậy, nhờ EVFTA, giá gạo của doanh nghiệp Việt vào EU trong tháng 8 đã tăng 80 - 200 USD/tấn.

“Nếu làm tốt, giữ chất lượng hạt gạo, tuân thủ tiêu chuẩn từ các nhà nhập khẩu EU, giá bán gạo sẽ có thể tốt hơn nữa”, ông Bình nhận định.

Doanh nghiệp xi măng: Xuất khẩu nhiều, thu tiền ít
8 tháng năm 2020, xuất khẩu xi măng, clinker vẫn gia tăng mạnh về sản lượng với 23,5 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư