Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu sang Liên bang Nga có dấu hiệu phục hồi
Minh Nhung - 23/11/2016 08:08
 
Hiệp định Thương mại tự do Á - Âu giữa Việt Nam với 4 nước gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, sau 6 năm đàm phán, đã có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Trong 4 nước này, có kim ngạch thương mại hai chiều lớn nhất với Việt Nam là Liên bang Nga, các nước khác chủ yếu là một chiều (Việt Nam nhập khẩu) và có quy mô nhỏ.
TIN LIÊN QUAN

Xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga đã sớm đạt mức 1 tỷ USD từ năm 2011, sau đó tăng khá, đạt quy mô lớn nhất vào năm 2013 (hơn 1,9 tỷ USD), đứng thứ 20 trong các nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu của Việt Nam. Nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã giảm trong năm 2014 (còn hơn 1,7 tỷ USD, đứng thứ 24) và năm 2015 (còn hơn 1,4 tỷ USD, đứng thứ 24).

Bước sang năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga có dấu hiệu phục hồi, 10 tháng đã tăng 11,3% - cao hơn gấp rưỡi tốc độ tăng chung (7%). Triển vọng cả năm 2016 sẽ vượt qua mốc 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, so với quy mô dân số cao gần gấp đôi Việt Nam, so với tổng quy mô nhập khẩu của thị trường Liên bang Nga (lên đến trên dưới 450 tỷ USD)..., thì quy mô xuất khẩu của Việt Nam vào đây còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (chưa được một nửa phần trăm).

.
.

Liên bang Nga đứng thứ 16 trong các thị trường nhập khẩu của Việt Nam - thứ bậc cao hơn so với thứ bậc về xuất khẩu. Đáng lưu ý, kim ngạch nhập khẩu từ Liên bang Nga của Việt Nam trong 10 tháng năm nay tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước (tăng tới 45,7% - cao gấp 4 lần tốc độ tăng của xuất khẩu).

Trong quan hệ buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam với Liên bang Nga, Việt Nam đã chuyển từ vị thế nhập siêu lớn trước kia sang xuất siêu - năm 2015 mức xuất siêu lên đến gần 700 triệu USD. Tuy nhiên, mức xuất siêu của Việt Nam với Liên bang Nga trong 9 tháng năm nay đã giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước (346,9 triệu USD so với 528,2 triệu USD). Nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ tăng nhập khẩu từ Liên bang Nga cao gấp nhiều lần tốc độ tăng xuất khẩu sang thị trường này.

Ngoài thị trường Nga, thương mại với Belarus (chủ yếu Việt Nam nhập khẩu) năm 2005 là 23 triệu USD, năm 2010 là 85,7 triệu USD, năm 2015 là 120,1 triệu USD, 10 tháng năm nay là 445,7 triệu USD, thấp hơn cùng kỳ năm trước; Kazakhstan (chủ yếu Việt Nam nhập khẩu) 10 tháng năm nay là 30 triệu USD, tăng rất cao so với mức 6,7 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Riêng Armenia không có số liệu thương mại với Việt Nam, chắc là do con số quá nhỏ.

Theo Hiệp định Thương mại tự do Á - Âu, 2/3 dòng thuế hàng hóa xuất/nhập khẩu của 2 bên trở về 0%. Trong vòng 5-10 năm tiếp theo, những dòng thuế hàng hóa còn lại sẽ tiếp tục về 0%. Những dòng thuế hàng hóa đưa về 0% hiện chiếm 90% loại sản phẩm hàng hóa xuất/nhập khẩu của các bên.

Các mặt hàng có thế mạnh của Nga là thịt, sữa, bột mì, phân bón, dầu khí và những sản phẩm từ dầu, ô tô các loại, thép, thiết bị máy móc… Đáng lưu ý có liên minh hợp tác để đưa ô tô vào Việt Nam, trong đó có 2 dòng UAZ (U-oát) và Kmar.

Các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh là nông sản, thực phẩm, thủy sản, công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày. Theo tính toán sơ bộ, hàng dệt may, da giày, thủy sản vào thị trường Nga sẽ tăng 30-50% do thuế suất giảm từ mức 35% (thủy sản), 10-18% (dệt may, da giày) xuống còn 0%. Kỳ vọng thương mại hai chiều Việt - Nga sẽ tăng lên 8-9 tỷ USD trong vòng 5-7 năm tới… Hai bên đang đẩy nhanh triển khai hệ thống thương mại điện tử và có thể thanh toán bằng đồng tiền nội tệ của 2 nước, thay cho ngoại tệ trung gian.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư