Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 05 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu thiệt khi chưa hiểu luật
Hồng Sơn - 16/10/2016 08:51
 
Chưa hiểu rõ đối tác, ký hợp đồng có nhiều điều khoản bất lợi, lúng túng trong giải quyết tranh chấp…khiến doanh nghiệp Việt chịu thiệt thòi.

Nóng nhất là ngành gỗ với điển hình là Công ty Gia Hân và Công ty Cửu Long ký hợp đồng sản xuất, cung cấp cho Công ty Globle Home.

Theo đó, Công ty Gia Hân đã ký hợp đồng FOB với Global Home từ năm 2012, với việc chấp nhận nếu phát sinh tranh chấp sẽ dùng luật của Vương quốc Anh, giải quyết tại trọng tài Hồng Kông.  Còn với Công ty Cửu Long Furniture, hợp đồng được Global Home soạn và gửi sang, Cửu Long tự điền số lượng vào theo khả năng.

.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Truyền (đại diện pháp lý cho Công ty Gia Hân trong vụ việc với Globle Home) doanh nghiệp trong nước thường chỉ xem đơn giá, kỳ hạn thanh toán, nên khi phát sinh tranh chấp, bị “thiệt đơn, thiệt kép”, chưa đòi được nợ đã phải móc tiền đi kiện.

Ở góc độ doanh nghiệp trực tiếp làm xuất khẩu, ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (Đồng Nai) dẫn chứng, có nhiều trường hợp hàng hóa giao ở cảng đi còn nguyên vẹn nhưng khi tới cảng đến kiện hàng đã bị méo mó. Trong trường hợp này, doanh nghiệp Việt rất khó đòi bồi thường nếu để đối tác thuê tàu vận chuyển.

Còn từ đầu năm đến nay, một số nhà cung cấp điều ở châu Phi đã không thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng được ký với doanh nghiệp Việt Nam như chậm giao hàng, giao hàng kém chất lượng, hủy ngang. Một số trường hợp hủy hợp đồng vẫn giữ tiền đặt cọc của người mua không trả hoặc bị mất hàng trong container  nhưng khi về Việt Nam doanh nghiệp mới phát hiện ra.

Bởi vậy, theo bà Nguyễn Minh Hằng, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), doanh nghiệp trong nước cần tìm hiểu kỹ về những đối tác ngoại, đảm bảo được “an toàn” nhất định trước khi ký kết hợp đồng. Nếu có tranh chấp phát sinh, việc thỏa thuận bồi thường thiệt hại giữa các bên là điều cần thiết. Lúc bồi thường không thực hiện theo thỏa thuận, cam kết thì cần nhờ đến trọng tài.

Luật sư Châu Việt Bắc, Phó tổng thư ký VIAC cũng cho rằng,  khi tranh chấp, nếu chọn trọng tài, doanh nghiệp có thể lựa chọn người am hiểu lĩnh vực đang tranh chấp, thỏa thuận về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ nên vụ việc được giải quyết nhanh hơn; còn chọn tòa án phải đợi chỉ định thời gian, chánh án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư