Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu than không dễ
Thanh Hương - 28/03/2018 10:26
 
Được đồng ý cho xuất khẩu hơn 2 triệu tấn trong năm 2018, nhưng xem ra các doanh nghiệp ngành than bán được hàng cũng không dễ dàng.

Lượng xuất khẩu giảm

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt kế hoạch xuất khẩu than năm 2018 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Tổng công ty Đông Bắc như đề nghị của Bộ Công thương, đồng thời giao bộ này chỉ đạo Vinacomin tích cực tìm kiếm thị trường để xuất khẩu than cám 4b.3, 5a.3, 5b.3 trong năm 2018.

Vinacomin được cho phép xuất khẩu 2 triệu tấn than trong năm 2018.
Vinacomin được cho phép xuất khẩu 2 triệu tấn than trong năm 2018.

Vinacomin cũng được Chính phủ đồng ý cho ký hợp đồng nguyên tắc dài hạn đến năm 2025 xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao (1,2,3) trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết sang thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc… Khối lượng than xuất khẩu cụ thể, Vinacomin thực hiện theo quy định hiện hành và phù hợp với kế hoạch xuất khẩu than hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương) cho hay, khối lượng than xuất khẩu của Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc mà Bộ Công thương đề nghị cho năm 2018 là hơn 2 triệu tấn, trong đó Tổng công ty Đông Bắc chỉ có khoảng 50.000 tấn. 

Trước đó, từ cuối năm 2014, Bộ Công thương đề nghị, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ cho xuất khẩu 2,05 triệu tấn than có chất lượng cao mỗi năm, trong số này có 2 triệu tấn thuộc về đơn vị chủ lực là Vinacomin và 50.000 tấn thuộc về Tổng công ty Đông Bắc.

Đề xuất 2 triệu tấn than xuất khẩu được Bộ Công thương tính toán dựa trên nhu cầu tiêu thụ than trong nước cho điện. Theo đó, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cân bằng cung - cầu than cho các hộ tiêu thụ trong nước, với nguyên tắc ưu tiên sử dụng cho điện trước, còn lại cân đối cho các hộ khác ngoài điện thì lượng than cục, than cám chất lượng cao (cám 1, 2, 3) không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết sẽ dao động quanh mức 2,1 triệu tấn mỗi năm, từ nay tới năm 2030.

Theo Bộ Công thương, nếu sử dụng các loại than có chất lượng cao cho nhà máy nhiệt điện sẽ không tạo được giá trị gia tăng của các loại than này, dẫn tới việc sử dụng không hiệu quả tài nguyên. Trong khi đó, 1 tấn than cục, than cám chất lượng cao có giá trị xuất khẩu tương đương 1,5 đến 2 triệu tấn than cám cho sản xuất điện.

Tuy nhiên, sau đó kế hoạch xuất khẩu than lại được phê duyệt cho từng năm. Sau năm 2015 - 2016, lượng than xuất khẩu đều được phê duyệt nhỉnh hơn 2 triệu tấn, tới năm 2017, riêng Vinacomin được “đột biến” cho xuất khẩu tới 4 triệu tấn (gồm 2 triệu tấn than cục, than cám 1, 2, 3 theo TCVN 8910:2015 và 2 triệu tấn than cám 4b.3, 5a.3, 5b.3 khu vực Vàng Danh - Uông Bí theo TCVN 8910: 2015), nhưng rồi năm 2018 lại quay trở về mốc hơn 2 triệu tấn.

Đáng nói là trên thực tế, lượng than xuất khẩu của giai đoạn 2014 - 2017 chưa bao giờ chạm tới mốc 2 triệu tấn.

Cụ thể, năm 2014 đạt 1,2 triệu tấn; năm 2015 đạt 1,2 triệu tấn; năm 2016 chỉ đạt 802.000 tấn. Tới năm 2017, Vinacomin chỉ xuất khẩu được 1,5 triệu tấn. Nếu so với con số 16,979 triệu tấn than xuất khẩu năm 2011, có thể thấy những sự sụt giảm mạnh mẽ.

Thị trường xuất khẩu: không dễ

Cuối tháng 12/2017, Vinacomin đã có báo cáo về khó khăn trong xuất khẩu than sang thị trường Trung Quốc do nước này siết chất lượng các loại than nhập khẩu.

Theo đó, các loại than nhập khẩu vào Trung Quốc, trước khi pha trộn, sử dụng, phải được giám định lại chất lượng theo hàng rào tiêu chuẩn các nguyên tố vi lượng như thủy ngân, arsen, photspho, clo, flo… do Chính phủ Trung Quốc yêu cầu.

Trong khi đó, than atraxit của Vinacomin lại không đáp ứng được các yêu cầu về hàng rào tiêu chuẩn các nguyên tố vi lượng theo quy định này, khiến Vinacomin không ký được hợp đồng xuất khẩu chủng loại than cám 4b.3, 5a.3 và 5b.3 khu vực Vàng Danh - Uông Bí sang thị trường Trung Quốc trong năm 2017, dẫn tới tồn kho khoảng 2,5 triệu tấn than.

Cũng lo tình trạng dư thừa than xuất khẩu do đối tác Trung Quốc dựng hàng rào kỹ thuật, Bộ Công thương kiến nghị xuất than dài hạn sang Nhật Bản.

Nhà chức trách đánh giá, việc xuất khẩu than dài hạn sang Nhật giúp Việt Nam duy trì và khai thác nguồn tín dụng dài hạn nước ngoài, bảo lãnh cho các khoản tín dụng mà Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) xem xét cấp cho Vinacomin, cũng như có thêm nguồn ngoại tệ cho việc nhập khẩu vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất, nhập khẩu than cho phát điện.

Dẫu vậy thì thống kê hải quan giai đoạn 2014-2017 cho thấy, xuất khẩu than của Việt Nam sang Nhật Bản cũng chưa quá 1 triệu tấn/năm.

Quay trở lại với Vinacomin, trong báo cáo về kế hoạch của năm 2018 được đưa ra hồi đầu năm, ông lớn này cũng chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 1,9 triệu tấn trong tổng số 36 triệu tấn than sẽ sản xuất và tiêu thụ.

Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư