Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Xuất nhập khẩu của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 5
Đông Phong - 08/06/2023 09:02
 
Trung Quốc ghi nhận xuất khẩu trong tháng 5 giảm nhanh hơn nhiều so với dự báo, còn nhập khẩu tiếp tục đà giảm trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu ảm đạm.
Container được tập kết tại cảng nước sâu Dương Sơn, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Container được tập kết tại cảng nước sâu Dương Sơn, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5/2023 giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức giảm 0,4% được dự báo, theo số liệu được Cơ quan Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/6. Số liệu tháng 5 cũng đánh dấu mức giảm xuất khẩu mạnh nhất của Trung Quốc, kể từ đầu năm.

Tương tự, nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng giảm 4,5% trong tháng 5, thấp hơn mức dự báo giảm 8,0% và mức giảm 7,9% của tháng 4.

Ông Zhiwei Zhang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty quản lý tài sản Pinpoint, cho rằng: "Xuất khẩu suy yếu chỉ ra rằng Trung Quốc cần dựa vào nhu cầu trong nước khi nền kinh tế toàn cầu chững lại". "Chính quyền nước này gặp nhiều áp lực hơn trong việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong thời gian còn lại của năm, vì nhu cầu toàn cầu có thể sẽ suy yếu hơn nữa trong nửa cuối năm", ông Zhang phân tích.

Mức sụt giảm của xuất nhập khẩu trong tháng 5 còn tồi tệ hơn tình hình xuất nhập khẩu khi mà cảng Thượng Hải - cảng biển nhộn nhịp nhất Trung Quốc - phải đóng cửa theo yêu cầu chống dịch Covid-19 một năm trước đó.

Trong quý I/2023, nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn dự báo với mức tăng trưởng 4,5%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý I/2022 khi nền kinh tế này đạt tăng trưởng 4,8%.

Động lực tăng trưởng quý I/2023 đến từ sức tiêu thụ dịch vụ tăng mạnh mẽ và lượng đơn đặt hàng bị dồn ứ sau nhiều năm gián đoạn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, sản lượng của các nhà máy ở Trung Quốc đã chững lại do lãi suất và lạm phát cùng tăng cao, ảnh hưởng đến nhu cầu và sức mua của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu.

Có thể nói, các số liệu thương mại vừa công bố đã chỉ ra thêm những chỉ dấu rằng sự phục hồi kinh tế Trung Quốc sau Covid-19 đang mất đà. Điều này đặt ra khả năng rằng Bắc Kinh sẽ phải tung ra nhiều chính sách kích thích kinh tế hơn nữa.

Chứng khoán châu Á, đồng nhân dân tệ, và đồng đô la Australia - đồng tiền rất nhạy cảm với biến động của thị trường Trung Quốc, đã đồng loạt sụt giảm sau thông tin xuất nhập khẩu của Trung Quốc đi xuống.

Đà phục hồi của chứng khoán Trung Quốc sau đại dịch đã yếu dần sau khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ phớt lờ cổ phiếu và chuyển sang tăng đầu tư gấp đôi vào các tài sản an toàn hơn trong bối cảnh nền kinh tế này phục hồi chậm chạp.

Nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng kép bởi nhu cầu trong và ngoài nước cùng sụt giảm. Sự ảnh hưởng đó còn gây ra những hiệu ứng lây lan ra khu vực châu Á. Đơn cử, số liệu của Hàn Quốc tuần trước cho thấy các chuyến hàng xuất khẩu của nước này đến Trung Quốc đã giảm 20,8% trong tháng 5, trong đó riêng xuất khẩu chất bán dẫn giảm 36,2%.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc cũng giảm 15,3% do thị trường xuất khẩu các hàng điện tử tiêu dùng của nước này bị suy yếu.

Nhu cầu nguyên liệu thô của Trung Quốc đã giảm xuống trong tháng 5 khi nhập khẩu than lao dốc từ mức cao nhất trong 15 tháng được thiết lập vào tháng 3/2023. Tương tự, nhập khẩu đồng trong tháng 5 cũng giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc được công bố vào tuần trước cho thấy hoạt động của các nhà máy trong tháng 5 cũng suy giảm nhanh hơn dự kiến.

Các chỉ số phụ của PMI cũng cho thấy sản lượng của các nhà máy sụt giảm do các đơn đặt hàng mới, bao gồm đơn xuất khẩu mới đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp.

Mặc dù tăng trưởng quý I của Trung Quốc vượt kỳ vọng, nhưng các nhà phân tích vẫn hạ dự báo tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm 2023 do sản lượng của các nhà máy có chiều hướng chậm lại.

Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khá khiêm tốn là khoảng 5% cho năm 2022, sau khi không đạt mục tiêu năm 2022.

Ông Julian Evans-Pritchard, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics, cho biết: "Chúng tôi cho rằng xuất khẩu (của Trung Quốc) sẽ giảm thêm nữa trước khi chạm đáy vào cuối năm nay".

"Mặc dù lãi suất bên ngoài Trung Quốc đang ở gần mức cao nhất, nhưng tác động trễ từ việc tăng lãi suất mạnh mẽ sẽ làm suy yếu hoạt động ở các nền kinh tế phát triển vào cuối năm nay, gây ra suy thoái nhẹ trong hầu hết các trường hợp", ông Julian Evans-Pritchard nhận định.

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng tốc, dù nhu cầu toàn cầu suy yếu
Xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng tốc trong tháng 7, tạo cú hích cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau tác động của các biện pháp cứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư