Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Yêu cầu xét nghiệm âm tính gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng thực phẩm ở TP.HCM
Hồng Phúc - 08/07/2021 14:50
 
Nhu cầu mua thực phẩm của người dân tại TP.HCM đã và đang tăng cao nhưng chuỗi cung ứng các doanh nghiệp đang bị tắc nghẽn vì vướng phải yêu cầu xét nghiệm âm tính.

Báo cáo nhanh tình hình thị trường hôm nay (8/7/2021) được Sở Công thương TP.HCM vừa công bố vào đầu giờ chiều.

Căn cứ văn bản 5389/BYT-MT ngày 7/7/2021 về việc tiếp nhận đối với người từ TP.HCM về địa phương, có quy định, tất cả người về từ TP.HCM phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong vòng 7 ngày kể từ ngày về địa phương.

Sở Công thương TP.HCM cho biết, quy định nêu trên đang gây khó khăn cho một số đơn vị có kho nằm ở tỉnh lân cận như Saigon Co.op (kho phân phối hàng đặt tại Bình Dương) và ảnh hưởng chuỗi cung ứng hàng hóa các hệ thống phân phối khác như Satra, Aeon Mall, Bách Hóa Xanh, Lotte,..

Công tác vận chuyển hàng hóa của các đơn vị cung ứng đã và đang gặp khó khăn do việc người dân đổ xô mua sắm các mặt hàng nhu yếu phẩm để dự trữ trước thông tin áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn Thành phố từ ngày mai (9/7). 

.
Người dân TP.HCM xếp hàng vào siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 sáng 8/7 (Ảnh: H.P).

Sở Công Thương TP.HCM đã trao đổi làm việc với các hệ thống phân phối chủ lực trên địa bàn để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong trường hợp Thành phố áp dụng Chỉ thị 16. 

Cụ thể, hàng loạt các đơn vị cung ứng hàng hoá thiết yếu như Saigon Co.op, Satra, Aeon Mall, Bách Hóa Xanh, Lotte,…đưa ra 03 vướng mắc hiện nay, cùng 2 đề xuất/kiến nghị. 

Vướng mắc đầu tiên là việc yêu cầu kết quả âm tính của tài xế khi vô Thành phố gây tăng chi phí bán hàng cho doanh nghiệp, dẫn đến tăng giá bán sản phẩm.

Thứ hai, tình trạng bị động trong công tác điều phối xe tải chở hàng do khâu kiểm soát giấy chứng nhận âm tính theo cách thức thủ công gây ùn ứ hàng hóa, không đảm bảo 5K.

Thứ ba, công tác xét nghiệm chưa có sự điều phối, hiệp đồng thống nhất giữa TP.HCM và các tỉnh, thành nên thời gian lấy giấy chứng nhận tại các điểm xét nghiệm chậm trễ.

Về đề xuất, các đơn vị nêu trên cho rằng, cần hướng dẫn rõ ràng là hàng hóa của địa phương nào thì có hướng dẫn, phân bổ địa điểm xét nghiệm cụ thể trên địa bàn của từng tỉnh, thành đó; tốt nhất nên tổ chức xét nghiệm tại các trạm kiểm soát để chủ động xử lý các trường hợp phát sinh đột xuất. 

Ngoài ra, cần thống nhất quy định chỉ cần yêu cầu xét nghiệm nhanh (thời gian hiệu lực 3 ngày) và có hiệu lực lưu hành 03 ngày.

Hiện trên địa bàn TP.HCM có 2.833 điểm bán thực phẩm, theo từng địa bàn quận huyện đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông chính thống. 

Song song với đó, Sở Công Thương Tp.HCM đã chỉ đạo các hệ thống phân phối có các chính sách tăng cường, khuyến khích người dân chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại, …

Tính đến trưa ngày 8/7/2021, tại TP.HCM, có 06/106 siêu thị trên địa bàn phải tạm ngưng hoạt động, nhằm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; bao gồm siêu thị Bon Grocer (quận 3), siêu thị Lotte Nam Sài gòn (quận 7), siêu thị Lotte Phú Thọ (quận 11), siêu thị Co.opmart Cao Thắng (quận 10), siêu thị Co.opmart Âu Cơ (quận Tân Bình) và siêu thị Co.opmart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận).

Cùng với đó, có 85/2.616 cửa hàng tiện lợi, 148/234 chợ truyền thống, 3/3 chợ đầu mối tạm đóng cửa.

Công dân vào TP. Cần Thơ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2
Tất cả công dân (gồm công dân của TP.Cần Thơ) trước khi vào địa bàn thành phố phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư