Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất nhập khẩu gạo 10 tháng lập kỷ lục, vượt 6 tỷ USD
Thế Hoàng - 05/11/2024 17:10
 
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gạo của cả nước tính đến hết tháng 10/2024 vượt 6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 4,86 tỷ USD và nhập khẩu đạt 1,2 tỷ USD, đều là những con số kỷ lục.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gạo 10 tháng năm 2024 lập kỷ lục với hơn 6 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gạo 10 tháng năm 2024 lập kỷ lục với hơn 6 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu gạo 10 tháng của năm 2024 chứng kiến những kỷ lục mới.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gạo của cả nước tính đến hết tháng 10/2024 đã vượt 6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 4,86 tỷ USD và nhập khẩu đạt 1,2 tỷ USD.

Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4,86 tỷ USD, tăng lần lượt 10,2% và 23,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu gạo cũng chứng kiến mức tăng chưa từng thấy, khi 10 tháng qua, các doanh nghiệp Việt đã chi gần 1,2 tỷ USD để nhập khẩu các loại gạo, tăng tới 72,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số nhập khẩu cao kỷ lục của ngành gạo từ trước đến nay, vượt xa kim ngạch nhập khẩu 860 triệu USD của năm 2023.

Đặc biệt, chỉ trong tháng 10/2024, giá trị nhập khẩu gạo vọt lên 148 triệu USD, tăng 225% so với tháng 10/2023. 

Như vậy, 10 tháng qua, ngành gạo xuất siêu khoảng 3,66 tỷ USD.

Nhập khẩu gạo gia tăng không phải là câu chuyện mới mà đã diễn ra trong vài năm gần đây. Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo nhưng tỷ trọng gạo thơm, gạo chất lượng cao ngày càng phổ biến trong khi diện tích gieo trồng lúa gạo cấp thấp hơn đang ngày càng giảm.

Việc này nhằm tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng ưu tiên cho giống lúa thơm, đặc sản, năng suất cao phục vụ cho xuất khẩu, cũng là  để cạnh tranh tốt với gạo của các quốc gia xuất khẩu khác.

Gạo nhập khẩu về nội địa chủ yếu là gạo tấm có giá rẻ, xuất xứ từ Ấn Độ dùng để làm bánh, bún, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi... Ngoài ra, các doanh nghiệp còn nhập khẩu gạo từ Campuchia, Myanmar, Pakistan với giá thấp hơn so với gạo trong nước. 

Đáng chú ý, giá gạo trên thị trường thế giới đang lao dốc, về mức đáy nên các doanh nghiệp cũng tranh thủ đẩy mạnh nhập khẩu về phục vụ hoạt động sản xuất chế biến thực phẩm, đó là nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu gạo tháng 10 tăng đáng kể.

Số liệu từ Bộ Công thương, năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận lượng gạo nhập từ Ấn Độ tăng vọt sau nhiều năm, với 46.700 tấn, tăng hơn 9 lần so với năm 2019.

Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 999.750 tấn gạo, trong đó khoảng 720.000 tấn nhập từ  Ấn Độ, với chủng loại gạo nhập chủ yếu là cấp thấp (gạo tấm và gạo trắng khác). 

Các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo trong nước cho rằng, hằng năm, Việt Nam xuất khẩu một lượng lớn gạo, thì việc nhập 1-2 triệu tấn gạo phục vụ các ngành sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi là bình thường.

Việt Nam đã mở cửa, nên bên cạnh xuất khẩu sẽ có nhập khẩu, điều quan trọng là hoạt động nhập khẩu cần phải minh bạch để có thể quản lý được số lượng, nguồn gốc nhập và giá nhập khẩu.

Việt Nam đang hướng đến sản xuất các loại gạo thơm, chất lượng cao, dẫn đến có thể sẽ thiếu hụt các loại gạo phục vụ chế biến. Trong khi đó, các loại gạo nhập khẩu từ Ấn Độ có giá rẻ hơn, nên các doanh nghiệp sẽ tăng nhập khẩu để chế biến sản phẩm từ gạo và phục vụ nhu cầu chăn nuôi.

Quan trọng nhất là phải quản lý để lượng gạo nhập khẩu  dẫu tăng cao  nhưng không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, cũng như tránh xảy ra tình trạng trà trộn, gian lận xuất xứ gạo Việt để xuất khẩu

Xuất khẩu gạo năm 2024 dự báo vượt mức 5 tỷ USD
Với đơn hàng xuất khẩu dồi dào, sản xuất lúa gạo ổn định, giá gạo xuất khẩu duy trì đà tăng, doanh thu xuất khẩu gạo cả năm 2024 dự báo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư