Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu tôm kỳ vọng lạc quan trong 6 tháng cuối năm 2024
Hoài Sương - 18/06/2024 07:02
 
Kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ so với cùng kỳ là tín hiệu tích cực nhưng ngành tôm vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi nền kinh tế thế giới chưa phục hồi, lạm phát vẫn cao…

Trong 5 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 103 thị trường, mang về 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ so với cùng kỳ là tín hiệu tích cực tuy nhiên ngành tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, lạm phát vẫn cao, chiến tranh chưa có hồi kết.

Cụ thể, với thị trường Mỹ, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 229 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu chỉ tăng mạnh trong tháng 1, ngược lại tháng 2, tháng 4 và tháng 5 giảm mạnh.

Với thị trường EU, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 165 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Sau khi giảm trong tháng 2 và 3, xuất khẩu tôm sang EU đã phục hồi trở lại trong tháng 4 và 5.

Kim ngạch xuất khẩu tôm 5 tháng đầu năm tăng nhẹ so với cùng kỳ. 

Theo ông Đỗ Ngọc Tài, Phó Chủ tịch VASEP, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến thủy sản Tài Kim Anh, tại thị trường Mỹ, lạm phát, các chi phí nhà ở, xăng, dầu, gas… đều cao. Còn thị trường EU ảnh hưởng nhiều bởi chiến tranh Nga - Ukraine kéo dài, đồng EURO mất giá so với đồng USD.

Bên cạnh đó, cước tàu tăng đột biến từ 40 - 60% do phải đi vòng, chiến tranh ở Trung Đông và Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Đồng thời, tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia… dẫn đến mức tiêu thụ tôm ở cả hai thị trường này đều tăng trưởng không cao.

Tình hình xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc và Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm đang ghi nhận tín hiệu chưa khả quan khi kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2024 giảm lần lượt là 9% và 4%.

Ngoài ra, rong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 260 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu vào thị trường này tăng trưởng giảm dần từ tháng 1 đến tháng 4 và sang tháng 5 có dấu hiệu giảm nhiều. Nguyên nhân chính là giá tôm của Việt Nam cao hơn so với giá của các nguồn cung đối thủ.

“Những tháng tiếp theo cho đến cuối năm, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc do Mỹ áp thuế cao vì thế tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn về giá đặc biệt là tôm sú nguyên con, thẻ nguyên con”, ông Tài chia sẻ.

Dù còn nhiều thách thức nhưng các doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu tôm có thể tăng nhẹ vào quý III năm nay khi các nhà nhập khẩu tăng mua phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm.

Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI tăng thêm 25 tỷ USD
5 tháng đầu năm 2024, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp 205,4 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng 13,7%, tương ứng tăng thêm gần 25 tỷ USD so với cùng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư