Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xuất siêu lớn và câu chuyện kiểm soát nhập siêu
Hà Nguyễn - 24/10/2018 08:30
 
Một trong những câu hỏi được đặt ra đối với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 là vì sao vẫn phải kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi 3 năm qua, Việt Nam liên tục xuất siêu?
TIN LIÊN QUAN

Trái ngọt tái cơ cấu

Báo cáo Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngoài việc khẳng định Việt Nam đã thành công trong thực hiện mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 3 năm đầu của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, đã nhấn mạnh một trong những thành tựu nổi bật của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Đó là cán cân thương mại đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư trong 3 năm liên tiếp.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Tổng công ty May 10 (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Tổng công ty May 10 (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh

Để khẳng định thành tựu này, phải quay lại câu chuyện của năm 2010, thậm chí cả nhiều năm trước đó. Năm 2010, Việt Nam nhập siêu tới 12,6 tỷ USD, tuy đã giảm khá nhiều so với con số trên 18 tỷ USD của năm 2008, nhưng nhập siêu lớn là nỗi ám ảnh đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tuy vậy, cuối năm 2010, khi xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt ra mục tiêu là đến năm 2015, cán cân thương mại sẽ cân bằng. Đặt ra mục tiêu như vậy, nhưng trong các cuộc thảo luận, không ít chuyên gia nghi ngại rằng, đó là mục tiêu bất khả thi.

Nhưng bất ngờ, năm 2012, Việt Nam đã đạt thặng dư cán cân thương mại (780 triệu USD), sau 20 năm nhập siêu. Tuy nhiên, niềm vui chỉ được phân nửa, bởi kèm theo đó là nỗi lo sản xuất khó khăn, nên nhập khẩu tăng chậm lại, dẫn tới xuất siêu. Điều đó có nghĩa, xuất siêu là không bền vững.

Dẫu vậy, kể từ thời điểm đó, nền kinh tế Việt Nam liên tục xuất siêu. Năm 2013, cán cân thương mại cân bằng. Năm 2014, xuất siêu 2,37 tỷ USD. Năm 2015, Việt Nam bất ngờ lại nhập siêu 3,54 tỷ USD, nhưng kể từ năm 2016, cả nước liên tục xuất siêu ở mức cao. Con số của năm 2016 là 2,52 tỷ USD, năm 2017 là 2,92 tỷ USD và 9 tháng đầu năm 2018 là 6,32 tỷ USD - một con số kỷ lục.

Đạt mức xuất siêu kỷ lục, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có đóng góp rất lớn của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). “Khu vực FDI liên tục xuất siêu lớn, chẳng những bù đắp được nhập siêu của khu vực trong nước, mà còn tạo ra xuất siêu trong những năm gần đây”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định.

Không chỉ nhờ khu vực FDI, mà việc Việt Nam liên tục xuất siêu trong thời gian qua còn có nguyên nhân từ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, khi cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng của khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng, trong khi tỷ trọng của khu vực khai khoáng giảm. Đây vốn là bài toán khó của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua và nay đã có lời giải. Kinh tế Việt Nam đã không còn quá phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Có lẽ, đó cũng chính là lý do khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhấn mạnh thành tựu nổi bật là “cán cân thương mại đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư trong 3 năm liên tiếp”. “Đó là một thành tựu lớn của kinh tế Việt Nam”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Xuất siêu lớn, sao vẫn phải kiểm soát nhập siêu?

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và cũng đồng tình với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đặt ra trong Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, song ông Vũ Hồng Thanh, khi thay mặt Ủy ban Kinh tế đọc báo cáo thẩm tra Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, lại một lần nữa đặt câu hỏi: Vì sao 3 năm qua liên tục có xuất siêu, mà vẫn phải đặt mục tiêu kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2019?

Khu vực FDI liên tục xuất siêu lớn, chẳng những bù đắp được nhập siêu của khu vực trong nước, mà còn tạo ra xuất siêu trong những năm gần đây.

“Phải làm rõ tính hợp lý và khả thi của chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu (7 - 8%), đồng thời làm rõ cơ sở của chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, trong khi kết quả của các năm 2016 - 2018 đều xuất siêu”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Thực tế, không phải đến bây giờ, câu hỏi này mới được đặt ra. Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đã từng bày tỏ sự băn khoăn về chỉ tiêu này. Theo ông Kiên, năm nào Chính phủ cũng đặt mục tiêu kiểm soát nhập siêu, trong khi trên thực tế thì đã nhiều năm có xuất siêu. “Nếu nói tái cơ cấu thành công thì phải thể hiện rõ ở đây chứ?”, ông Kiên đặt câu hỏi.

Câu hỏi này không phải là không có lý. Thực tế, dù quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã có những thành tựu không nhỏ, song vẫn được cho là còn chậm và chưa đạt kỳ vọng. Hơn thế, chỉ tính trong cơ cấu hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam, có thể thấy khá rõ rằng, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khá lớn nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Đây là một điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam và cho đến nay, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa giải quyết được căn bản điểm yếu này.

“Tôi cho rằng, việc Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu kiểm soát nhập siêu là sự thận trọng, bởi thực sự, dù chúng ta xuất siêu nhiều năm liền, nhưng vẫn chưa bền vững, cơ cấu hàng xuất nhập khẩu chưa thay đổi được bao nhiêu, nền sản xuất trong nước vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu. Nếu trong vài năm tới, FDI tiếp tục tăng mạnh, khu vực trong nước đẩy mạnh sản xuất, thì có thể, nhập siêu sẽ quay trở lại”, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân nói.

Bởi vậy, có lẽ, mục tiêu kiểm soát nhập siêu sẽ còn xuất hiện trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, chừng nào các vấn đề liên quan đến cơ cấu kinh tế chưa được giải quyết một cách căn bản, chừng nào công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa phát triển và Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư