Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tỷ suất lợi nhuận của ngành than giảm mạnh
Thanh Hương - 16/05/2017 07:40
 
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp ngành than đã giảm mạnh trong giai đoạn 2011-2016.
Xuất khẩu than tại cảng Hòn Nét, Quảng Ninh.
Xuất khẩu than tại cảng Hòn Nét, Quảng Ninh.

Tỷ suất lợi nhuận chỉ hơn 1%

Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương về đánh giá tổng thể tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu, cung ứng than trên thị trường cả nước đã cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của hai doanh nghiệp lớn trong ngành than đã giảm mạnh trong 6 năm qua.

Nếu như năm 2011, mức tỷ suất này là 23,39% tại Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và 29,33% tại Tổng công ty Đông Bắc thì kết thúc năm 2016, đã tụt xuống chỉ còn 1,5% tại Vinacomin và 9,67% tại Tổng công ty Đông Bắc.

Dĩ nhiên là đi kèm với đó thì lợi nhuận của 2 ông lớn ngành than này cũng có sự biến động mạnh. Con số lợi nhuận trước thuế năm 2011 của Vinacomin là 8.663 tỷ đồng đã chỉ còn 850 tỷ đồng năm 2016. Tại Tổng công ty Đông Bắc tuy lợi nhuận trước thuế năm 2011 và 2016 đều là 302 tỷ đồng nhưng đã có lúc giảm chỉ còn 178 tỷ đồng vào năm 2013.

Cũng trong giai đoạn này, lượng than thương phẩm sản xuất của Vinacomin có sự giảm sút từ 40,33 triệu tấn của năm 2011 xuống còn 37,43 triệu tấn của năm 2016. Tại Tổng công ty Đông Bắc thì không có nhiều biến động với mức 4,16 triệu tấn và 4,56 triệu tấn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, hiện nay và những năm tới, hầu hết các mỏ than đều khai thác xuống sâu và đi xa hơn, nên mức độ nguy hiểm và rủi ro ngày càng tăng. Suất đầu tư/tấn công suất của than hầm lò từ năm 2000 là gần 50 USD/tấn đã tăng lên 150-180 USD/tấn hiện nay.

Hệ số bóc đất đá và cung độ vận chuyển đối với các mỏ khai thác lộ thiên tăng mạnh. Nếu năm 1995, hệ số bóc đất đá này là 3,41 m3/tấn thì năm 2016 đã là 10,6 m3/tấn; cung độ vận chuyển từ 1,03 km đã lên thành trên 4 km.

“Chi phí khai thác ngày càng cao dẫn đến giá thành sản xuất than ngày càng tăng, giảm sức khai thác của than sản xuất trong nước so với than nhập khẩu, tiêu thụ than sản xuất trong nước khó khăn, than tồn kho tăng cao. Điều này đã ảnh hưởng đến điều kiện ổn định sản xuất, tích lũy để đầu tư cho thăm dò, cải tạo mở rộng, nâng công suất các mỏ hiện có, đầu tư mỏ mới, nhất là khi nhu cầu than cho điện tăng nhanh sau năm 2017”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận xét.

Nhập than tăng mạnh

Năm 2016, tổng lượng than sản xuất trong nước và nhập khẩu lên tới 52,8 triệu tấn, tăng đột biến 12,3 triệu tấn so với năm 2015. Trong số này, có 40,2 triệu tấn được sản xuất trong nước và 12,6 triệu tấn được nhập khẩu. Cũng có tới hơn 33 triệu tấn than trong tổng số than tiêu thụ năm 2016 được thống kê là phục vụ cho sản xuất điện.

Với thực tế số lượng các nhà máy nhiệt điện than sẽ gia tăng, nhu cầu nhập khẩu than cho điện cũng được dự báo là còn tăng mạnh thời gian tới.

Ông Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, nhu cầu than cho sản xuất điện năm 2016 là 33,2 triệu tấn sẽ tăng lên 68,4 triệu tấn vào năm 2020 và 132 triệu tấn vào năm 2030. Theo cân đối cung cầu, lượng than nhập khẩu từ mức chưa đén 2 triệu tấn của năm 2016 sẽ tăng lên 24,4 triệu tấn vào năm 2020 và tăng mạnh lên 85,2 triệu tấn vào năm 2030.

Cũng theo dự báo của Ngân hàng Thế giới được Bộ Công thương dẫn chứng, giá bán than (theo điều kiện FOB) tại thị trường Australia giai đoạn 2016-2020 là khoảng 72 USD/tấn, giai đoạn 2021-2025 khoảng 81 USD/tấn. Nếu tính thêm chi phí vận chuyển than về Việt Nam được tính là 15 USD/tấn thì giá than nhập về Việt Nam sẽ 87 USD/tấn giai đoạn 2016-2020 và 96 USD/tấn cho giai đoạn 2021-2025.

Trong khi đó giá than sản xuất trong nước cho các hộ tiêu thụ để ngành than có lãi sau thuê, đảm bảo vốn đối ứng tối thiểu là 15% nhu cầu vốn đầu tư thì giá bán than sản xuất trong nước tối thiểu giai đoạn 2016-2020 phải là 80 USD/tấn và giai đoạn 2021-2025 là 85 USD/tấn.

Với thực tế một số quốc gia trên thế giới dừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện than, khả năng gia tăng nguồn cung than trên thế giới được cho là hiện hữu.

“Trong điều kiện khai thác than trong nước ngày càng xuống sâu và đi xa, giá thành khai thác than ngày càng cao, nguy cơ mất an toàn trong khai thác than và tác động đến môi trường gia tăng nên khả năng cạnh tranh với than nhập khẩu không cao là điều kiện thuận lợi cho việc thu xếp nguồn than nhập khẩu, giảm áp lực gia tăng than sản xuất trong nước”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận xét trong báo cáo.

Ngành Than cần 270.000 tỷ đồng vốn đầu tư đến 2030
Ngày 31/8/2016, Bộ Công thương đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than đến năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư