Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Xuất nhập khẩu với khu vực thị trường CPTPP vượt 102 tỷ USD
Hải Yến - 22/01/2025 15:10
 
Ước cả năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với khu vực thị trường CPTPP đạt 102,1 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2023.
Xuất khẩu thủy sản sang khối thị trường CPTPP tăng trưởng cao.
Mexico, Canada, Peru là những thị trường khối CPTPP chuộng cá tra, basa Việt Nam. Ảnh minh họa

Xuất nhập khẩu với thị trường CPTPP vượt 102 tỷ USD

Kết quả trao đổi thương mại giữa Việt Nam với thị trường các nước thành viên thuộc Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong năm 2024 vừa được Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) tổng hợp.

Ước tính trong cả năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với thị trường CPTPP đạt 102,1 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm trước, nhưng giảm 2,3% so với năm 2022.

Còn so với năm 2019 - năm CPTPP chính thức có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu với khu vực này chiếm 13,1% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung của cả nước.

CPTPP có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 14/1/2019. Trước đó, năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thuộc khối này đạt 39,5 tỷ USD. Cuối năm 2024, xuất khẩu đạt 55,8 tỷ USD. Cán cân thương mại của Việt Nam với khối CPTPP thường xuyên xuất siêu.

Với kết quả này, tính chung trong giai đoạn 2019-2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường thành viên CPTPP đạt tốc độ tăng bình quân 6,2%/năm, thấp hơn so với mức bình quân 9% của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung.

Điểm nhấn là từng ngành hàng xuất khẩu vào các thị trường CPTPP đã có mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước và nhiều nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi CPTPP cao.

Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng hiệu quả ưu đãi từ CPTPP tại các thị trường khu vực châu Mỹ như Canada, Mexico và Peru - những nước lần đầu tiên có quan hệ hiệp định thương mại với Việt Nam từ CPTPP.

Năm 2024, trong xu hướng hồi phục của thương mại toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khối thị trường CPTPP ước đạt 55,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ 3 tăng 13,8% của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chung. 


Tính chung trong cả giai đoạn 2019-2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang khối này đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,7%/năm.

Xét trong khối các thị trường có FTA với Việt Nam (như EVFTA, RCEP, UKVFTA hay EAEU), kim ngạch xuất khẩu sang các thành viên Hiệp định CPTPP đạt tốc độ tăng trưởng đứng thứ 3 (thấp hơn so với mức tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường đối tác Hiệp định EVFTA, EAEU, UKVFTA nhưng cao hơn so với Hiệp định RCEP).

Đề cập lợi ích đối với Việt Nam khi tham gia FTA này, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, CPTPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bà Võ Thị Hồng Anh, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết kể, từ khi hiệp định CPTPP đi vào hiệu lực cho tới nay, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: điện thoại, hàng điện tử, thủy sản, đồ gỗ… đã dần dần khẳng định được chỗ đứng tại thị trường CPTPP.

Việt Nam đang là nhà cung cấp khoảng 35% tôm cho thị trường Canada, hay Mexico cũng đang là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất với cá tra Việt Nam…

Năm qua đã có sự dịch chuyển cơ cấu thị trường xuất khẩu giữa các thành viên CPTPP. Trong đó, tăng dần tỷ trọng xuất khẩu sang Canada, Australia, Mexico, Singapore trong khi thu hẹp tỷ trọng xuất khẩu sang Nhật Bản (từ 46,6% trong năm 2023 xuống 44,1% trong năm 2024).

Đáng chú ý, thị trường Australia với tỷ trọng xuất khẩu tăng từ 10,4% trong năm 2023 lên 11,6% trong năm 2024. Ngoài ra, xuất khẩu sang Chile, New Zealand, Pêru và Brunei vẫn đạt thấp, chiếm tỷ trọng dưới 2,5% trên tổng xuất khẩu sang thị trường CPTPP.

Nhóm hàng dẫn dắt tăng trưởng

Năm 2024, nhiều nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường CPTPP ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu  tập trung ở nhóm công nghiệp chế biến chế tạo.

6 mặt hàng dẫn đầu đều thuộc nhóm này, bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; hàng dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; và giày dép các loại.

Đây cũng là những nhóm hàng đem lại động lực tăng trưởng lớn nhất trong xuất khẩu hàng hóa sang khối CPTPP.

Tính riêng nhóm 6 mặt hàng đã chiếm 59% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. So với năm 2023, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng ghi nhận mức tăng cao nhất, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD, tăng 30,9% so với năm 2023 và chiếm 10,3% tỷ trọng.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác ước đạt 7,12 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm trước, chiếm 12,8% tỷ trọng trên tổng xuất khẩu sang thị trường CPTPP.

Đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng là nhờ nhu cầu tiêu thụ máy móc phụ tùng Việt Nam của các thị trường Australia, Canada và Chile với mức tăng trưởng mạnh trên 100% so với năm trước. Trong khi đó, kinh tế giảm tốc khiến xuất khẩu máy móc phụ tùng sang Nhật Bản chậm lại, chỉ đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 1,8%.

Đối với nhóm nông sản, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 555,8 triệu USD, tăng tới 74,9% so với năm trước, cà phê tăng 26%; rau quả tăng 20,6%; cao su tăng 118%...

Thị phần của một số nhóm hàng có sự cải thiện đáng kể, trong đó: Gạo (tăng từ 6,8% trong năm 2023 lên 10,2% trong năm 2024); Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (tăng từ 54,7% trong năm 2023 lên 57,3% trong năm 2024); Hóa chất (tăng từ 18,4% năm 2023 lên 20,3% năm 2024).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư