Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 11 tháng 08 năm 2024,
Xuất khẩu gạo năm 2024 dự báo vượt mức 5 tỷ USD
Thế Hoàng - 11/08/2024 14:59
 
Với đơn hàng xuất khẩu dồi dào, sản xuất lúa gạo ổn định, giá gạo xuất khẩu duy trì đà tăng, doanh thu xuất khẩu gạo cả năm 2024 dự báo vượt mức 5 tỷ USD.
Đơn hàng tiếp tục tăng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt lạc quan với kết quả kinh doanh những tháng cuối năm.

Doanh thu xuất khẩu đạt gần 3,3 tỷ USD trong 7 tháng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 5,18 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,27 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 25,1% trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Một năm trở lại đây, trước tác động từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu thiết lập mặt bằng giá mới theo hướng có lợi cho các quốc gia xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 4,7 tỷ USD, với giá trung bình là 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với năm 2022.

Bước sang năm 2024, giá xuất khẩu gạo vẫn duy trì ở mức cao. Giá xuất bán trung bình của gạo Việt trong 7 tháng qua đạt 632,2 USD/tấn, tăng 18,2% so với cùng kỳ

Tính đến ngày 15/7/2024, sản lượng lúa thu hoạch của cả nước đạt khoảng 25 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, năm 2024, sản xuất lúa gạo ước đạt khoảng 43,4 triệu tấn thóc, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có thể dành khoảng 7,6 triệu tấn gạo cho xuất khẩu.

Triển vọng tích cực chặng cuối năm

Xu hướng tăng nhập khẩu gạo của nhiều thị trường lớn, chuyên nhập gạo Việt Nam, như Indonesia, Philippines, Singapore… nhằm phục vụ cho tiêu dùng nội địa là cú hích quan trọng tiếp sức cho hoạt động xuất khẩu gạo trong chặng đường “về đích” năm 2024.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định: “Nhu cầu gạo của các nước trên thế giới, nhất là các khách hàng truyền thống của Việt Nam vẫn ở mức cao và có thể tăng lên. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu gạo trong những tháng còn lại của năm 2024”.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, đặc biệt năm 2023 đã đạt kết quả tích cực khi xuất khẩu tới 8,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm 2022 và là mức cao nhất trong 16 năm qua.

Sản xuất lúa gạo năm 2024 tương đối thuận lợi và ổn định. Dự kiến cả năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 7,6 triệu tấn, doanh thu trên 5 tỷ USD.

(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Vừa qua, Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia công bố kết quả mở thầu tháng 7 với số lượng 320.000 tấn gạo 5% tấm, doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 7 trên tổng số 12 gói thầu, tổng số lượng gạo trúng thầu là 185.000 tấn. VinaFood 1 là đơn vị trúng thầu nhiều nhất, với 104.000 tấn.

Bên cạnh đó, có 3 đơn vị trúng mỗi lô thầu 27.000 tấn gồm: Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Công ty cổ phần Quốc tế Gia, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Vi. Đây là những đơn vị sử dụng gạo có nguồn gốc Việt Nam. Ngoài ra, còn có Công ty Mekong Food của Việt Nam trúng thầu 27.000 tấn, nhưng sử dụng nguồn gạo từ Myanmar.

Thông tin từ các doanh nghiệp cũng cho thấy, xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc, bởi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng lên từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore...

Indonesia mới đây cho biết, có thể nhập khẩu đến 4,3 triệu tấn gạo thay vì 3,6 triệu tấn như thông báo từ đầu năm 2024. Lý do là, sản lượng gạo mà quốc gia này sản xuất từ đầu năm đến tháng 8/2024 thấp hơn 9,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài Indonesia, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines cũng dự báo tăng lượng gạo nhập khẩu từ 4,2 triệu tấn lên 4,5 - 4,7 triệu tấn trong năm 2024. Philippines là khách hàng truyền thống của gạo Việt.

Động thái tăng sản lượng nhập khẩu của Indonesia và Philippines chắc chắn có tác động nhiều đến xuất khẩu gạo Việt, bởi đây là 2 thị trường mua nhiều gạo nhất của nước ta. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt 3,1 triệu tấn, trị giá 1,75 tỷ USD; Indonesia là nhà nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với sản lượng hơn 1,1 triệu tấn gạo, trị giá hơn 640 triệu USD.

Ông Phùng Văn Thành, tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết, năm 2024, gạo Việt Nam vẫn giữ vị trí số 1 tại Philippines và còn nhiều cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục khai thác mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Trước một số ý kiến lo ngại giá gạo xuất khẩu có xu hướng chững lại và giảm, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu tại Đồng Tháp nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo được sự đồng đều về chất lượng của các lô hàng xuất khẩu, đàm phán giá có lợi nhất cho phía Việt Nam trên cơ sở phân tích thông tin, dự báo thị trường sát với thực tế.

Để hoạt động xuất khẩu gạo năm 2024 đạt hiệu quả cao, Bộ Công thương sẽ theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn, kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu.

Yếu tố tác động đến thị trường gạo những tháng cuối năm cần lưu ý là khả năng Ấn Độ có thể xem xét nới lỏng xuất khẩu gạo basmati và gạo tấm (Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu hai loại gạo này từ tháng 7/2023). Bên cạnh đó, giới chức Ấn Độ cũng đã kiến nghị giảm mức thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ.

Giới phân tích nhận định, bất kỳ quyết định nới lỏng xuất khẩu nào của Ấn Độ cũng có thể giúp hạ nhiệt giá gạo xuất khẩu tại châu Á, theo đó, áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam với các quốc gia xuất khẩu như Thái Lan, Ấn Độ sẽ gay gắt hơn. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chủ động giải pháp khi Ấn Độ xuất khẩu trở lại.

Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về xuất khẩu gạo sang Singapore
Sáu tháng đầu năm, Việt Nam vẫn giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất sang Singapore, chiếm 32,69% thị phần với 3 nhóm gạo: Gạo tẻ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư