Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
10 năm gia nhập WTO và câu hỏi còn lại
Khánh An - 08/01/2017 08:38
 
Sau 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều câu hỏi chưa tìm được lời giải.

Diện mạo mới

WTO đã làm thay đổi diện mạo khung khổ pháp lý, thể chế chính sách về kinh tế, thương mại, đầu tư, cũng như phương thức quản lý kinh tế của Việt Nam. Đó là điều đầu tiên mà ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) muốn nhấn mạnh khi nhìn lại một thập kỷ Việt Nam Việt Nam gia nhập WTO. Với ông Lộc, con số 162,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2015 so với con số tương ứng 50 tỷ USD trong năm 2006, hay vị trí là một trong 35 nền kinh tế xuất khẩu tốt nhất thế giới mà ông Giám đốc WTO Roberto Azevêdo đưa ra để dẫn chứng cho thành tựu mang tên Việt Nam trong thời gian qua đều nhờ sự thay đổi diện mạo trên.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thay đổi mạnh sau khi  Việt Nam gia nhập WTO, riêng giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạt 5,88%/năm. Đồ họa: Trà Linh
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thay đổi mạnh sau khi Việt Nam gia nhập WTO, riêng giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạt 5,88%/năm. Đồ họa: Trà Linh

Trong 2 năm liền trước và liền sau thời điểm gia nhập WTO (2006 - 2007), Việt Nam đã sửa trên 60 văn bản luật để thực thi cam kết WTO. Hàng trăm nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đã được sửa đổi.

Trước đó, năm 2005, lần đầu tiên, Việt Nam có Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư áp dụng chung cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm được thể hiện rõ nét. Hàng loạt rào cản kinh doanh được gỡ bỏ. “WTO đã tạo sức ép để Việt Nam chuyển dần từ phương thức quản lý Nhà nước can thiệp hành chính sang phương thức quản lý Nhà nước kiến tạo - tôn trọng quyền tự do kinh doanh, theo quy luật thị trường”, ông Lộc nói.

Kết quả là, năm 2007 là năm mở màn cho sự bừng nở mới của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, với kỷ lục gần 60.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm. Đây cũng là năm đầu tiên của làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài lần thứ hai, với 21,3 tỷ USD, tăng 77,8% so với năm 2006.

Những câu hỏi còn lại

Dù có tên trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới vài năm trở lại đây theo báo cáo của WTO, nhưng ông Lộc nhìn nhận, chuyến tàu WTO của Việt Nam đã không như kỳ vọng.

Thứ nhất, tăng trưởng GDP thấp hơn so với những gì Việt Nam làm được vào thời kỳ hội nhập hạn chế trước đó.

Thứ hai, nền nông nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực. Năm 2016 ngành này chỉ tăng trưởng 1,36%, trong khi giai đoạn 2001 - 2006 tăng 4%/năm.

Thứ ba, cơ cấu xuất nhập khẩu có vấn đề. Mũi nhọn xuất khẩu là các ngành sử dụng tài nguyên, gia công, thâm dụng lao động.

“Phải chăng, thể chế kinh tế và công tác điều hành vĩ mô của Việt Nam còn chưa theo kịp yêu cầu hội nhập? Phải chăng, doanh nghiệp Việt Nam không đủ sức cạnh tranh? Những điều này đã khiến cơ hội của WTO biến thành thách thức”, ông Lộc đặt câu hỏi.

Ở góc nhìn trực diện hơn, TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã chọn tựa đề đầy hàm ý: “10 năm WTO: Thua trên sân nhà”.

Lý giải về tựa đề này, TS. Du phân tích: “Một cách đơn giản, kỳ vọng khi Việt Nam gia nhập WTO là người có vốn sẽ có lợi nhuận, người lao động có việc làm và ngân sách Chính phủ dồi dào. Nhưng nhìn tổng quan, chúng ta đang thua”.

Theo ông Du, có 2 nguyên nhân chính. Một là, đầu cơ tài sản dễ dàng khiến doanh nghiệp không chăm chỉ làm ăn, lợi dụng vốn vay để đầu cơ, nên khi trục trặc sẽ không có động cơ tiếp tục. Hai là, tiền vào nền kinh tế cũng dễ dàng.

“Nền kinh tế không hề thiếu vốn, nhưng trục trặc ở chỗ, một số ít doanh nghiệp có thể huy động vốn nhiều và dễ dàng cho các hoạt động đầu cơ, mua bán - sáp nhập hay thâu tóm, trong khi các đối tượng khác, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải chịu lãi suất rất cao”, TS. Du phân tích và gọi đó là căn bệnh “ngồi mát ăn bát vàng”.

Hệ lụy là, nhiều doanh nghiệp tập trung nguồn lực có được để duy trì các hoạt động có tính đầu cơ với hy vọng thị trường tài sản sẽ nóng lại trong tương lai.

“Trong khi đó, nợ xấu ở các ngân hàng vẫn khó giải quyết và nguồn lực đã không được dành cho hoạt động sản xuất - kinh doanh thực sự. Giá như các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội mở cửa, tập trung vào sản xuất - kinh doanh để tạo ra sản phẩm…”, TS. Du nhận định. Ông cũng nhắc lại rằng, tốc độ tăng trưởng GDP 7 - 8%/năm giai đoạn trước của Việt Nam chủ yếu nhờ vào hoạt động sản xuất - kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ.

Lúc này, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng chưa từng có, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nói theo cách của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cơ hội lớn nhất là có thể mượn sức hội nhập để nhập sâu vào quỹ đạo của hội nhập, thay đổi cơ cấu kinh tế, thoát khỏi đẳng cấp thấp.

Nhưng kinh nghiệm 10 năm gia nhập WTO cho thấy, khá nhiều cơ hội đã biến thành thách thức. Lần này, nhiều cơ hội đang đặt ra, song cũng không dễ hiện thực hóa.

[Infographics] Kim ngạch nhập khẩu sau 10 năm Việt Nam gia nhập WTO
Sau 10 năm gia nhập WTO, kim ngạch nhập khẩu của ​Việt Nam đã tăng hơn 2,5 lần, từ 62,68 tỷ USD năm 2007 lên 165,65 tỷ USD năm 2015.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư